HLV Mai Đức Chung và nỗi niềm của vị tướng già
Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau ở sảnh khách sạn của đội tuyển tại Auckland. Đó là một buổi tối khá lạnh và ngoài trời lớt phớt mưa. Ánh đèn xanh của tháp SkyCity, điểm cao nhất của Nam bán cầu và là biểu tượng của Auckland, hắt xuống những khuôn cửa kính của khách sạn.
Hành trình của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023"
Ông Mai Đức Chung đã trở nên già đi nhiều trong một khoảng thời gian ngắn đã qua. Tóc ông đã bạc nhiều hơn trước.
Dưới muôn vàn thách thức
Có quá nhiều áp lực, những sức ép, những thách thức, những bài toán lớn lao liên quan đến đội tuyển nữ mà ông phải giải và khi World Cup đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của ông với đội tuyển đang đến rất gần, hình như vị tướng bóng đá già cũng trở nên trầm tư và trăn trở hơn, dù những nụ cười không hề mất đi trên khuôn mặt ông. Ông bảo ông mang theo 2 lọ thuốc ngủ, có những lúc 1 rưỡi 2h sáng đã tỉnh giấc và mãi sau đó mới ngủ lại được. Và có lẽ, những điều tương tự sẽ diễn ra như thế từ nay cho đến khi nào Việt Nam còn có mặt ở World Cup nữ lần này.
Không nghi ngờ gì nữa, dù không đặt ra quá nhiều mục tiêu ở một giải đấu lớn nhất mà ông và các cầu thủ nữ của chúng ta góp mặt, thách thức chưa bao giờ lớn đến thế. 4 ngày nữa là trận đấu với đương kim vô địch Mỹ, một ngọn núi thực sự, một đội bóng đang hướng đến kỳ tích 3 lần vô địch World Cup liên tiếp và dù đang đứng trước nhiều vấn đề về nhân sự và chuyển giao thế hệ, vẫn cứ là ứng viên số 1 cho giải, trong khi chúng ta, lần đầu góp mặt, chỉ được trang Goal uy tín dự đoán sẽ xếp ở vị trí 32/32 đội dự giải. "Cố gắng hạn chế bàn thua là được", ông cười bảo. "Và nếu ghi được bàn thắng nữa thì là kỳ tích". Đó đương nhiên không phải là điều đơn giản, nhưng với một đội bóng đã trải qua biết bao khó khăn trên hành trình đến đây, tư tưởng chủ bại chưa bao giờ tồn tại, và các nữ cầu thủ đến đây không phải để chỉ sung sướng khi chụp ảnh chung với những biểu tượng lớn nhất của bóng đá nữ hiện tại, từ Megan Rapinoe cho đến Alexia Putellas.
Báo chí New Zealand viết rằng, sức mạnh lớn nhất của đội tuyển Việt Nam chính là tinh thần, và việc không được đánh giá cao có thể giảm đi rất nhiều áp lực. Nhưng tinh thần ấy sẽ được thể hiện thế nào trong trận đấu với Mỹ, chỉ vài ngày sau trận giao hữu cuối cùng trước giải, trận thua Tây Ban Nha đến 0-9? Đó là một câu hỏi lớn, một kết quả khá nặng nề sau trận thua New Zealand 0-2 và trước đó đã có một trận giao hữu để lại nhiều hy vọng và ấn tượng tốt với Đức, cũng là một ứng viên của giải này. Ông Chung bảo, ông không ngạc nhiên về kết quả đó lắm, vì Tây Ban Nha là 1 trong số các ứng viên vô địch giải này và được đánh giá rất cao, nhưng đội tuyển đã quen hơn với thời tiết và sân bãi, đã trở nên tự tin hơn nhờ sự có mặt ở đây và nhờ thực tế mà đã dần hiểu được World Cup là thế nào.
Sau World Cup sẽ thế nào?
Trái bóng chưa lăn, nhưng chúng ta đã hiểu World Cup là thế nào. Và những đội lần đầu có mặt ở World Cup nữ thường hứng chịu những kết quả rất kinh khủng. Liệu điều đó có xảy ra với chúng ta không còn phải chờ, nhưng thực ra vị tướng già lại không quá đặt nặng vấn đề ấy lắm. Ông khát khao rằng, World Cup sẽ là một cú hích lớn cho sự phát triển của bóng đá nữ ở Việt Nam, một nền bóng đá dựa trên chỉ vài đội bóng ít ỏi trong một giải vô địch không ít vấn đề mà chủ yếu là tài chính. Ông mong ước rồi đây người ta sẽ quan tâm nhiều đến bóng đá nữ và cứ nhìn cách người Nhật, người châu Âu phát triển bóng đá nữ mạnh mẽ những năm qua mà thấy thèm.
Một sự phát triển như thế là điều không đơn giản, không chỉ với chúng ta mà còn cả những nền bóng đá mới lần đầu góp mặt ở World Cup nữ lần này, như Haiti, Zambia, Philippines hay Panama. Chính họ cũng kỳ vọng vào một lực đẩy lớn ở Australia và New Zealand lần này. Còn chúng ta thì sao, với con đường rất dài phía trước, với tư duy chỉ hướng đến chiến thắng của phần đông người hâm mộ và thái độ chờ đợi điều tương tự từ phía các doanh nghiệp, đa phần chỉ sẵn sàng bỏ tiền ra thưởng cho đội khi có kết quả tích cực? Câu chuyện ấy khiến cả ông và tôi cùng cười buồn, và trên thực tế, điều đó lại tạo ra thêm những áp lực vô hình cho đội tuyển ở sân chơi lớn nhất từng có mặt này.
Nhưngngười đã đưa họ đến đây, với một tình yêu lớn lao với bóng đá và tình cảm nhiệt thành với các học trò lại nói đến một câu chuyện khác. Ông trăn trở về hành trình phía trước của đội tuyển, nhưng ông vui. Ông bảo dù sao thì họ cũng sẽ nhận số tiền 30 nghìn USD mà FIFA chi cho mỗi cầu thủ dự giải về nhà. Đấy là số tiền lớn chưa từng có mà các nữ cầu thủ chúng ta nhận được trong đời cho việc tham gia một giải đấu, và giúp họ sống được với nghề, với đời cũng là một trăn trở lớn lao với ông. Dù kết quả giải đấu thế nào đi nữa, ông cũng có thể mãn nguyện.
Vậy sau World Cup này, ông có còn tiếp tục gắn bó với đội tuyển nữ nữa, dù chính ông đã từng rút lui sau khi đưa đội tuyển vào vòng chung kết? Ông bảo, nhiều người muốn ông tiếp tục. Tôi cũng tin là nếu mở một cuộc thăm dò dư luận, chắc chắn đa số sẽ muốn ông không từ bỏ. Nhưng ông không trả lời câu hỏi của tôi, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cánh cửa của ông với đội tuyển vẫn còn mở ngỏ. Có thể ông cũng đã có câu trả lời, nhưng tất cả sẽ được nói ra sau hành trình này.
Còn trước mắt là những đỉnh núi cần phải vượt qua. Và thêm nhiều đêm mất ngủ nữa của vị tướng già bóng đá nữ.
Hành trình của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023"