'Khám phá' hát bội và tác giả 'rặc' chất Nam bộ
(Thethaovanhoa.vn) - Hát bội TP.HCM biểu diễn tại Thảo cầm viên, cũng với những trích đoạn kinh điển, những điệu múa đặc trưng, nhưng với cách tiếp cận mới giúp giới trẻ “khám phá” môn nghệ thuật hàn lâm này của dân tộc. Một “khám phá” khác là về nhà văn Phạm Tường Hạnh, sinh trưởng ở miền Bắc, nhưng ngôn ngữ tác phẩm lại “rặc” (đậm đặc) chất Nam bộ - một nhà văn rất đặc biệt nhưng khá ít người biết đến…
Đây là dịp để độc giả nhìn lại cuộc đời và tác phẩm của nhà văn tranh đấu năng nổ Phạm Tường Hạnh, cũng là dịp để những ai quan tâm đến hát bội (tuồng, bộ) thì đến giao lưu, tìm hiểu, vì mô hình này khá cởi mở, nhiều hỏi đáp.
Văn sử bất phân
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn Phạm Tường Hạnh (17/7/1920-17/7/2020) sẽ diễn ra lúc 9h30 ngày 17/7 tại Metropole (216 Lý Chính Thắng, TP.HCM).
Vì hoàn cảnh lịch sử, nhiều nơi ghi Phạm Tường Hạnh sinh năm 1918, nhưng theo người thân gia đình, ông sinh năm 1920. Ông quê quán Thái Bình, nhưng vào Nam từ những năm 1930, chọn nơi đây làm quê hương mới. Lịch sử cách mạng Nam bộ, Nam bộ kháng chiến chống Pháp ngập tràn trong các trang viết, trở thành bản sắc của ông.
Sinh thời, khi đọc những trang “văn sử bất phân” của Phạm Tường Hạnh, giáo sư Trần Thanh Đạm (1932-2015) nhận xét: “Ông bao giờ cũng khiêm nhường đứng sau, đứng khuất trong hàng ngũ những nhân vật anh hùng rất đông đảo của mình”. Truyền thống văn sử bất phân cũng bắt nguồn từ dòng họ có nhiều đóng góp vào đời sống văn hóa - lịch sử của đất nước. Thân sinh ông là dịch giả Hán - Nôm nổi tiếng Phạm Trọng Điềm.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003) từng nhận xét: “Điều đáng quý ở anh Phạm Tường Hạnh là sự làm việc. Anh làm việc bền bỉ, ngày này qua ngày khác, cứ thế gần như suốt cuộc đời và anh đã để lại dấu ấn ấy trong các văn phẩm...”. Trong các thể loại, ông nổi trội hơn về mảng ký, gây ấn tượng với các sách Giọt mật cho đời (4 tập), Đất Sài Gòn (1995), Muôn nẻo đường đời (1996), Một cuộc đời nghệ thuật (1998)… Trước 1975, ông có các tập truyện đáng chú ý như Vợ chồng Bảy Thẹo (1962), Búp bê Đức sang Việt Nam (1963)…
Ngoài các trang viết về các anh hùng thấm đẫm tinh thần văn sử bất phân, ngay khi viết về các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính… thì ông vẫn giữ cách viết này. Bên cạnh những bí bật mà nhờ gần gũi mới có, ông đều nỗ lực phát họa chân dung trong mối quan hệ với lịch đại, để qua đó độc giả nhận ra lịch sử và chân diện của nhân vật.
Hai trích đoạn kinh điển của hát bội
Vào lúc 8h30 ngày 19/7 tại sân trước đền thờ Vua Hùng trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật hát bội. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Nhà hát Nghệ thuật hát bội dự kiến sẽ tổ chức chương trình này thường kỳ 2 lần/1 tháng, với mong muốn giới thiệu được các tinh hoa của hát bội đến với công chúng ngày nay. Đây là cách làm tuy không mới, nhưng có nhiều triển vọng, vì sân khấu hát bội đang bị thu hẹp nhanh chóng, rất cần thêm phương tiện để quảng bá. Hơn nữa, để xem được nghệ thuật hát bội nguyên bản, nguyên tuồng tích thì không hề dễ dàng, vì quan hệ với khán giả đã đứt quãng từ lâu, giờ cần thêm những nhịp cầu mời.
Chương trình sáng 19/7 gồm múa Nhật nguyệt bát thiên vương, giới thiệu các điệu bộ đặc trưng của hát bội. Sau đó là 2 trích đoạn Ôn Đình chém Tá và Trần Bình Trọng tuẫn tiết. Sau 2 trích đoạn này là những giao lưu, trải nghiệm về các hình thức độc đáo của nghệ thuật hát bội.
Với khán giả mê hát bội (hát tuồng, hát bộ), trích đoạn Ôn Đình chém Tá (trong vở San Hậu) là một cảnh diễn kinh điển, rất hấp dẫn. Nó kể về màn giao đấu giữa trung thần Khương Linh Tá với 3 anh em gian thần phản nghịch Ôn Đình, sau khi bị chém đầu, Linh Tá tự xách đầu mình thoát khỏi vòng vây.
Trích đoạn tiếp theo là Trần Bình Trọng tuẫn tiết (trong vở Sát Thát), đề cao khí tiết kiên cường trước giặc ngoại xâm. Đây cũng được xem là trích đoạn tân kinh điển của lịch sử hát bội Việt Nam.
Chọn 2 trích đoạn mẫu mực và hấp dẫn này, hy vọng sẽ dễ kết nối với các khán giả đã mất thói quen xem hát bội lâu nay. Nhà hát Nghệ thuật hát bội cho biết, họ nắm khá rõ tình hình khán giả hiện nay, nên muốn tìm cách tiếp cận mới, sao cho gần gũi, dễ dàng nhất. Bởi hát bội vốn là nghệ thuật đỉnh cao và hàn lâm của Việt Nam, nếu cứ nguyên bổn cũ soạn lại, mà chưa kịp “giáo dục, truyền thông” đến khán giả, thì e rằng họ sẽ bị dội ngược, do quá khó hiểu.
Như Hà