"Lịch sử văn minh thế giới" của Will Durant: Bộ sách lịch sử hấp dẫn như tiểu thuyết
Gồm 45 tập với hơn 20 ngàn trang, bản dịch tiếng Việt của bộ sách đồ sộ Lịch sử văn minh thế giới (Viện giáo dục IRED và NXB Khoa học ấn hành) vừa qua đã "về đích" trọn vẹn sau 4 năm thực hiện. Đây là bộ sách rất nổi tiếng trên thế giới, do vợ chồng sử gia Will Durant thực hiện, và mặc định được xem là "biên niên sử" đồ sộ về các nền văn minh trải dài trong suốt 2.500 năm lịch sử của nhân loại.
Là người đặc biệt yêu thích, đồng thời đã theo dõi và đọc trọn bộ bộ sách này trong 4 năm qua, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Tuấn Bình có bài viết riêng cho Thể thao &Văn hóa (TTXVN). Xin giới thiệu cùng độc giả.
Đừng ngại dày hay khô khan
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi từng đọc những phần trích dịch về Lịch sử văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và Ả Rập do Nguyễn Hiến Lê dịch. Ngày đó, qua giới thiệu của dịch giả, tôi chỉ biết rằng có một bộ lịch sử văn minh vĩ đại do Will Durant biên soạn và các phần trích trên chỉ là một số khiêm tốn trong tập đầu - Di sản phương Đông của ông. Vậy nhưng, điều đọc được từ những trang sách lôi cuốn như tiểu thuyết này, với nội dung bàn về mọi mặt từ đời sống, văn hóa, nghệ thuật cho tới chính trị, xã hội Á Đông, đã hình thành nên trong tôi những kiến thức nền tảng về văn minh nhân loại.
Tôi hằng ao ước được sở hữu trọn vẹn bộ sách.Vài năm trước, khi nghe tin Viện Giáo dục IRED tổ chức mua bản quyền và dịch thuật bộ sách này, tôi vừa mừng vừa lo lắng: Không biết họ có thể đi đến tận cùng công việc này, để có trọn bộ bản dịch tiếng Việt The Story Of Civizilation của Will Durant. Để rồi, sau 4 năm, vào tháng 4 vừa qua, thật hạnh phúc khi phía xuất bản công bố việc đã hoàn thành trọn vẹn 45 tập của bộ sách này.
Từng đọc các phần trích dịch do Nguyễn Hiến Lê và Bùi Xuân Linh thực hiện nhưng khi tiếp cận với cả bộ sách, tôi vẫn thật sự choáng ngợp: 11 phần và 45 tập, mỗi tập dày khoảng 450 trang.
Ở đó, mỗi phần là một giai đoạn lịch sử độc lập về địa lý, thời gian và tôn giáo: từ phương Đông qua phương Tây; từ cổ đại tới trung cổ, phục hưng và cận đại; từ Phật giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo tới Ki-tô giáo. Mỗi phần, tác giả chia từng tập theo mảng địa lý: Anh, Pháp, Trung Âu, Nam Âu, Bắc Âu và thế giới ngoại vi theo tôn giáo.
Là người ham lịch sử và gắn bó với việc sách vở, tôi cũng gắng nhẩn nha đọc hết bộ sách, coi đó như một "mục tiêu" phấn đấu. Quả thật bộ sách như cánh cửa mở ra những chân trời mới. Tôi đọc nó trong 4 năm, mỗi năm tôi đọc được 3 phần (tức gần 15 tập lẻ), lúc nào cũng để cốp xe tập sách đang đọc, túc tắc mỗi ngày 20, 30 trang. Không phải lúc nào tôi cũng đọc liên tục, nhưng khi mở sách luôn ngấu nghiến vì quả thật tác giả viết hấp dẫn như tiểu thuyết.
Tiện đây, cũng xin phép chia sẻ với các độc giả quan tâm: Thứ tự các tập sách vốn cũng đã đi từ Đông sang Tây và theo trục thời gian. Tôi nghĩ bạn đọc muốn tiếp cận có thể đọc lần lượt từ phần 1 tới phần 11 (phần cuối) là trọn vẹn. Nhưng ngay cả khi chỉ quan tâm tới một số giai đoạn, ví dụ Cách mạng Pháp, lịch sử Hồi giáo hay cuộc cải cách Tin lành, bạn đọc riêng phần đó trước cũng không sao.
Và nếu yêu mến bộ sách, độc giả không nên ngại độ dày của nó hay ám ảnh mặc định về sự khô khan của các cuốn sách lịch sử. Cái tài của tác giả là xây dựng đầy đủ bối cảnh để câu chuyện liền mạch và không đứt quãng.
Thêm nữa, tác giả viết bộ sử với tư duy "The story" - nghĩa là viết những câu chuyện kể khiến bạn đọc say mê như tiểu thuyết, hễ đã đọc vài trang rồi thì phải đọc tiếp tới hết cuốn, thỉnh thoảng gặp một nhận xét thâm thúy dí dỏm hoặc mỉa mai một cách tế nhị. Cuối mỗi phần luôn luôn có một vài trang tổng kết ngắn gọn, sáng mà đủ giúp ta nhận định được những nét chính của mỗi nền văn minh và gợi cho ta rất nhiều suy tư và hoài cảm.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ một lời bình về một viên tướng đi theo Alexander Đại Đế muốn ghi dấu tên tuổi mình trong lịch sử. Ông viết: "Tiếc rằng giờ đây tên ông ta chỉ nhỏ bằng một cước chú dưới chân trang tôi đang viết".
Will Durant viết bộ sử với tư duy "The story" - nghĩa là viết những câu chuyện kể khiến bạn đọc say mê...
Nửa thế kỷ cho công trình đồ sộ
Chúng ta cũng nên tìm hiểu con đường hình thành nên bộ sách vĩ đại của nhân loại này.
William James Durant (1885-1981) từng làm hiệu trưởng trường Labor Temple School ở New York, tại đó ông dạy triết học và sử trong 13 năm cho những người có nghề nghiệp muốn trau dồi thêm kiến thức. Khi các bài soạn rất được hoan nghênh, ông gom lại một số, in thành cuốn The Story Of Philosophy (Câu chuyện Triết học). Sách bán rất chạy, tiêu thụ đươc 2 triệu cuốn chỉ trong 3 năm, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Cũng từ đó, Durant quyết tâm chuyên sống bằng cây viết.Từ năm 1915, ông vừa soạn luận án tiến sĩ ở Đại học Columbia, vừa kiếm tài liệu cho bộ Lịch sử văn minh của mình. 14 năm sau, 1929, ông mới đem hết tâm trí ra thực hiện hoài bão.
Mục đích của Durant là tìm hiểu xem tài năng và sức lao động của con người đã giúp cho văn hóa của nhân loại được những gì, óc phát minh nảy nở và tiến bộ ra sao, đạt được những kết quả nào trong mọi khu vực: Chính trị, kinh tế, tôn giáo, luân lý, văn học, khoa học, triết học, nghệ thuật.
Ông cho rằng từ trước các sử gia phương Tây rất ít chú trọng đến văn minh phương Đông, đó là một khuyết điểm lớn. Cũng vì có chủ trương đó, ông 2 lần đi du lịch khắp thế giới, bỏ ra 8 năm nghiên cứu về phương Đông và mở đầu bộ sử bằng lịch sử phương Đông.
Đáng nói, Durant cũng biết rằng công trình phân tích và tổng hợp mấy ngàn năm lịch sử nhân loại là quá lớn so với sức làm việc của một người. Thực tế, nhiều người đương thời khi thấy ông bắt tay vào công việc đã cho ông là điên và sẽ thất bại. Nhưng Durant cứ can đảm bước tới, tin chắc rằng phải có một công trình tổng hợp văn minh để nhân loại hiểu văn minh là di sản chung của mọi dân tộc chứ chẳng của riêng dân tộc nào.
Để rồi, trong quá trình thực hiện, vợ Durant đã tiếp sức cho ông. Như những gì được ghi lại, mỗi người trong số họ có một phòng nghiên cứu riêng và một phòng làm việc chung. Tài liệu nào, ông đọc xong rồi cũng đưa bà đọc, mỗi người cùng ghi chép, suy nghĩ, sau họp nhau để so sánh, bàn bạc rồi mới viết. Cô con gái, Ethel giúp ông bà trong việc tìm tài liệu, ghi xuất xứ và đánh máy bản thảo.
Đặc biệt, Durant vạch trước chương trình cho mấy chục năm với độ chính xác đáng khâm phục. Ông giữ đúng lời hứa với nhà xuất bản, cứ đúng hẹn ngày là giao bản thảo, không hề trễ. Cuốn đầu tiên trong bộ sách về di sản phương Đông soạn xong năm 1935 (mất 6 năm), cuốn II về Hy Lạp xong năm 1939 (4 năm). Từ đó cứ 3 hay 4 năm xong một cuốn, đến năm 1965 ông hoàn thành toàn bộ.
Để rồi, trong quá trình lần lượt ra mắt, bộ sách được hoan nghênh nhiệt liệt, các trường đại học ở Mỹ đều khuyên sinh viên học để mở mang kiến thức. Nhưng Durant cho rằng công việc đó chưa hoàn thành, nên ông bỏ ra thêm 2 năm kể từ 1965 để viết thêm cuốn Bài học của lịch sử. Đây là phần kết của toàn bộ sách, gồm những nhận xét suy tư của ông về lịch sử văn minh.
Như thế, kể từ khi khởi thảo, Durant đã bỏ ra 38 năm (1929 - 1967) để thực hiện công trình của mình. Nếu kể cả những năm kiếm tài liệu khi còn học ở Đại học Columbia, ông trước sau mất đúng nửa thế kỷ. Công trình truyền đời này đã dễ dàng đi vào lòng người đọc trên khắp thế giới và mang trong mình tính kinh điển và bất hủ của nó, bởi lẽ hiếm có ai dành trọn cuộc đời mình như ông bà Durant để làm ra bộ sách lịch sử văn minh đồ sộ như vậy. Tác giả cũng đã được trao giải Pulitzer năm 1967 và được Tổng thống Gerald Ford trao huân chương cao quý nhất của Chính phủ Mỹ dành cho cá nhân - Huân chương Tự do của Tổng thống - năm 1977.
Và như thế với bộ sách đồ sộ này, Will Durant đã nằm trong danh sách những sử gia vĩ đại của nhân loại.
Quan điểm đi trước thời đại
"Hiện nay châu Á tràn trề một sinh lực mới, càng ngày càng mau đuổi kịp châu Âu, và chúng ta có thể đoán được rằng vấn đề quan trọng của thế kỷ 20 sẽ là sự xung đột giữa Đông và Tây. Viết sử mà có óc hẹp hòi, theo truyền thống cũ, bắt đầu bằng sử Hy Lạp, chỉ chép vài hàng về sử châu Á thì là thiển cận, thiếu hiểu biết" - Will Durant, viết năm 1935.
Bố cục "Lịch sử văn minh thế giới" của Will Durant
Phần I: Di sản Phương Đông (3 tập); Phần II: Đời sống Hy Lạp (3 tập); Phần III: Caesar & Christ (3 tập);Phần IV: Thời đại đức tin (6 tập); Phần V: Thời kỳ phục hưng (3 tập); Phần VI: Phong trào cải cách (5 tập); Phần VII: Thời đại lý trí khởi đầu (3 tập); Phần VIII: Thời đại Louis XIV (4 tập); Phần IX: Thời đại Voltaire (4 tập); Phần X: Rousseau và cách mạng (6 tập); Phần XI: Thời đại Napoleon (5 tập).