Góc nhìn 365: 'Giải nhiệt' cho đô thị
Chúng ta vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ, với hình ảnh nổi bật là những dòng người ken đặc tại hầu hết các bãi biển trên toàn quốc. Và không chỉ ở các bãi biển, mọi khu du lịch gắn với lòng hồ, mặt nước hay những công viên công cộng ven sông trong những ngày qua cũng thu hút một lượng khách khổng lồ.
Thậm chí, ngay với một kết cấu tưởng như chỉ mang nặng chức năng giao thông như cây cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM) vừa khánh thành, người dân cũng nườm nợp tới đây để chụp ảnh, hóng mát và ngắm sông Sài Gòn từ trên cao.
Tìm đến mặt nước - và những không gian liền kề với nó - đó có phải chỉ là câu chuyện của du lịch trong kỳ nghỉ?
Câu trả lời nằm ở một phạm trù rộng hơn: Dù là mặt biển, mặt hồ hay mặt sông, không gian gắn với nước ngày càng trở nên quý giá ở những đô thị đang phát triển. Bởi, đó không chỉ là không gian của cảnh quan, của thương mại và du lịch mà quan trọng hơn, còn là nơi tạo sự cân bằng sinh thái với nhịp sống công nghiệp - nơi con người ngày càng bức bối, ngột ngạt với cao ốc, máy lạnh hay cảnh tắc đường.
Thực tế, hiếm có đô thị nào trên thế giới không gắn với với một mặt nước, một hệ thống thủy lưu nhất định. Nước trở thành điều kiện cần và đủ để định vị và quy hoạch một đô thị, khi nó gắn với giao thương, sản xuất, cung cấp nguồn sống cho cộng đồng. Để rồi, ở chiều ngược lại, cách con người ứng xử với mặt nước cũng cho thấy bản sắc và văn hóa của đô thị ấy.
Nhiều không gian đô thị ven sông, ven biển trên thế giới đều có một đặc điểm chung để thành công trong quy hoạch: phát huy giá trị của mặt nước trong sự kết nối với văn hóa, lịch sử của đô thị, cũng như có ý tưởng xuyên suốt kể từ quy hoạch tổng thể, định hướng phân khu chức năng cho tới thiết kế công trình và xử lý giao thông.
Có nghĩa, đó là câu chuyện của sự đầu tư, chỉnh trang và phát triển một cách bài bản, thay vì chỉ biết tận hưởng, khai thác nguồn tài nguyên... trời cho là mặt nước.
***
Đặc điểm địa lý khiến hầu hết các đô thị của Việt Nam đều gắn với sông, biển, hồ. Nhưng nói công bằng, chúng ta vẫn thiếu khá nhiều những không gian liền kề với mặt nước đủ quy mô và tính hấp dẫn để phục vụ cộng đồng.
Thực tế, trong xu thế chung, việc khai thác không gian mặt nước tại nhiều đô thị cũng đã được chú ý trong những năm gần đây. Nhưng đa phần, câu chuyện ấy vẫn thiên về việc khai thác tối đa giá trị của quỹ đất liền kề mặt nước - cách làm dễ dàng và nhanh thu hồi vốn nhất. Chỉ nhìn những dãy cao ốc nằm sát mặt biển, mặt sông như những bức tường khổng lồ, có thể thấy rõ chỉ một bộ phận cư dân có điều kiện được hưởng thụ những tiện ích mà mặt nước mang lại.
Thậm chí, ở góc độ quy hoạch, nhiều tuyến đường ven biển, ven sông với mặt cắt lớn đang được mở ra ngày một nhiều nhưng cũng dần cho thấy nhược điểm của cách làm này – bởi những dòng xe lưu thông với tốc độ cao luôn là gây khó cho du khách trong việc tiếp cận những bãi tắm hoặc công viên ven sông.
- Góc nhìn 365: Giữ di sản đô thị thế nào?
- Góc nhìn 365: Cây xanh - những 'ký ức' của đô thị
- Những khu đô thị xanh của Thủ đô Hà Nội
Khi mà mặt nước không thể “nở ra” như tốc độ phát triển dân số tại những thành phố lớn, rõ ràng nguồn tài nguyên ấy trước hết cần được ưu tiên để dành cho cộng đồng, cũng như phát triển văn hóa và du lịch sinh thái. Chúng ta cần thêm rất nhiều công viên ven sông, vườn hoa công cộng hay những tuyến đường khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp - thay vì những công trình nặng về tính thương mại và dành cho số ít.
Cũng như, không chỉ là khai thác phần diện tích liền kề với mặt nước, những tuyến đường kết nối vuông góc với dòng sông hay bờ biển cũng là điều cần được chú trọng, để mỗi người dân có thể tiếp cận một cách thuận tiện nhất với nguồn tài nguyên đặc biệt này.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều đồ án quy hoạch đô thị ven sông, ven biển trên toàn quốc đã được đưa ra, với những ý tưởng khá tích cực về việc dành một lượng lớn không gian liền kề mặt nước cho cây xanh và cộng đồng. Hãy cứ hi vọng, những ý tưởng tích cực ấy sẽ được tuân thủ, để các đô thị của chúng ta có thể phát huy và khai thác được tối đa những giá trị đặc biệt từ mặt nước.
Trí Uẩn