Những nẻo đường EURO: Bóng đen trên Cổng Khải Hoàn
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một cảnh tượng không thể quên với những ai có mặt tại đó: Cổng Khải hoàn chìm trong bóng tối, và lá cờ lớn ba màu của Pháp treo phía dưới trông như một cái bóng khổng lồ đang di động. Ánh sáng được chiếu lên bởi những ngọn đèn đường quanh đó, bởi ánh sáng của pháo bông mà các cổ động viên Bồ Đào Nha đốt, bởi ánh xanh lấp loáng của xe cảnh sát vây quanh để bảo vệ khu di tích lịch sử. Lẽ ra nó phải được thắp sáng đúng nghĩa. Nhưng...
Khải hoàn của Bồ Đào Nha
Buổi chiều trước trận đấu, người ta đã chạy thử các đèn chiếu sáng ba màu rọi lên chiếc cổng khổng lồ nằm ở trung tâm. Lá cờ ba màu Pháp ấy chắc chắn sẽ rất đẹp dưới ánh đèn rực rỡ và lung linh của cái đêm mà nhiều người tin rằng, đội chủ nhà Pháp sẽ đăng quang như vào năm 1984 và 1998, khi Platini và sau đó Zidane đưa họ đến Cúp vàng EURO và World Cup. Những năm ấy, Cổng Khải Hoàn tràn ngập những người, xe, tiếng cười, nói, hát hò, tiếng chân rầm rập như diễu hành trong một niềm vui khôn tả vì thắng lợi mà bóng đá đem lại. Ánh sáng đã bao trùm lên đó, trong những đêm không ngủ ở Paris.
Cổng Khải Hoàn sau đêm chung kết Pháp – Bồ Đào Nha. Ảnh Anh NgọcNgày trước, người ta không ngủ vì ngắm Eiffel rực rỡ, đi dạo dọc sông Seine và lướt qua những cây cầu lãng mạn của Paris trong những đêm hè, tản bộ trên đại lộ Champs-Elysees lúc đó đã vãn người và không còn đông đúc, ồn ã như ban ngày. Thế rồi sau đó người Pháp không ngủ vì những chức vô địch giành được trên đất nước mình. Nhưng ở giải đấu này, họ đã tổ chức một EURO hầu như không tì vết, đã tràn đầy tự tin sau khi thắng Đức ở bán kết, đã sơn cả chữ “Champions d’Europe” (Vô địch Châu Âu) lên xe chở cả đội, để rồi cuối cùng gục ngã trước người Bồ Đào Nha trong trận chung kết. Griezmann quá nhỏ bé so với những Platini hay Zidane.
Và vì thế, có lẽ trong đêm chung kết, sau khi tiếng còi mãn cuộc ở Saint-Denis cách đó vài chục cây số cất lên, giàn đèn không được bật, để lại khối kiến trúc ấy như một khối đá lạnh lẽo và vô cảm. Đấy là nơi mà Napoleon đã muốn được tạo ra để đón Đại quân chiến thắng của mình trở về sau các chiến dịch vinh quang, là một biểu tượng của nước Pháp chiến thắng hào hùng trong chiến tranh, dù đã có những đoàn quân phát xít Đức rầm rập đã diễu qua đây vào năm 1940 khi nước Pháp đầu hàng, và sau một thất bại trong bóng đá, nó trở thành nơi ca khúc khải hoàn của một đội bóng đã đánh bại Pháp ngay trên sân mình. Rất ít cổ động viên Pháp có mặt tại đó. Họ đã trở về nhà ngay khi trận đấu kết thúc. Những cuộc ăn mừng như đã dự định đã không diễn ra. Cũng không có cuộc ăn mừng nào của đội tuyển Áo Lam trên xe bus hai tầng trên các đại lộ của Paris và rồi kết thúc ở Cổng Khải Hoàn. Giấc mơ chiến thắng đã kết thúc với họ. Còn với hàng vạn người Bồ Đào Nha đổ ra đường phố Paris và lấy Cổng Khải Hoàn làm cái đích hướng tới, ánh sáng ở trong mắt họ, trong tim họ, trong màu cờ mà họ khoác trên vai, cắm trên xe ô tô tuýt còi inh ỏi.
Các cổ động viên Bồ Đào Nha thắp sáng Cổng Khải Hoàn bằng ánh sáng hạnh phúc của chính họ. Ảnh: Anh NgọcHọ chủ yếu là con cháu của các kiều dân Bồ Đào Nha di cư sang Pháp trong những năm 1960 để trốn tránh chế độ độc tài Salazar. Họ vừa là Pháp, vừa là Bồ Đào Nha. Và niềm vui sướng của họ được thể hiện một cách giản dị dù hơi ầm ỹ ở Cổng Khải Hoàn: họ diễu hành vòng quanh cái nơi không được chiếu sáng lên ấy, hô vang “Portugal Portugal”, họ đưa cả gia đình con cái nhiều thế hệ cùng tập trung ở đó. Một bà cụ chừng 70 tuổi mặc áo Bồ Đào Nha đã phất cờ dữ dội trước ống kính của tôi. Một người Bồ Đào Nha cao tuổi đã nhập tịch Pháp khác thì hét lạc giọng trách cứ tại sao Paris không bật đèn ở Cổng Khải Hoàn để chúc mừng Bồ Đào Nha. Ông làm nghề gác cửa ở một khu chung cư của Paris. Những người giữ cửa gốc Bồ Đào Nha ở Paris thực ra chẳng khác gì xe taxi vàng gắn liền với New York. Một phần không nhỏ trong số hơn 850 nghìn người Bồ Đào Nha sống ở vùng Ile de France, nơi có thủ đô Paris, vẫn sống bằng nghề ấy. Nhưng đấy là một nghề đang có xu hướng “tuyệt chủng” vì bây giờ người ta đã mã hóa các cửa ra vào các chung cư. Nhiều người ở Paris đã ví von, trận đấu của Pháp với Bồ Đào Nha là một cuộc chiến kì lạ. Tồi tệ hơn của chiến tranh là nội chiến. Tồi tệ hơn nội chiến là cuộc đối đầu của những người hàng xóm. Và tồi tệ hơn cuộc chiến ấy là giữa người gác cửa với những ai sống trên tầng cao, một cách nói ẩn dụ về sự chênh lệch đẳng cấp. Đêm Cổng Khải Hoàn không được chiếu đèn, những người gác cửa đã giành chiến thắng.
Cái chết của một giấc mơ
Chiến thắng ấy đã đến từ bi kịch của một cá nhân, khi thế giới rúng động vì những giọt nước mắt rơi trên má Ronaldo. Trận đấu đã kết thúc với anh ở phút 25 và nhiều người lo lắng rằng, đấy là sẽ là trận chung kết cấp đội tuyển cuối cùng của siêu sao người Bồ Đào Nha. Nhưng không, sau khi anh ra sân, đội bóng của anh kết thành một khối mạnh mẽ, vững chắc, dù đôi lúc có trải qua những giây phút nao núng, nhưng họ không đầu hàng, cho đến khi Eder sút tung lưới đội Pháp ở hiệp phụ. Đấy là lúc nước mắt chuyển sang má người Pháp, biến Paris thành một sa mạc im ắng và lạnh lẽo ghê người. Tất cả chết lặng. Đường phố khi ấy im như tờ. Khách hàng trong các quán ăn chết trân nhìn lên tivi mở to tiếng. Trên radio của chiếc xe tôi đang phóng ra Cổng Khải Hoàn để đón chờ màn ăn mừng chiến thắng của Bồ Đào Nha, tiếng bình luận viên trên kênh RTL vừa như kêu gọi các cầu thủ hãy tiến về phía trước và nhắm lấy khung thành của Bồ Đào Nha mà sút, vừa như van vỉ thời gian hãy trôi chậm lại, lại vừa như động viên tinh thần chính bản thân mình và các thính giả, khi trận đấu đang vào những phút cuối cùng, để không ai sụp xuống vì thất vọng. 20 phút trước đó, cú sút của Gignac đã đập trúng cột dọc khi mà thủ môn Bồ Đào Nha bị đánh bại. Trước đó nữa, những nỗ lực của Sissoko và Griezmann đã không thành bàn thắng. Pogba, người được đánh giá quá cao, đã không thể hiện được bất cứ điều gì.
Một nhóm nhạc công từ Braga, Bồ Đào Nha, ăn mừng chiến thắng ở Cổng Khải Hoàn, Paris. Ảnh: Anh NgọcEURO kết thúc với sự tiếc nuối cho người Pháp. Đất nước bị rúng động bởi khủng bố ấy đã giành lại được “quyền ước mơ” như khẳng định của tờ Le Monde. Tất cả đã mong đợi vào sự hồi sinh của tinh thần 1998, khi đất nước chìm trong cái gọi là “l’amour foot” (tình yêu bóng đá), sau khi đội tuyển Áo Lam đoạt chức vô địch World Cup năm ấy. Tổng thống lúc đó là Jacques Chirac đã giành được thêm 14 điểm trong thăm dò dư luận nhờ đội bóng black-blank-beur (Pháp đen-Pháp trắng-Pháp gốc Bắc Phi). Trắng tay ở EURO này, hiệu ứng lên người đương nhiệm Francois Hollande đã tan biến và ông ngày càng cảm thấy mất lòng dân hơn hết. Đội tuyển ấy đã chơi vật vã trong giai đoạn đầu, đã vào đến bán kết và hạ Đức, đã lấy được niềm tin của tất cả, cả tình yêu của những người cực hữu như Le Pen. Thế nhưng, họ đã thua trên đỉnh kì vọng, và Deschamps đã không thể có lần diễu hành ở Champs-Elysees cùng đội Pháp với tư cách người chiến thắng như năm 1998 nữa.
Một nữ cổ động viên cao tuổi của Bồ Đào Nha. Ảnh: Anh Ngọc
Nước Pháp đánh bại được nỗi lo khủng bố và bất ổn xã hội trong một tháng, nhưng đã thua trên sân cỏ cùng đội tuyển của họ. Trong cái đêm mà Cổng Khải Hoàn đón mừng một đội quân chiến thắng không mang màu áo Lam...
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa