Huệ Triệu - 'Chở Thu về nhà'
(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, bài thơ Thu về thành bài tập đọc của học sinh lớp 1, các trường chọn học theo bộ sách mới Cùng học để phát triển năng lực. Đây là bài thơ mà nhóm các nhà biên soạn mời tác giả Huệ Triệu viết theo yêu cầu mà chương trình đề ra.
“Hè qua Thu về/ Chú ve đã ngủ/ Chị gió la đà/ Bờ tre, lá cọ// Quả na, quả thị/ Quả bí, quả cà/ Mẹ bé đi chợ/ Chở Thu về nhà”.
Được mời viết trang mới cho sách giáo khoa
Bài thơ nói trên học sinh dễ hiểu vì thơ như vẽ ra những thứ các em đã nhìn thấy, đã cầm tay, đã quen mùi vị. Vẽ ra, ngay bên bé là mẹ, xa hơn là cây trĩu quả, cao hơn là gió lay cành. Thiên nhiên và con người chan hòa như trong một cổ tích. Bài thơ ấy học sinh dễ thuộc vì các nguyên âm e, a, o, u có trong các từ bắt vần với nhau. Bài thơ là khúc đồng dao, ngợi ca người mẹ.
Nhà thơ Huệ Triệu, nói với người viết bài: “Thu về chưa từng được in hay xuất hiện ở sách báo nào khác ngoài trang giáo khoa này. Thú thực để đáp ứng yêu cầu của người biên soạn sách, tôi cũng phải nỗ lực. Thứ nhất, bài thơ viết cho lứa tuổi lớp 1 phải thật đơn giản, trong sáng. Thứ hai, bài thơ được sử dụng trong SGK đúng vào thời điểm học sinh lớp 1 vừa mới học xong hệ thống chữ cái, chưa học đến vần, mới chỉ có nguyên âm và phụ âm. Viết về mùa Thu, mà không đưa vào được những nét đặc trưng của mùa Thu, trái hồng trái bưởi, thú thực cũng không thoải mái. Thêm nữa, bài thơ cho lớp 1, dù là đơn giản, cũng phải có tứ, mới "đứng" được. “Mẹ bé đi chợ/ Chở Thu về nhà” tứ ấy xuất hiện, coi như giải quyết được những băn khoăn của người viết và đáp ứng được yêu cầu của người biên soạn SGK”.
Thế mới thấy, làm ra trang giáo khoa, nhất là ở lớp 1 khó lắm thay! Không mở sách, báo để tuyển bài, mà mạnh dạn tìm người có đủ bút lực, đặt viết bài mới, cũng là một cách vượt khó.
Huệ Triệu là tác giả của 4 tập thơ, lại là cô giáo một trường chuyên nổi tiếng. Trang giáo khoa mà bà thực hiện, như đã được thử bút, rèn bút từ nhiều năm trước! Bé lớp 1 năm nay như lớn lên từ bé mầm non năm nào trong thơ bà. Chất cổ tích ấy, màu hoa lá kia, như chắt lọc từ câu chuyện:
“Bà ơi kìa hoa gạo/ Nở đỏ cả cây rồi/ Hoa như là thắp lửa/ Trốn mặt trời đi chơi! / Bà quờ tay tìm bé/ Chân bé chạy xa dần/ Vừa chạy bé vừa hát/ Theo nhịp bè ve ngân// Bé mang về hoa gạo/ Bà ôm bé trong tay/ Hoàng hôn đi nhóm bếp// Thổi nồi hoa gạo đầy!”(Hoa gạo).
Và mùa Thu trong sách năm nay, như bước ra từ mùa Hè những năm trước:
Con thích mùa Hè nhất/ Có nắng mưa rộn ràng/ Cây phượng quàng khăn đỏ/ Như đội viên xếp hàng// Con thích mùa Hè nhất/ Ve thành dàn hợp ca/ Có cánh diều mắc võng/ Dưới vòm mây la đà.// Con thích mùa Hè nhất / Được về quê với bà! (Con thích mùa Hè nhất).
Giải mã những từ lạ trong thơ Trương Nam Hương
Vốn là học sinh giỏi văn từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) quốc gia cấp Trung học phổ thông năm 1982, Huệ Triệu được tuyển thẳng vào thẳng Đại học Sư phạm Hà Nội, được học hệ thí điểm 5 năm đặc biệt, khi số đông sinh viên chỉ học 4 năm.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội (1987), Huệ Triệu học thạc sĩ tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM (năm 2000). Với quá trình đào tạo ấy, cô giáo Huệ Triệu được nhận về dạy trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, là tổ trưởng bộ môn văn ở trường này, là thành viên Hội đồng bộ môn Văn của Sở GD-ĐT TP.HCM là ủy viên BCH Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM.
Vừa giảng dạy, vừa viết các bài phê bình văn học cho các báo, cô giáo Huệ Triệu tìm ra nhiều tình huống văn học cho học sinh lớp chuyên của mình, cho đội học sinh giỏi văn của TP.HCM. Như việc cùng “giải mã những kết hợp từ lạ trong thơ Trương Nam Hương”. Theo cô giáo Huệ Triệu “...nhà thơ có sở trường trong việc dùng phép láy phụ âm đầu, đặc biệt là dùng 2 yếu tố chữ nghĩa cùng “nhòe mờ” để tạo nên một kết hợp từ cực kỳ mới mẻ”.
Cô giáo Huệ Triệu tìm ra những chữ thật lạ: Ngung nguây (Sóng nước ngung nguây vỗ mạn thuyền ), xao xít (Ngây dại ngày em xao xít hoa bìm), thun thăn (Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây ), loăn thoăn (Loăn thoăn đồng đất tối ngày), thẩm thắc (Rồi chòm sao thẩm thắc ), úng ớ (Làn hương úng ớ như môi trẻ ), mấp mớ (Tai chợt ù oa mấp mớ người ), thủng thót (Mồ hôi thủng thót như sao mọc ), nhấp nhoai (Nhấp nhoai chính khách lên ngôi, về vườn), phơ phay (Nhìn lên tóc bạn phơ phay tóc mình ), dở dưng (Dở dưng sắc nắng bảy màu vu vơ )...
Bằng sự tỉnh táo của một nhà khoa học, của một cô giáo, bà tìm ra những từ lạ kia và bằng sự đa cảm, mê đắm của một nhà thơ, bà thuyết phục người đọc làm quen với cái lạ có tính sáng tạo:
“Tôi đã rưng rưng nước mắt khi đọc câu thơ Gió tha thủi ngày qua tuổi nhớ (Tuổi nhớ). Cảm giác bơ vơ, côi cút và bao nhiêu tủi buồn được gợi ra từ 2 chữ “tha thủi” của Trương Nam Hương. 2 chữ thôi mà làm hiện ra cái cảnh ngộ đáng thương, cả tâm trạng và dáng vẻ của đứa con sớm phải lìa xa mẹ, cứ lủi thủi, bé bỏng làm sao giữa cõi đời rộng lớn. Viết “gió tha thủi” là để cốt nói người “tha thủi”, viết cho em, là để nói cùng mình. Với mẹ, chẳng đứa con nào muốn che giấu nỗi buồn thương mất mẹ. Với “tha thủi”, Trương Nam Hương đã gọi tên thật chính xác những dồn nén, những “òa vỡ” trong lòng mình khi viết về mẹ, về em”.
Dù đã tuổi hưu nhưng cô giáo Huệ Triệu vẫn được mời dạy các lớp luyện thi. Cho nên bà rất quan tâm đến bộ sách ngữ văn trung học phổ thông mới, sẽ được dùng từ năm học 2022 - 2023. Theo bà, “điều tôi tâm đắc là người dạy được trao quyền chủ động, linh hoạt. Chương trình tổng thể không quy định chặt chẽ về số tiết cụ thể cho mỗi nội dung dạy học. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các trường, các giáo viên có thể tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà chủ động thực hiện. Chương trình, sách giáo khoa đã “mở”, liệu người dạy có linh hoạt và chủ động dạy học theo hướng mở ấy không? Về hệ thống văn bản được chọn đưa vào sách giáo khoa, nhiều giáo viên (trong đó có tôi) vẫn luôn mong muốn được giữ lại những tác giả - tác phẩm là những đỉnh cao trong nền văn học nước nhà bên cạnh những tác giả, tác phẩm mới mang hơi thở của thời đại. Một mong muốn nữa, chương trình, sách giáo khoa mới phải làm sao để cả người dạy và người học thoát khỏi những “mẫu” cứng nhắc (hướng dẫn giảng dạy, gợi ý có sẵn, bài văn mẫu…)”.
Vẫn dạy để có trò giỏi, vẫn sáng tác
Trong đại hội VIII Hội Nhà văn TP.HCM diễn ra ngày 14 và 15/1/2021, nhà thơ Huệ Triệu được bầu vào ban chấp hành, được phân công phụ trách Ban nhà văn nữ. Bà sẽ tiếp tục đóng góp vào việc phát triển đời sống văn học thành phố này, như bà đã làm từ một địa chỉ văn hóa - Trường chuyên Lê Hồng Phong mà bà gắn bó.
Người viết bài còn nhớ năm 2017 cô giáo - nhà thơ Huệ Triệu, trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa có tên “Khoảng trời văn học” của tổ ngữ văn mà bà là tổ trưởng, đã phối hợp với Liên chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM, tổ chức thành công chương trình giao lưu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố thi sĩ Nguyễn Bính. Chương trình tạo điều kiện cho học sinh chuyên văn hiểu thêm về một tác giả có trong chương trình, yêu thêm môn học mà mình chuyên sâu bằng việc trao đổi với các nhà văn cùng sống với các em trong một thành phố, một thời. Hôm ấy có mặt Triệu Xuân, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Hoàng Đình Quang, Đỗ Viết Nghiệm, Bích Ngân, Trần Mai Hường…
Chính tại cuộc gặp mặt này cô giáo - nhà thơ Huệ Triệu say sưa nói với người viết về các thầy giỏi của trường, nhà văn Trần Đồng Minh (1941-2017), nhà văn dịch giả Trần Phò mà chị từng học hỏi, về những trò giỏi đang ngày càng danh tiếng trong văn học nghệ thuật: nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh (tác giả ca khúc Chân tình), nhà văn trẻ Anh Khang…
Là học sinh chuyên văn của cô giáo Huệ Triệu, nhà văn trẻ Anh Khang đang là cây bút được giới trẻ đón đọc, số lượng bản in của Anh Khang tăng từ 2.000 bản, lên 10.000 rồi 50.000 bản!
Vẫn dạy để có trò giỏi, vẫn sáng tác để góp vào đời sống văn học TP.HCM một giọng thơ, “... trong sáng mà sâu thẳm, dữ dội mà mong manh, càng về sau xuất hiện càng nhiều bài mà ở đó có nghệ thuật lệch chuyển ngôn từ, chuyển cái thực vào hư làm cho câu thơ giàu sức gợi” (Xuân Trường). Thơ Huệ Triệu đang như “cây phượng quàng khăn đỏ” ngoài sân trường kia!
Vài nét về Huệ Triệu Huệ Triệu tên thật là Triệu Thị Huệ; hội viên Hội Nhà văn TP.HCM từ năm 2010, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2013. Là tác giả các tập thơ: Mùa cây thay lá (NXB Thanh niên, 2009), Thức một miền xanh (NXB Thanh niên, 2011) Cảm thức sông (NXB Hội nhà văn, 2014). Đã nhận Giải thưởng Thơ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2011, giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục TP.HCM năm 2019. |
LÝ NGỌC