Nhiều trường đại học ở TP Hồ Chí Minh công bố điểm trúng tuyển sớm
Nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã công bố mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã thông báo mức điểm trúng tuyển sớm không nhân hệ số đối với thí sinh thuộc nhóm đối tượng 2 và đối tượng 3. Dựa vào mức điểm trúng tuyển nhà trường vừa công bố thì ngành Luật thương mại Quốc tế có điểm chuẩn cao nhất trong số 5 ngành tuyển sinh ở hai nhóm đối tượng trên.
Cụ thể, nhóm đối tượng 2 thí sinh phải đạt 7.5 IELTS trở lên và có điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển là 22,5 điểm thì mới đủ điểm trúng tuyển vào ngành Luật thương mại Quốc tế. Nếu thí sinh chỉ có 7.0 IELTS thì phải cần có điểm trung bình cộng là 28 điểm. Đối với thí sinh sở hữu TOEFL iBT từ 80 điểm trở lên, các em cần có điểm trung bình cộng là 22,5 điểm để trúng tuyển ngành này.
Đối với nhóm đối tượng 3, thí sinh cần đạt 28 điểm trung bình năm học 3 năm THPT và 24,5 điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển thì mới trúng tuyển ngành này.
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh lưu ý, đây chỉ là kết quả đủ điều kiện trúng tuyển. Kết quả này sẽ trở thành chính thức khi thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT năm 2023 hoặc các năm trước theo Quy chế tuyển sinh hiện hành; có kết quả thẩm tra hợp lệ của chứng chỉ quốc tế (hoặc chứng chỉ do đơn vị tổ chức thi cung cấp cho Trường theo đề nghị của thí sinh) hoặc kết quả đối soát bản chính học bạ trung học phổ thông với các loại giấy tờ mà thí sinh đã cung cấp cho Trường là thống nhất và hợp lệ; đồng thời phải thực hiện đúng quy định về đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức tổng hợp (học bạ và thành tích THPT) và phương thức xét điểm thi đánh giá đầu vào do trường tổ chức.
Theo đó, ở phương thức xét tuyển tổng hợp, chương trình đại học chính quy chất lượng cao và chương trình đại học chính quy quốc tế song bằng đều có cùng mức điểm chuẩn trúng tuyển là 106 điểm. Điểm chuẩn trúng tuyển đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng theo quy định.
Đối với chương trình đại học chính quy chất lượng cao, sinh viên sẽ chọn một trong ba ngành (Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán) sau khi nhập học chính thức. Đối với chương trình đại học chính quy quốc tế song bằng, sinh viên sẽ chọn ngành quản trị kinh doanh (bao gồm bốn chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Marketing, Tài chính, Quản lý chuỗi cung ứng).
Ở phương thức xét điểm thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đối với chương trình đại học chính quy từ 15 đến 17,45 điểm, tùy ngành. Theo đó, ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là Tài chính – Ngân hàng với 17,45 điểm, kế tiếp là ngành Kế toán với 17,2 điểm, ngành Quản trị Kinh doanh 16,9 điểm…
Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển có điều kiện đại học chính quy năm 2023 ở các phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, tài năng của các trường THPT trên cả nước theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, đối với phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, tài năng của các trường THPT trên cả nước theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật nhận hồ sơ từ 159 trường THPT trong cả nước đăng ký xét tuyển phương thức này.
Đây là các thí sinh thuộc nhóm 5 học sinh giỏi có điểm trung bình cộng học lực 3 năm THPT cao nhất trường hoặc thí sinh giỏi năng khiếu đạt thành tích cao trong các cuộc thi thể thao, nghệ thuật. Mỗi trường THPT chỉ được giới thiệu một học sinh vào một đơn vị của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ngành có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức này là Toán kinh tế với 28,60 điểm (thang điểm 30).
Đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (phương thức 2) có 4.242 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 13.493 nguyện vọng. Đây là các thí sinh đạt học lực giỏi 3 năm THPT hoặc là thành viên đội tuyển tham dự Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, học tại 149 trường THPT theo quy định ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Năm 2023, tất cả các ngành đều có điểm chuẩn từ 80 điểm trở lên (thang điểm 90). Để trúng tuyển, thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn học theo tổ hợp xét tuyển từ 8,9 trở lên. Điểm chuẩn của phương thức này là tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11, lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển do thí sinh đăng ký.
Theo Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Kinh tế - Luật, những ngành được nhiều thí sinh đăng ký nhất và có điểm chuẩn cao nhất là: Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế và Thương mại điện tử. Đặc biệt, ngành tuyển sinh mới nhất năm nay - Digital Marketing cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của thí sinh và có điểm chuẩn cao sau 3 ngành trên.
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng công bố kết quả đủ điều kiện trúng tuyển đại học chính quy năm 2023 của phương thức xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2023 và phương thức xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFT...) kết hợp kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level.
Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT theo quy định của ĐHQG TP Hồ Chí Minh (phương thức 1.2) và ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP Hồ Chí Minh (phương thức 2). Đây là những phương thức tuyển sinh đầu tiên trường công bố kết quả trong năm nay.
Năm nay, Trường nhận được 91 hồ sơ đăng ký và 216 nguyện vọng đối với phương thức 1.2; 2993 hồ sơ đăng ký với 7321 nguyện vọng với phương thức 2.
Đối với cả 2 phương thức, thí sinh truy cập website của nhà trường mybk.hcmut.edu.vn; sau đó nhập số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để tra cứu kết quả xét tuyển.
Với phương thức 2 này, trường xét tuyển theo tổng điểm trung bình các môn (thuộc tổ hợp môn xét tuyển) của các năm lớp 10, 11, 12; theo bài luận và thư giới thiệu.
Điểm xét tuyển (điểm chuẩn trúng tuyển) là giống nhau cho tất cả tổ hợp môn xét tuyển khi ngành/nhóm ngành đó có nhiều tổ hợp môn xét tuyển.
Điểm xét tuyển là giống nhau cho các ngành trong cùng một nhóm ngành. Sinh viên sẽ được phân ngành từ năm thứ 2 theo nguyện vọng và kết quả học tập.
Tiêu chí phụ để xét tuyển: Trường hợp nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển và số thí sinh vượt quá chỉ tiêu, đối với ngành Quản lý Công nghiệp và chương trình Tiếng Anh/tiên tiến; thí sinh có điểm môn Tiếng Anh cao hơn sẽ được trúng tuyển. Với các ngành còn lại, thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ được trúng tuyển.
Thí sinh được công bố dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển/ưu tiên xét tuyển thẳng (hay bất kỳ phương thức xét tuyển sớm nào khác) phải đăng ký lại nguyện vọng này tại cổng đăng ký tuyển sinh của Bộ GD&ĐT từ ngày 10/7 đến trước 17 giờ ngày 30/7.
Các thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển vẫn có thể tiếp tục đăng ký vào các ngành yêu thích với phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí (phương thức 5).