Giáo sư âm nhạc - có cần phải mua vui?
(Thethaovanhoa.vn) - Việc ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) ghi nhận chức danh giáo sư âm nhạc trên Bằng khen và thành tích “đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển Di sản Văn hóa Việt Nam” đã gây nên nhiều phản ứng từ công chúng.
- Bộ Công thương yêu cầu báo cáo việc tặng bằng khen cho ‘Giáo sư âm nhạc’ Ngọc Sơn
- Lộ bản khai ca sĩ Ngọc Sơn là 'Giáo sư âm nhạc' biết 5 ngoại ngữ
- 'Giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn': Bi hài kịch danh xưng
Vậy để được gắn chức danh giáo sư kèm tên của mình, ca sĩ Ngọc Sơn phải đảm bảo những tiêu chuẩn như thế nào?
Theo quy định, tiêu chuẩn đầu tiên của một cá nhân khi đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư là “Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện” (Khoản 1 Điều 8 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư).
Nhà giáo theo định nghĩa tại Điều 70 Luật Giáo dục là “người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác". Bên cạnh đó, việc xét công nhận chức danh giáo sư cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại các văn bản này, đơn vị duy nhất được xét duyệt công nhận chức danh giáo sư là Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Chức danh giáo sư khi đi kèm tên với cá nhân được xét duyệt thông thường cũng chỉ ghi ngắn gọn “giáo sư” không đề cập đến lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Để được gắn chức danh giáo sư kèm tên của mình, ca sĩ Ngọc Sơn trước hết phải hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy (giáo dục về âm nhạc, nghệ thuật hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác). Trong bản khai đăng ký gia nhập VATA, phần nghề nghiệp chuyên môn của Ngọc Sơn ghi là “ca sĩ” và nơi làm việc “tự do”. Điều này có nghĩa là “giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn” không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giảng dạy - điều kiện đầu tiên để có thể được xét công nhận là giáo sư.
Ông Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch VATA trả lời Báo Thanh niên về chức danh “giáo sư âm nhạc” trong Bằng khen là do “anh ta khai thế” và “Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu”. Không thẩm định thông tin của hội viên là thể hiện sự yếu kém trong quản lý và thiếu hiểu biết pháp luật. Không thừa nhận sự sai sót trong các văn bản mà mình đã ban hành thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng và với chính hội viên của mình.
Liệu có cần sử dụng một học hàm để… mua vui?
Việc cố tình gắn lĩnh vực chuyên môn cụ thể “âm nhạc” vào sau chức danh “giáo sư” có phải nhằm mục đích lập lờ đánh lận con đen? Các bên có thể biện minh rằng, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì không có chức danh giáo sư nào là “giáo sư âm nhạc”, đây là một cách gọi vui vẻ, dành để tặng cho những người có những “cống hiến” trong âm nhạc. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Cường “Nếu trước đây chưa từng có thì bây giờ có. Ngọc Sơn có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, anh ấy xứng với danh hiệu này!” có hợp lý?
Giáo sư là một chức danh cao quý, để đạt được chức danh này, các nhà giáo phải trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, có các công trình nghiên cứu, các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp và khoa học, trước khi đạt được học hàm giáo sư họ phải đạt được học vị tiến sĩ theo quy định của Nhà nước. Việc sử dụng chức danh này để “mua vui” có thể là một sự xúc phạm đối với những nhà giáo chân chính luôn phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục và khoa học.
Cho dù sử dụng chức danh “giáo sư âm nhạc” vì bất kỳ mục đích nào thì cũng nên khép lại. “Một vài trống canh” đã qua rồi, chức danh giáo sư cần phải được trả về với đúng ý nghĩa và sự tôn vinh cần có.
Tám Trần (Luật sư)
Thể thao & Văn hóa