loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Nhà văn, nhà báo Andrea Pitzer vừa phát hiện những điểm tương đồng đáng chú ý trong suy nghĩ của nhạc sĩ tài ba về tác phẩm Moby-Dick với một bài viết trên trang CliffsNotes.
Bob Dylan có thể đã ăn cắp một phần nội dung từ SparkNotes, phiên bản trực tuyến của CliffsNotes, để viết diễn văn nhận giải Nobel của mình, theo bài viết trên tạp chí Slate của nhà báo Andrea Pitzer.
Bà Pitzer đã phát hiện ra những điểm tương đồng giữa bài viết của SparkNotes về tác phẩm Moby-Dick của Herman Melville – một trong ba cuốn sách Dylan nói tới trong diễn văn – sau khi nhà văn Ben Greenman lưu ý rằng Dylan có thể đã trích dẫn sai một câu trong Moby-Dick.
Dylan được trao giải Nobel Văn học vào tháng Mười năm ngoái, dù ông từ chối tới dự buổi lễ vào tháng 12 và chỉ gửi diễn từ. Vào ngày 4/6 vừa qua, ông đã gửi diễn văn tới Viện Hàn lâm Thụy Điển ở Los Angeles, hoàn tất các điều kiện để nhận giải thưởng trị giá 900.000 USD. Cùng với Moby-Dick, Dylan cũng nhắc tới Odyssey của Homer và All Quiet on the Western Front của Erich Maria Remarque.
Theo như Greenman lần đầu chỉ ra trên trang mạng của mình, Dylan dường như đã “phát minh” ra một khoảnh khắc trong Moby-Dick, trong đó, một linh mục nói với nhân vật Flash rằng: “Những người chịu tổn thương, có người được dẫn tới tới Chúa, lại có người bị dẫn tới những khổ đau”.
Huyền thoại âm nhạc Mỹ Bob Dylan cuối cùng sẽ nhận giải Nobel Văn học 2017 tại cuộc gặp gỡ đầy riêng tư với Ủy ban giải Nobel vào cuối tuần này tại Stockholm, nơi ông sẽ thực hiện hòa nhạc vào ngày 1-2/4 và tại thành phố Lund vào ngày 9/4.
Trong khi Greenam không tìm thấy câu này trong nhiều ấn bản của cuốn Moby-Dick, Pitzer phát hiện trang SparkNotes từng miêu tả nhà truyền giáo là “người mà những thử thách đã dẫn ông tới với Chúa thay vì khổ đau”.
Nói chung, Pitzer cho biết bà tìm được ít nhất 20 câu trong diễn văn của Dylan có vẻ lấy từ bài viết về Moby-Dick của trang SparkNotes. Đại diện của Dylan, Ủy ban Trao giải Nobel và trang SparkNotes hiện chưa có bình luận về bài viết này.
Pitzer lưu ý rằng có những từ đáng chú ý xuất hiện trên trang SparkNotes mà không có trong sách. Ví dụ, Dylan nói về thuyền trưởng Ahab: “Ông ta gọi Moby là hoàng đế, coi nó như hiện thân của cái ác”. Bản thân cuốn tiểu thuyết của Melville không hề có cụm “hiện thân của cái ác”, trong khi trang SparkNotes từng viết về Ahab: “ông ta coi con cá voi là hiện thân của cái ác”.
Cùng với diễn từ, ca khúc 'Hard Rain’s A Gonna Fall' của Bob Dylan cũng được biểu diễn tại lễ trao giải Nobel 2016 qua sự thể hiện của Patti Smith.
Dưới đây là một số điểm tương đồng mà Pitzer phát hiện ra:
Dylan: “Cuối cùng, Ahab phát hiện ra Moby… Thuyền được hạ xuống… Moby tấn công thuyền của Ahab và phá hủy nó. Ngày hôm sau, ông lại thấy Moby. Thuyền lại được hạ xuống. Moby lại tấn công tàu của Ahab”.
SparkNotes: “Ahab cuối cùng cũng thấy Moby Dick. Thuyền lao móc được hạ xuống, và Moby Dick tấn công thuyền lao móc của Ahba, phá hủy nó. Ngày hôm sau, Moby Dick lại được thấy lần nữa, và thuyền lại được hạ lần nữa… Moby Dick lại tấn công tàu của Ahba”.
Dylan: “Tashtego nói rằng ông đã chết và được tái sinh. Những ngày thêm vào đời ông là một món quà. Không phải Chúa Giê-su cứu ông, tuy nhiên, ông nói ông được một người bạn không theo Đạo cứu. Ông giễu nhại chuyện phục sinh”.
SparkNotes: “Tashtego… đã chết và được tái sinh, và những ngày thêm vào đời ông là một món quà. Sự tái sinh của ông giễu nhại hình ảnh phục sinh trong tôn giáo. Tashtego được ‘giải thoát’ khỏi cái chết không phải nhờ Chúa Giê-su mà bởi một người bạn không theo Đạo”.
Dylan: “Một thuyền trưởng khác của con tàu – thuyền trưởng Boomer – đã mất cánh tay vì Moby. Nhưng ông không đau khổ vì điều đó, ông mừng vì vẫn còn sống sót. Ông không chấp nhận cái thèm khát báo thù của Ahab”.
SparkNotes: “… một thuyền đánh cá voi mà thuyền trưởng của nó, thuyền trưởng Boomer, đã mất một cánh tay trong cuộc chạm trán với Moby Dick… Boomer, đơn giản là hạnh phúc vì còn sống sót sau cuộc chạm trán, không thể hiểu nổi cái thèm khát báo thù của Ahab”.
Diễn văn nhận giải Nobel của Dylan
Pitzer cũng chỉ ra rằng, đây cũng không phải lần đầu Dylan bị tố đạo văn. Ông từ lâu đã vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để viết lời bài hát. Album Love and Theft năm 2001 của ông bị chỉ trích gay gắt vì lời bài hát dường như lấy từ cuốn sách Confessions of a Yakuza của Junichi Saga và thơ Civil War của Henry Timrod. Thậm chí, các bức tranh của Dylan trong triển lãm năm 2011, The Asia Series, cũng bị cho là có nhiều điểm tương đồng với ảnh của các nhiếp ảnh gia có tiếng là Henri Cartier-Bresson và Leson Busy.
Trong buổi phỏng vấn năm 2012 với Rolling Stone, Bob Dylan đáp lại những cáo buộc về đạo văn liên quan tới album Love and Theft: “Tôi làm việc trong loại hình nghệ thuật của tôi. Tôi làm việc theo những nguyên tắc và giới hạn của nó. Nhiều kẻ độc đoán có thể giải thích cho bạn về loại hình nghệ thuật này tốt hơn tôi. Nó gọi là viết bài hát. Đó là chuyện của giai điệu và nhịp điệu, ngoài ra thì mọi thứ đều có thể chấp nhận được. Bạn biến mọi thứ thành của bạn. Tất cả chúng ta đều làm vậy”.
'Kipling, Shaw, Thomas Mann, Pearl Buck, Albert Camus, Hemingway… Thật không nói nên lời khi giờ tôi được cùng những tên tuổi đó trong danh sách', Bob Dylan viết trong diễn từ nhận giải Nobel Văn học 2016.
Thư Vĩ (Theo RollingStone)
loading...