Ngẫm ngợi cuối tuần: Nấu súp rìu
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện cổ tích Nga Nấu súp rìu ngẫm thế mà hay.
Tưởng nó chỉ là câu chuyện vui với mẹo vặt của một anh thợ rừng (hoặc anh lính) đi đường láu lỉnh, đói bụng muốn xin ăn nhưng sợ chủ nhà không cho phải dùng mẹo. Mượn nồi, xin nước để “nấu xúp rìu” không tốn kém gì chủ nhà cho mượn ngay. Anh đổ nước đun sôi rồi thả lưỡi rìu vào nói nấu xúp thì chủ nhà đâm tò mò. Anh dùng muôi múc nước nếm khen ngon.
Chủ nhà càng ngạc nhiên. Lúc này anh ước: Giá có chút bột mạch thì nồi súp sẽ sánh và ngon hơn. Chủ nhà nghe nói thế sẵn sàng đem bột mạch ra cho. Mạch chín, nồi súp sánh đặc, anh đề nghị nếu có thêm tí mỡ, gia vị thì nồi xúp sẽ tuyệt vời! Lúc tất cả các đề nghị của anh được đáp ứng thì anh mời cả gia chủ cùng ăn! Ngon thật là ngon chủ khách vui vẻ. Gia chủ không hề biết rằng nồi xúp đó toàn bộ nguyên liệu chính là của họ.
Bây giờ thấy chuyện Nấu súp rìu gần với chuyện viết văn quá.
Viết văn giống nấu nồi súp rìu của cá nhân nhà văn bằng nguyên liệu từ của xã hội. Nhà văn chẳng có gì ngoài trí tuệ. Anh ta nhặt “nguyên liệu” từ mọi nguồn sách vở, thân phận đời thường, môi trường xã hội, kinh nghiệm sống… Từ những câu chuyện phiếm quán nước cho đến chuyện cung đình, giống như bột mạch, muối mắm, gia vị của chủ nhà, lần lượt pha trộn nấu dần thành “nồi súp” là tác phẩm.
- Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện buôn cá giống
- Ngẫm ngợi Cuối tuần: Học theo thiên nhiên
- Ngẫm ngợi cuối tuần: Bánh đa kê
Hoặc cũng có thể coi nhà văn như thợ may, những mảnh đời vụn đó được chắp vá khâu níu lại thành tấm áo văn chương. Viết ra thành truyện của mình. Nguyên liệu đấy, nhưng cách nấu khác nhau thì cho những món ăn khác nhau. Nấu kiểu thơ ra thơ, viết văn ra văn, trường ca ra trường ca, truyện ngắn tiểu thuyết ra truyện ngắn tiểu thuyết… Giỏi pha chế sẽ ngon, kém thành cám lợn!
Thợ may cũng vậy, cắt ghép vải vụn mà may thành tấm áo đẹp, thợ vụng thì cho tấm áo loàng xoàng…
Nghĩ cũng hay, từ câu chuyện cổ tích tưởng như chỉ dành cho trẻ con mà sâu xa thế!
Họa sĩ Đỗ Đức