Ký ức của đô thị
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không mấy khó khăn để tìm kiếm những thông tin về rạp Hòa Bình và dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt. Trên mặt báo và các diễn đàn, tư liệu về chúng đang tràn ngập, sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố kế hoạch xóa bỏ 2 kiến trúc này.
Nói “xóa bỏ” không sai – dù trong bản quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt vừa đưa ra, chỉ có rạp Hòa Bình phải phá dỡ. Kiến trúc còn lại, dinh tỉnh trưởng (xây dựng khoảng năm 1910) sẽ được “di dời” sang một vị trí khác. Nhưng chắc chắn, cuộc dịch chuyển ấy cũng sẽ khiến công trình này không còn là chính nó, khi tách khỏi không gian đã gắn bó với lịch sử ra đời và tồn tại của mình.
Không khó để đoán được tương lai của phần đất mà 2 công trình ấy đang tồn tại. Giống như ở các đô thị lớn trên cả nước, khu vực ấy sẽ xuất hiện những kiến trúc cao tầng, với chức năng kết hợp giữa thương mại, giải trí, du lịch…
Và, cũng theo một kịch bản quen thuộc, sau khi đưa ra những tư liệu về rạp Hòa Bình và dinh tỉnh trưởng, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định: cách bỏ đi những kiến trúc gắn với lịch sử thành phố, để thay thế bằng những công trình hiện đại (mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu), là một tư duy rất sai lầm.
Tư duy ấy, ta vẫn nghe nhắc đến nhiều trong những câu chuyện tương tự, với những thương xá Tax, dinh Thượng thư ở Thành phố Hồ Chí Minh hay nhiều công trình Pháp cổ tại khu trung tâm Hà Nội. Ở đó, dù kiến trúc được giữ lại – hoặc vẫn bị phá đi -, dư luận đều nói tới việc thành phố đang tự đánh mất ký ức và bản sắc của chính mình.
***
Không khó hiểu, khi tại mỗi đô thị, các kiến trúc cũ thuộc khu vực trung tâm luôn bị “đe dọa” thay thế bằng những công trình hiện đại và cao tầng. Vị trí đắc địa, cộng cùng hệ số sử dụng đất rất cao của những tòa cao ốc, luôn có sức lôi cuốn nhà đầu tư – trong khi theo thời gian, những công trình cũ lại ít nhiều không còn bắt kịp nhu cầu sử dụng của cộng đồng hiện tại.
Nhưng, nhìn ngược lại, khu trung tâm của mỗi thành phố cũng chính là nơi thể hiện những đặc trưng về cảnh quan, lịch sử, lối sống cộng đồng… mà dòng thời gian đã đem lại cho nó. Như nhiều chuyên gia đã khẳng định: khu vực ấy phải là không gian của văn hóa và lịch sử, phải có chức năng thể hiện bản sắc riêng của thành phố, với những giá trị được tích lũy theo dòng thời gian.
Giống như, tới Đà Lạt, du khách sẽ muốn tìm đến dinh tỉnh trưởng để hiểu về một “thành phố châu Âu” đầu thế kỷ XX. Hoặc, họ muốn tới khu rạp Hòa Bình, nơi đã trở thành chứng nhân của hàng loạt sự kiện chính trị, lịch sử từng diễn ra ở thành phố này. So với chúng, những công trình theo kiểu hiện đại bỗng trở thành những kiến trúc mới, vô hồn và không bản sắc.
Vấn đề còn lại là tìm được sự tương đồng, khi nhiều những kiến trúc lịch sử ở trung tâm các đô thị vẫn được quản lý theo kiểu “bao cấp” và không phát huy được tiềm năng của mình, còn các nhà đầu tư lại chỉ hào hứng với những công trình mang nguồn lợi nhanh về kinh tế.
Lời giải của bài toán ấy đã được nhiều chuyên gia nhắc tới. Đó phải là một cơ chế cần thiết và hợp lý, để các nhà đầu tư có thể được hỗ trợ về quyền lợi kinh tế khi đầu tư vào những kiến trúc lịch sử của đô thị. Quan trọng hơn, những kiến trúc ấy cần được nghiên cứu để tôn tạo, phát huy giá trị, thậm chí chuyển đổi một phần công năng nếu cần.
Như hình mẫu ở nhiều đô thị phát triển trên thế giới, nếu tiếp cận đúng hướng, chắc chắn những kiến trúc ấy đủ sức mang lại nguồn lợi kinh tế tự thân, đồng thời vẫn tiếp tục làm dày lên bản sắc của thành phố theo thời gian.
Bởi, trái với những công trình hiện đại, chúng mang theo mình lịch sử và ký ức của mỗi đô thị.
Sơn Tùng