Mew Amazing: 'Nghệ danh không chứng tỏ tôi thờ ơ với tiếng Việt'
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi đăng tải bài Tiếng Việt đang đi về đâu của tác giả Dương Tường, mà trong đó có một đoạn tác giả nói về nghệ danh tiếng nước ngoài của nhạc sĩ Mew Amazing. Để hiểu rõ thêm về những điều như “sính ngoại”, “thờ ơ với tiếng Việt”… chúng tôi ghi ý kiến của Mew Amazing nói về những điều này và về cái tên của mình.
Nhạc sĩ Mew Amazing cho biết: “Tôi thấy với tư cách một nghệ sĩ thì điều này không khách quan và khá là một chiều. Bởi không thể chỉ dựa vào nghệ danh để nói rằng nghệ sĩ ấy thờ ơ với tiếng Việt.Đối với tôi, việc yêu tiếng Việt hay không nằm ở chỗ ta đối xử với tiếng Việt như thế nào, cách hiểu của người sử dụng về ngôn ngữ đó ra sao. Anh ấy hiểu gì vẻ đẹp của tiếng Việt chứ không phải là một cái tên đơn thuần.
Một nghệ sĩ có thể họ trung thành với một nền văn hóa nhưng cũng có những người có nhiều hơn một nền văn hóa hay họ tiếp nhận nhiều nền văn hóa khác nhau. Như cá nhân tôi thì tôi lại chịu ảnh hưởng của văn học, âm nhạc phương Tây rất nhiều và điều đó, tôi nghĩ, làm cho tôi đa dạng hơn. Sự đa dạng hơn đó thể hiện bằng những sản phẩm của tôi nhưng tôi vẫn luôn viết những bài hát tiếng Việt, bằng ngôn ngữ Việt. Chỉ khác chăng nghệ danh tôi đặt là Mew Amazing và điều đó không chứng tỏ rằng tôi thờ ơ với tiếng Việt.
Nhạc sĩ Mew Amazing
Bởi nếu là người thơ ơ với chính ngôn ngữ mẹ đẻ thì tôi đã không viết ra được những bài hát có rất nhiều sự đầu tư về ca từ. Phải là người yêu tiếng Việt thì mới đào sâu vào cái đẹp, cái hay, cái ẩn dụ của tiếng Việt.
Nên tôi nghĩ rằng, việc nói một người là “sính ngoại” thì chúng ta cần phải có nhiều hơn một dẫn chứng để thuyết phục mọi người tin rằng người nghệ sĩ đó thật sự “sính ngoại” và họ có đang thờ ơ với tiếng Việt hay không.
Nghệ danh Mew Amazing mà tôi đã lựa chọn cho mình là một sự lựa chọn có khảo sát của riêng cá nhân về con đường tương lai của mình. Trong một cuộc chơi chung, mà ở đây là âm nhạc toàn cầu, thì dù anh có là người nước nào đi nữa, thì khi bước vào sân chơi chung, anh phải có gì đó hòa nhập được.
Trong một đội, anh không thể mặc bộ quần áo khác được. Với tôi, tiếng Anh là một nền tảng chung cho những ai muốn tham gia vào trường đua quốc tế và vì thế tôi chọn cho mình một nghệ danh tiếng Anh. Nghệ danh này vừa có ý nghĩa cá nhân, vừa có tính mục tiêu cho con đường âm nhạc tương lai của mình bởi tôi muốn nó sẽ thuận lợi cho tôi sau này.
Còn một vấn đề khác nữa là cái tên của tôi, Đức Hùng, vẫn thường bị nhầm lẫn với nhiều người khác. Mà điều này, như ai cũng thấy, cái tên nhiều khi quyết định tới thương hiệu cá nhân, cho nên tôi phải nghĩ đến một cái tên khác, một yếu tố quan trọng trong việc nhận diện”.
Nhà thơ - dịch giả Lynh Bacardi: Ngôn ngữ tự thân nó tồn tại nếu thực sự hữu lý Việc một người viết lấy bút danh bằng tên/chữ nước ngoài hay tên/chữ tiếng Việt là tùy theo sở thích, cá tính, quan điểm hoặc thể hiện phong cách sáng tác của họ. Một người viết có thể lấy bất kỳ bút danh theo bất kỳ cách gì họ muốn, từ tiếng Mỹ cho đến tiếng Lào, từ tên loài vật cho đến rác rến, sâu bọ, hay những từ thanh tao, thô tục, hoặc tự ghép chữ sáng tạo ra một cái tên chưa từng có, hoặc tếu táo, dị hợm… cũng không sao. Vì đó là quyền tự do căn bản của việc đặt tên, đó là chọn lựa đương nhiên nhất của người làm sáng tạo, làm văn nghệ.
Luật Hộ tịch của Việt Nam cũng không có quy định cụ thể về nguyên tắc đặt tên sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, nên thiết nghĩ mọi người cũng cần tôn trọng tự do cá nhân một chút. Vấn đề mà dư luận có thể phán xét chỉ nên dựa vào tác phẩm và việc làm của họ. Tôi nói không phải để tự bảo vệ cho mình, mà thực tế cho thấy có nhiều người có cái tên rất thuần Việt mà viết văn tiếng Việt lợn cợn, đọc không trôi, còn có nhiều người tên nửa Tây nửa ta mà viết tiếng Việt mượt mà, sâu sắc. Một trong những sơ tổ của chữ quốc ngữ là Alexandre de Rhodes, ông không cần là người Việt nhưng đã đặt nền móng căn bản cho sự trong sáng của tiếng Việt hiện đại. Nếu chỉ dựa vào bút danh không thuần Việt mà kết luận sẽ làm tiếng Việt mất đi sự trong sáng thì có lẽ người phán xét cố tình không hiểu khái niệm bút danh, nghệ danh là gì. Ngôn ngữ cũng như văn hóa, hay bản sắc dân tộc, tự thân nó tồn tại nếu nó thực sự hữu lý, còn phi lý, vô dụng, bất tài thì sẽ bị tự đào thải. |
Thể thao & Văn hóa