Không tưởng: Có riêng giải hoàng tráng cho… đạo văn
(Thethaovanhoa.vn) – Trong lễ trao giải tại Bắc Kinh cuối năm ngoái, khán giả đã bật cười khi người dẫn chương trình hỏi tác giả có lên nhận giải Bạch Liên không. Tất nhiên, chẳng nhà văn nào muốn là người chiến thắng trong một giải như vậy.
- Bob Dylan đạo văn để viết diễn từ nhận giải Nobel văn học
- Ứng viên tổng thống Pháp Le Pen bị tố đạo văn của người thua cuộc
- Đạo thơ, đạo văn, đạo tranh, đạo nhạc... sinh ra như thế đấy
Hồi tháng 11 năm ngoái, giải thưởng văn chương đầu tiên với mục đích chống lại đạo văn và thúc đẩy sự sáng tạo ở các nhà văn trẻ đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Được tổ chức bởi Hiệp hội Nhà văn Thiên Tân, Firestone Literary Awards cũng có những giải thông thường như Tiểu thuyết hay nhất, Tiểu thuyết ngắn hay nhất và Truyện ngắn hay nhất, bên cạnh giải châm biếm Bạch Liên (Bông sen trắng) dành cho các tác phẩm bị cáo buộc là đạo văn.
Tên giải cũng mang tính chế giễu. Mặc dù bông sen trắng vốn tượng trưng cho sự tinh khiết, nhưng theo tiếng lóng trên mạng Trung Quốc, nó lại dùng để nói tới những phụ nữ nham hiểm nhưng tỏ ra ngây thơ, vô tội, đặc biệt khi đứng trước đàn ông.
Trong một cuộc thăm dò trực tuyến, tác giả Tần Giản đã được bình chọn là người “chiến thắng” giải Bông sen trắng đầu tiên “nhờ” câu truyện Thứ nữ hữu độc. Cuốn tiểu thuyết, đã được chuyển thể thành phim truyền hình mang tên Cẩm tú vị ương, thu hút 18 tỷ lượt xem năm 2016, bị cáo buộc đạo văn kể từ khi xuất hiện trực tuyến năm 2012.
Bởi vì cô Tần không tới buổi lễ nên giải trị giá 9.999 NDT (hơn 36 triệu VND) được quyên góp cho Tongxing Academy, một tổ chức từ thiện do tác giả Hao Jingfang thành lập để giúp trẻ em nghèo vùng cao được học tập.
“Giải đạo văn này để thể hiện quyết tâm của Ủy ban trong việc chống lại thứ mà thị trường không dám đối đầu”, ủy ban giải thưởng viết trên trang trực tuyến.
Xiao Yingxuan, một nhà nghiên cứu về văn học trực tuyến từ Đại học Bắc Kinh, tin rằng lợi nhuận chính là động lực đằng sau nạn đạo văn đang tràn lan. Những người đạo văn có thể kiếm được khoản tiền khổng lồ từ việc bán quyền chuyển thể trước khi họ bị cáo buộc đạo văn. “Một khi các tác phẩm này gặt hái được thành công nhờ bán quyền sở hữu trí tuệ, lợi nhuận sẽ rất lớn”, cô nói với Sixth Tone. “Kết quả là, các nhà xuất bản và phát triển IP chỉ quan tâm tới lợi nhuận chứ không cần biết tác phẩm có đạo văn hay không”.
Năm 2016, đội ngũ 11 nhà văn đã nộp đơn kiện tác giả Thứ nữ hữu độc vì vi phạm bản quyền, yêu cầu bồi thường hơn 2 triệu NDT (hơn 7,2 tỷ VND). Wang Guohua, đại diện cho các nhà văn, cho biết vụ kiện phải đợi tới đầu năm 2018 mới có kết quả và “Giải thưởng không tạo ảnh hưởng lớn tới vụ án vì tòa án đưa ra phán quyết từ các sự kiện thật”.
Tuy giải thưởng không mang lại hậu quả pháp lý nào, cô Xiao tin tưởng nó sẽ lên tinh thần cho chiến dịch chống lại đạo văn, nhất là khi tổ chức trao giải vốn thuộc nhà nước. Các nhà bảo vệ tài sản trí tuệ cũng rất hoan nghênh giải thưởng bởi đây là sự ủng hộ lớn từ một tổ chức chính thống.
Giả Bình (Tổng hợp)