loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tưởng nhỏ, nhưng vụ chặt hạ cây đa trong quá trình trùng tu đình Chèm (Hà Nội) bỗng trở thành một sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng cuối tuần qua.
Chiều 25/3, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do Thanh tra Sở chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.
Nằm ở cổng đình, cây đa lớn với đường kính hơn 2 mét ấy là điểm nhấn quan trọng cho cảnh quan của di tích quốc gia đặc biệt này, và cũng đã trở nên quen thuộc với những người biết tới đình Chèm trong nhiều năm qua. Để rồi, bây giờ, hình ảnh cây đa chỉ còn.... trơ gốcđang liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội với sự hồ nghi và bức xúc.
Như chia sẻ từ phía thực hiện dự án, cây đa này được trồng từ năm 1998 để lấy bóng mát và không có trong hồ sơ xếp hạng di tích. Thời gian qua, rễ cây làm nứt nền gạch, ảnh hưởng tới cột đồng trụ và hệ thống thoát nước trong đình, đồng thời có dấu hiệu nghiêng đổ. Do vậy, cây được chặt hạ - dù chính quyền địa phương trước đó đã đề nghị giữ nguyên hiện trạng để chờ quyết định.
Nhưng, dù có thể chưa vi phạm Luật Di sản Văn hóa, vẫn phải đặt câu hỏi: Vì sao việc chặt bỏ cây đa đặc biệt ấy lại gây sự bức xúc lớn như vậy?
Và câu trả lời cũng khá đơn giản: Bên cạnh những yếu tố về môi trường và sinh thái, mỗi cây xanh vẫn luôn là một “chứng nhân” thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa của một đô thị và cũng là “đối tác” cùng chia sẻ ký ức, cũng như mọi vui buồn trong cuộc sống với mỗi người dân. Nói như các chuyên gia, thiếu cây xanh, mỗi người bỗng trở nên đơn độc về tâm hồn, giữa guồng quay của tất cả những công trình xây dựng trong đô thị.
Cũng giống như, chỉ riêng với cây đa, người Hà Nội đã quá quen với một cây đa cổ thụ trước đình Cổ Vũ (phố Hàng Gai), một cây đa với những chùm rễ buông mành giữa mái ngói rêu phong của đền Bà Kiệu (Hồ Gươm), hay cả một cây đa vô cùng nổi tiếng, đã trở thành định vị “cây đa nhà bò” cho nhà hộ sinh B trên phố Lò Đúc. Và, dù độ tuổi của những cây đa ấy là 100, 50 hay chỉ 24 năm như cây đa tại đình Chèm, chừng đó cũng đã đủ để một vài thế hệ trở nên quen thuộc và thân thiết với chúng, trong ký ức của mình...
Như thế, dù có chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng mạng xã hội, phản ứng của cộng đồng quanh câu chuyện này vẫn là một câu chuyện tích cực. Đó là một chỉ số ghi nhận sự phản biện và quan tâm của dư luận dành cho việc bảo tồn cây xanh - những “ký ức đô thị” đã từng có lúc không được quan tâm và đối xử đúng mực.
Và ở hướng ngược lại, những áp lực ngày càng tăng ấy cũng đang đặt ra yêu cầu về sự khoa học và linh hoạt, trong cách bảo tồn những cây xanh đã “lớn tuổi” tại đô thị trong bối cảnh hiện nay. Những hạn chế về quy hoạch, tầm nhìn và cả điều kiện kinh tế sẽ khiến chúng ta trong tương lai còn gặp rất nhiều trường hợp như thế.
Đơn cử, nếu như những trần tình từ dự án tu sửa đình làng Chèm là sự thực, chúng ta đã ít nhất bỏ lỡ 2 cơ hội để tránh được tình trạng khó xử này. Lần thứ nhất là dịp cây đa được trồng từ 24 năm trước, với sự thiếu vắng tầm nhìn về quy hoạch vị trí của cây, cũng như hạ tầng của quần thể di tích trong tương lai. Và lần thứ 2 là quyết định chặt hạ cây đa như vừa rồi, với sự thiếu vắng một cơ chế hợp lý để thu hút các nguồn lực xã hội hóa nhằm đánh chuyển nó tới vị trí phù hợp, như nhiều người mong muốn.
Cây xanh là một phần ký ức của đô thị và cần được ứng xử phù hợp. Hãy bắt đầu mọi câu chuyện liên quan từ một tiền đề như thế!
Trí Uẩn
loading...