Nghệ danh tiếng nước ngoài cũng là chuyện bình thường
(Thethaovanhoa.vn) - Việc đặt tên, nghệ danh bằng tiếng nước ngoài hoặc một phần tiếng nước ngoài có lẽ cũng là chuyện bình thường. Bởi chỉ việc duy trì tên tuổi thuần Việt vẫn chưa đủ, có nhiều người dù tên Việt thuần túy nhưng thực sự lại sống với phong cách rất không “thuần Việt”.
Bản thân trong mỗi con người Việt đều mang sẵn niềm tự hào dân tộc và tình yêu đất nước từ sâu thẳm. Đó là một quá trình được bồi đắp và nuôi dưỡng từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường, xuyên suốt trong hành trình bồi đắp nhân cách con người.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (phải) đem thương hiệu Chibooks và văn chương Việt giới thiệu tại một Hội chợ sách ở nước ngoài
Trong suốt quá trình sinh trưởng, hình thành và phát triển nhân cách, cùng với việc tự khẳng định và phát triển tính cách, tiếng Việt đã thấm nhuần trong từng tế bào mỗi người, và phát triển mạnh mẽ hoặc lụi tàn dần bởi chính quá trình chúng ta sống và tác động từ chính sách - chế độ giáo dục của gia đình và nhà trường.
Hãy bỏ qua người lớn, và đề cập tới các bạn nhỏ, lứa mầm non mới gieo. Tiếng Việt của các bạn này ra sao, đạt trình độ đến đâu, bản thân các bạn này có ý thức phát triển tiếng Việt hay không trước hết phụ thuộc phần lớn vào nguyện vọng giáo dục của gia đình từ nhỏ và ý thức trong mỗi con người các bạn sau này. Tôi xin đề cập tới hai mô hình gia đình:
Một là gia đình bạn mang tư tưởng giáo dục thuần Việt truyền thống, bạn học tập trong môi trường trường học quốc nội thuần túy, và gia đình đặt yếu tố cần phải giỏi tiếng Việt lên hàng đầu thì điều này không còn phải bàn cãi. Tiếng Việt của bạn cần sẽ được ưu tiên phát triển quá nhiều môn học cơ bản như tiếng Việt, Tập đọc, Tập làm văn… Thầy cô sẽ rất cứng rắn trong việc luyện chữ đẹp hoặc sửa câu cú ngữ pháp. Các sinh hoạt trong gia đình cũng thường thuận theo những phong tục tập quán truyền thống của người Việt như một cái nôi giúp các bé sinh trưởng và lớn lên trở thành một người Việt yêu nước, yêu tiếng Việt thuần túy. Khát vọng này của nhà trường, gia đình là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên vào lứa tuổi thanh thiếu niên đã định hình được tính cách và chịu sự tiếp nhận của bên ngoài, và có ý thức tự hoạch định lối sống của mình sau này, họ có thể lựa chọn việc tiếp tục con đường phát triển đó hay không, hay có sự tác động pha trộn ngoại lai, nhờ vào sự tác động mạnh mẽ thường ngày của mạng xã hội, internet, truyền hình… Giới trẻ sẽ có xu hướng thích đặt thêm tên Tây cho sang, có những phong cách chào hỏi, cư xử với nhau có thể sẽ mang hơi hướng phong cách nước ngoài. Điều này vẫn được coi là bình thường và có thể chấp nhận được. Trừ phi việc áp dụng đó quá lố, trái ngược với phong tục tập quán, lối sống đạo đức của người Việt thì mới đáng bị lên án.
Hai là gia đình bạn là một gia đình tân tiến về mặt tư duy và có xu hướng hướng ngoại, họ muốn bạn được hưởng một nền giáo dục phương Tây phát triển, cho con cái học tập trong các trường quốc tế hoặc song ngữ, như vậy trong trường, con cái bạn có tên Tây hoặc tên ghép nửa Việt nửa Tây là chuyện bình thường để dễ gọi, chứ không hề mang hàm ý đua đòi. Lúc này phần lớn phụ huynh do có thiên hướng đẩy mạnh con học giỏi ngoại ngữ, nhanh chóng hấp thu cách ứng xử, tư duy theo phong cách của nước mà con bạn đang theo học, thì việc học tiếng Việt để đảm bảo “thuần Việt” đúng, hay và trong sáng như tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục Việt Nam là điều rất khó khăn.
Mặc dù tại hệ thống các trường song ngữ có áp dụng dạy chương trình giáo dục Việt Nam, hoặc bản thân gia đình của các bé cũng có ý thức thuê thêm giáo viên dạy kèm tiếng Việt tại nhà, song trình độ tiếng Việt của các học sinh này khó có thể đạt tới loại giỏi.
Nếu so trình độ với các bạn cùng độ tuổi tại các trường Việt Nam, thì tiếng Việt của các bạn ở các trường quốc tế hoặc song ngữ hiển nhiên là yếu hơn rất nhiều, thể hiện ở: chữ viết rất xấu, thường xuyên sai chính tả, tập đọc nhiều lỗi sai, mắc nhiều lỗi đánh vần… Tuy nhiên cũng từ chính các bé này, khi lớn dần ở độ tuổi định hình tính cách, có thể tiếp tục niềm yêu thích với tiếng Việt bằng cách thường xuyên đọc sách báo, thơ văn, xem phim ảnh tiếng Việt, hát các ca khúc tiếng Việt… và vẫn có thể có những giao lưu ứng xử, hiểu lễ nghĩa biết trên dưới, rất thuần Việt, thậm chí còn hơn rất nhiều những bạn được giáo dục trong môi trường thuần Việt trước đó.
Vì vậy, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng tên tuổi, nghệ danh nếu sử dụng tên Tây, hoặc tên ghép giữa Việt và Tây, không hề là một sự phủ nhận rằng tiếng Việt của người đó không trong sáng, hoặc người đó là một con người không yêu nước, không có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Lấy ví dụ đơn giản từ bản thân, cá nhân tôi cũng có một tên tiếng Anh khác là Lucy Nguyen, được sử dụng thuận tiện khi giao dịch với bạn bè quốc tế, sau khi nhận thấy bạn bè nước ngoài có nhiều khó khăn và nhiều nhầm lẫn trong cách phát âm tên họ có dấu của người Việt. Thậm chí có bạn nước ngoài còn than vãn tên tiếng Việt quá khó nhớ, khiến họ không thoải mái, ngượng ngùng mỗi lần gọi tên đối tác khi giao tiếp.
Sau khi tôi sử dụng tên này trong giao tiếp ra quốc tế, tôi cảm nhận được sự thoải mái của đối tác trong quá trình đàm phán nói chuyện. Bản thân họ không cảm thấy bị áp lực khi phải cố nhớ tên, đồng thời cũng dễ nhớ tên người nói chuyện hơn. Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn phải làm việc ở nước ngoài trong những hội chợ, chương trình mà con số những người phải tiếp xúc và giao dịch hàng ngày lên tới ít nhất là hàng trăm thì việc cần nhanh chóng để lại ấn tượng dễ nhớ sẽ là điều cực kỳ cần thiết. Và biết đâu, đó lại trở thành một lợi thế giúp bạn dễ dàng tiếp cận tới một giao dịch giữa hai bên. Sẽ rất khó đạt được thỏa thuận hoặc tìm lại người mà đối tác muốn giao dịch trong khi họ không nhớ nổi tên bạn.
Việc giữ lại họ Việt và ghép vào tên Tây không phải là một điều gì xa lạ và bị cho là lai căng, dị hợm đối với nhiều người Việt khác sống trong và ngoài nước, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài hoặc làm việc trong môi trường liên quan nhiều đến nước ngoài. Việc giữ lại họ Việt nhằm khẳng định rõ mình có nguồn gốc từ người Việt. Điều này thường dễ dàng tìm thấy ở các tên như David Tran, Belly Nguyen, Kimberly Kay Hoang, Andy Lam, Jade Nguyen, Chasy Ta, Audrey Hieu Nguyen…
Vì vậy theo tôi, nếu việc sử dụng một tên Tây hoặc tên ghép Việt - Tây giúp bạn dễ dàng và thuận lợi hơn trong quá trình giao tiếp quốc tế thì bạn vẫn cứ nên tiếp tục sử dụng. Điều này không thể đánh giá được trình độ tiếng Việt của bạn không trong sáng, hoặc bạn không yêu nước, không yêu tiếng Việt. Nếu không yêu tiếng Việt, không yêu sách vở, liệu tôi có tiếp tục phát triển gây dựng dòng sách văn học Chibooks hay không? Có mất công đưa sách Việt Nam đi triển lãm tại các hội chợ sách quốc tế hay không?
Tiếng Việt trong sáng hay không, tồn tại và phát triển ở ý thức người sử dụng nó. Việc lựa chọn hấp thu những gì trong sinh hoạt hàng ngày có tác động rất lớn đối với việc nâng cao nhận thức và trình độ tiếng Việt. Nếu bạn thường xuyên nghe nhạc chế với những lời lẽ xàm xí, thường chơi mạng xã hội với những từ ngữ lóng, vấy đục, thô tục… thì trình độ tiếng Việt của bạn liệu còn trong sáng nổi hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào ý thức của các bạn.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi