'Hãy ném đá nếu các người vô tội!'
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Việc Phạm Hương không được kết quả như mong đợi trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) 2015 không phải là “thất bại” lớn nhất. Chua chát hơn nữa là cộng đồng mạng Việt đã để lại hình ảnh vô cùng tồi tệ với thế giới sau đêm trao giải Miss Universe 2015.
Sau sự cố của Steve Harvey, người Việt sa vào những cuộc tranh cãi không đầu không cuối trên Fanpage chính thức của chương trình Miss Universe 2015. Những nhiều tài khoản Việt đã lớn tiếng đồng loạt “tấn công” đương kim hoa hậu hoàn vũ thế giới Pia Alonzo Wurtzbach. Đáng buồn, những dòng chỉ trích đều không có căn cứ, dựa vào cảm tính đám đông.Nhắc lại, đây không phải là lần đầu cộng đồng mạng Việt vẽ lên những hình ảnh xấu xí. Trước đó, một hot girl Thái Lan cũng bức xúc vì bị nhiều tài khoản Việt spam với lời lẽ không mấy hay ho. Hay người trẻ Việt vào chê bai, sỉ vả vô lối hình ảnh cột điện mạng nhện và những nhìn nhận của Bill Gates về thực trạng năng lượng ở Việt Nam trên facebook của ông. Và rất nhiều chuyện khác nữa...
2. Trong cuốn Tâm lý học đám đông của Gustave LeBon, tác giả phân tích rất rõ trường hợp này: “Sự kiện nổi bật của đám đông tâm lý là: dù những cá nhân họp thành nó thế nào, dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân ấy giống nhau hay khác nhau ra sao thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ và hành động…”
Tức là, chúng ta cần rạch ròi giữa hai khái niệm: con người cá thể và con người đám đông. Con người cá thể với những tính cách riêng được hình thành từ những câu chuyện riêng. Còn con người đám đông bị chi phối bởi tâm hồn tập thể. Tâm hồn tập thể chịu ảnh hưởng từ ẩn ức tập thể và có những logic riêng trong hành động của họ khi ở trong tập thể ấy.
Có thể, ẩn ức tập thể mà người trẻ Việt cùng trải qua là những ngao ngán khi đi học trên những con đường tắc cứng cùng bụi đường, còi xe trộn trạo như cực hình mỗi ngày. Đó còn là những kỳ thi hóa “trận đánh lớn” với những quy luật và “thử nghiệm” khắc nghiệt; là những lễ tốt nghiệp thành “lễ thất nghiệp”, là đến những trò vui như bóng đá nước nhà cũng không vượt nổi khỏi “ao làng”…
Chung ẩn ức buồn, cùng thiếu kinh nghiệm sống đã tạo nên những “tâm hồn đám đông” hỗn loạn và lao đao của giới trẻ Việt. Họ cố nương tựa vào đám đông như cách để giải tỏa. Họ gắng triệt hạ người khác bằng những dòng comment cay nghiệt như để cuộc sống mình bớt ngao ngán hơn. Họ cảm thấy an toàn trong đám đông và diệu vợi phần nào ẩn ức của bầy đàn… Họ là một đám đông đáng thương hơn đáng trách.
Và việc cả cộng đồng cùng nhiếc mắng người trẻ trên mạng trong khi mình cũng không đứng ngoài câu chuyện e chừng không sòng phẳng lắm. Chung tay làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn, cùng xây dựng “tâm hồn tập thể” cao đẹp hơn mới là đích cuối cùng của cộng đồng (cả người trẻ lẫn người không còn trẻ).
Hay nói như lời Jesus trong kinh Tân Ước: “Hãy ném đá nếu các người vô tội!”. Vì thế, thay vì “ném đá” những người trẻ đang đi “ném đá”, điều quan trọng hơn làm thế nào để cứu vớt họ.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa