Gió là tác nhân chính gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô tại Great Barrier
Giới nghiên cứu Australia khẳng định rằng các mô hình gió đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng tại Rạn san hô Great Barrier ở Australia.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học từ Đại học Monash ở Melbourne đã phát hiện ra rằng các mô hình gió là yếu tố then chốt gây ra sự tăng nhiệt độ đại dương, dẫn đến các đợt tẩy trắng san hô hàng loạt gần đây tại rạn san hô lớn nhất thế giới này.
Tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ biển tăng quá cao, khiến san hô bị căng thẳng nhiệt độ và đẩy các loài tảo cộng sinh ra khỏi mô của chúng, khiến san hô trở nên trắng bệch. Mặc dù không phải lúc nào san hô bị tẩy trắng cũng chết ngay lập tức, nhưng chúng có nguy cơ bị đói và có thể mất đến 10 năm để hồi phục.
Kể từ năm 2016, Rạn san hô Great Barrier đã trải qua 5 sự kiện tẩy trắng hàng loạt, gây lo ngại về sức khỏe lâu dài của hệ sinh thái độc đáo này. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các dữ liệu thời tiết của 30 năm qua và phát hiện rằng gió mậu dịch từ phía Đông có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ đại dương tại khu vực rạn san hô.
Bà Lara Richards - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết sự suy giảm của gió mậu dịch vào năm 2022 đã làm thay đổi đáng kể nhiệt độ bề mặt đại dương trước khi xảy ra sự kiện tẩy trắng, ảnh hưởng đến 91% diện tích rạn san hô.
Bà Richards giải thích: "Trong vòng 3 tuần, chúng tôi quan sát thấy nhiệt độ đại dương tăng gần 2 độ C, đạt tới 30,5 độ C do sự vắng mặt của gió mậu dịch làm giảm mây, tăng bức xạ Mặt Trời và làm mất hiệu quả làm mát do bay hơi". Khi gió mậu dịch quay trở lại, nhiệt độ đại dương đã giảm mạnh 1 độ C trong vòng 48 giờ, nhờ hiệu ứng làm mát bay hơi được tăng gấp 3 lần.
Trước đây, sự gia tăng nhiệt độ đại dương gây ra tẩy trắng thường được liên kết với giai đoạn El Nino của hiện tượng El Nino - Dao động Nam (ENSO), một hiện tượng khí hậu toàn cầu do sự biến đổi của gió và nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực Thái Bình Dương nhiệt đới. Tuy nhiên, sự kiện tẩy trắng năm 2022 là lần đầu tiên xảy ra trong giai đoạn La Nina của ENSO, thường được biết đến với nhiệt độ thấp hơn và lượng mưa cao hơn trên phần lớn lãnh thổ Australia.