Novak Djokovic bị cấm nhập cảnh vào Úc: Không ai đứng trên luật lệ
(Thethaovanhoa.vn) - Sự hoài nghi vào tác dụng của vaccine ngừa Covid-19 đã khiến Novak Djokovic phải trả giá bằng việc anh không thể đặt chân đến Australia và tham dự giải Australian Open, khi mà quy định của nước sở tại yêu cầu các tay vợt phải tiêm chủng hoặc chấp nhận ở nhà.
Hồi đầu tuần, thông tin Djokovic được miễn trừ y tế để thi đấu ở Australian Open diễn ra trong tháng này ở Melbourne đã gây ra một loạt phản ứng ở Australia, khi một số chính trị gia và quan chức quần vợt yêu cầu tay vợt người Serbia giải thích về bản thân.
Niềm vui ngắn ngủi
Trước đó, tay vợt nam số 1 thế giới và là một người luôn hoài nghi với việc tiêm phòng, đã thông báo trên mạng xã hội rằng anh sẽ “tới Australia cùng sự cho phép miễn trừ”.
Theo Ban tổ chức giải Australian Open xác nhận, Djokovic được miễn trừ y tế sau quá trình xem xét của hai hội đồng độc lập, một quy trình cho thấy anh vẫn chưa được tiêm chủng. Ngay lập tức, người Australia phản ứng dữ dội về thông tin này, đến mức hashtag #DjokovicOut (Djokovic biến đi) trở thành trend trên Twitter, trong khi các bình luận viên thì mỉa mai rằng, khán giả tại Australian Open có lẽ phải được tiêm phòng hết.
Stephen Parnis, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, thì tweet: “Tôi không quan tâm anh ta là một vận động viên quần vợt giỏi như thế nào. Nếu anh ta từ chối tiêm vaccine, anh ta sẽ không được phép nhập cảnh. Nếu sự miễn trừ này là đúng, nó sẽ gửi một thông điệp kinh hoàng đến hàng triệu người đang tìm cách giảm nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và những người khác. Tiêm phòng thể hiện sự tôn trọng, Novak”.
Còn một người dùng Twitter gọi đó là “một cái tát vào mặt hàng triệu người Australia”. Trong khi đó, tay vợt Jamie Murray của Anh cho biết sau trận đánh đôi nam nữ tại ATP Cup: “Tôi nghĩ nếu tôi không được tiêm phòng, tôi sẽ không được miễn trừ. Nhưng rất tốt cho anh ấy khi được phép đến Australia và thi đấu”.
Như đã nói ở trên, Djokovic từ lâu vẫn giữ những quan điểm phi truyền thống về khoa học và y học - anh từng khẳng định rằng cầu nguyện và niềm tin có thể lọc sạch nguồn nước độc hại - và anh có mối quan hệ phức tạp với đại dịch. Tay vợt người Serbia cũng nói rằng, tiêm chủng là một quyết định cá nhân và riêng tư nên không bị phán xét. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Australian Open thông báo rằng cần phải tiêm vaccine để được nhập cảnh vào Australia, cha của tay vợt số 1 thế giới đã chỉ trích quyết định đó.
Tuy vậy, câu trả lời cho việc liệu các tay vợt có thể vào Australia thi đấu hay không đã xuất hiện với câu “không” đanh thép vào thứ Năm. Sau 10 giờ đối đầu với các quan chức chính phủ tại sân bay Melbourne, nơi anh cách li trong phòng qua đêm, Djokovic được thông báo anh phải rời khỏi Australia.
Theo chính phủ liên bang thì nếu du khách quốc tế không thể tiêm phòng vì lí do y tế, họ “sẽ cần cung cấp bằng chứng” cho nhân viên hàng không. Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison của Australia đã lặp lại vấn đề này trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư, nói rằng nếu Djokovic đến Australia, anh sẽ phải cung cấp “bằng chứng có thể chấp nhận được rằng anh không thể tiêm phòng”.
“Nếu bằng chứng đó là không đủ,” Morrison nói, “anh ta sẽ không được đối xử khác biệt với bất kì ai khác và anh ta sẽ ở trên chuyến bay tiếp theo về nhà”.
Không ai đứng trên luật lệ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Australia, Greg Hunt xác nhận hôm qua thì Djokovic sẽ phải rời khỏi Australia sau khi bị hủy visa. "Lời khuyên tôi có là ABF (Lực lượng Biên phòng Australia) có thể xác nhận rằng Djokovic đã không cung cấp bằng chứng thích hợp để đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh vào Australia và thị thực của anh ấy sau đó đã bị hủy bỏ", ông Hunt cho biết. "Vấn đề đối với anh ấy là anh ấy có muốn kháng cáo hay không nhưng nếu visa bị hủy, anh ấy sẽ phải rời khỏi đây. Điều đó diễn ra sau khi xem xét lại việc miễn trừ đã được cung cấp thông qua các quy trình của chính quyền bang Victoria".
Phản ứng trước diễn biến trong ngày thứ Năm, Thủ tướng Australia cho biết mặc dù các quy định có vẻ khắc nghiệt đối với Djokovic và những người ủng hộ anh, nhưng chúng được đưa ra để bảo vệ công chúng Australia.
"Thị thực của Djokovic đã bị hủy bỏ. Các quy tắc là quy tắc, đặc biệt là khi liên quan đến biên giới của chúng tôi", ông Morrison tweet. "Không ai vượt trên những quy tắc này. Các chính sách biên giới mạnh mẽ của chúng tôi là rất quan trọng khi Australia có tỉ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới do Covid-19. Chúng tôi cần tiếp tục thận trọng".
Rõ ràng, Djokovic có thể được trang bị bằng việc miễn tiêm chủng sẽ cho phép anh thi đấu ở Melbourne nhưng thị thực không cho phép miễn trừ y tế. Vì thế, sau khi chính quyền Victoria tuyên bố không hỗ trợ đơn xin thị thực của Djokovic, số phận của anh đã được đặt trong tay chính phủ liên bang và Thủ tướng Morrison.
Tình hình này khiến cha của Djokovic, ông Srdjan phải lên tiếng cầu cứu trên trang B92 của Serbia: "Novak hiện đang ở trong một căn phòng mà không ai có thể vào được. Trước cửa phòng là hai cảnh sát".
Tuy vậy, ông Srdjan Djokovic cũng đe dọa sẽ chống lại sự bất công đối với con trai mình bằng cách kêu gọi những người biểu tình xuống đường nếu tay vợt này không được thả. “Đây là cuộc chiến cho thế giới theo chủ nghĩa tự do, đây không chỉ là cuộc chiến cho Novak, mà là cuộc chiến cho toàn thế giới. Nếu họ không để anh đi trong nửa giờ nữa, chúng tôi sẽ tập trung trên đường phố. Đây là cuộc chiến dành cho tất cả mọi người", ông Srdjan Djokovic nói với truyền thông Serbia.
Thậm chí, Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic cũng theo dõi các diễn biến và kêu gọi chấm dứt hành động "cản trở" tay vợt số 1 thế giới. "Tôi đã nói với Novak của chúng tôi rằng toàn thể Serbia ở bên anh ấy và các cơ quan chức năng của chúng tôi đang làm mọi thứ để thấy rằng việc cản trở tay vợt xuất sắc nhất thế giới cần được chấm dứt ngay lập tức", tuyên bố của ông Vucic cho biết.
Nói vậy nhưng chưa biết Djokovic sẽ có hành động gì sau khi bị Australia từ chối cấp thị thực bởi cái giá mà anh phải trả sẽ là việc anh mất đi cơ hội giành thêm một danh hiệu Grand Slam nữa cho bộ sưu tập của mình.
Tháng 4/2020, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu, Novak Djokovic bày tỏ lo ngại về khả năng bị buộc phải tiêm vaccine trong tương lai để có thể được thi đấu chuyên nghiệp. “Cá nhân tôi phản đối việc tiêm phòng và tôi không muốn bị ai đó ép phải tiêm vaccine để có thể đi lại”, tay vợt người Serbia nói. “Nhưng nếu điều đó trở thành bắt buộc, điều gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ phải đưa ra quyết định. Tôi có suy nghĩ của riêng mình về vấn đề này và liệu những suy nghĩ đó có thay đổi vào một lúc nào đó hay không, tôi không biết". |
Mạnh Hào