loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ, câu chuyện của Ngọc Sơn đã không trở nên ầm ĩ đến vậy – nếu chàng ca sĩ này trưng ra với dư luận một danh xưng khác, thay cho 2 chữ Giáo sư. Ông hoàng, thiên tài, hay siêu sao nhạc sến chẳng hạn.
Dù có thể, với một số người, những danh xưng kiểu ấy hơi gờn gợn. Nhưng, trong làng nghệ thuật, những kiểu phong tặng ngẫu hứng, và không cần rõ nguồn gốc, như vậy đã từng có tiền lệ.
Còn lần này, chàng ca sĩ vốn nổi tiếng là bốc đồng của dòng nhạc sến lại dại dột nhảy sang một danh xưng vốn dành cho nghiên cứu và học thuật.
Và càng dại dột hơn, khi chưa cần có Ngọc Sơn, 2 chữ "giáo sư" cũng đã đủ... nhạy cảm trong cơn khát danh xưng của xã hội bây giờ.
Không thể phủ nhận, với nhận thức phổ biến của cộng đồng, những danh xưng Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ luôn là khái niệm rất có sức nặng của người trí thức. Sức nặng về học vị, về bề dày nghiên cứu, về sự uyên bác và cả về sự tôn trọng tuyệt đối mà xã hội dành cho những cá nhân có mang theo mình những chữ này.
Để có được sự tôn trọng ấy, các khái niệm này cũng đã phải cần đến một chặng đường dài trong sự phát triển của xã hội – khi mà chỉ vài chục năm trước, những câu chuyện về cảnh ngộ vất vả, hẩm hiu trước cuộc sống thời bao cấp vẫn còn tồn tại.
Và rồi bây giờ, khi được sự thừa nhận của cộng đồng, cũng bắt đầu tới lúc, những phản biện về giá trị của mấy chữ Giáo sư, Tiến sĩ bắt đầu được đặt ra.
Đặt ra, bởi thẳng thắn, chất lượng đào tạo của chúng ta có quá nhiều bất cập. Và như nhận xét của chính những người trong ngành, vẫn còn tình trạng "lạm phát"các học vị, học hàmnày – cũng như chất lượng thật sự từ nhiều công trình nghiên cứu của các Giáo sư, Tiến sĩ – sẽ vẫn là điều mà nền giáo dục Việt Nam phải giải quyết trong tương lai.
Thậm chí, bỏ qua những danh xưng được thừa nhận chính thức, dù chỉ là trong khuôn khổ quốc nội, dư luận cũng đã nhiều lần "điểm mặt" những trường hợp cố ý nhập nhèm trong học vị.
Đơn cử, đã có nhà nghiên cứu bị phát hiện rằng danh xưng Viện sĩ quốc tế - mà ông từng nhiều lần đưa ra – chỉ là danh xưng theo kiểu... đóng tiền ghi danh, để một vài tổ chức quốc tế kết nạp làm hội viên và trao tặng danh hiệu này.
Hoặc, vài năm trước, sau clip khiến dư luận tò mò về cảnh nhảy lên bàn và... chửi học viên, một "Giáo sư" khác cũng được phát hiện rằng chức danh do ông trưng ra chỉ là sản phẩm tự phong của một trung tâm do chính ông làm giám đốc.
Gần nhất, năm 2016, hàng chục người bất ngờ được một công ty truyền thông đề nghị được vinh danh với cụm từ "Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến", kèm theo yêu cầu đóng góp... 22 triệu đồng.
"Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam không có chức năng "phong giáo sư". Đây là kiểu "làm tiền" vô trách nhiệm và cơ quan chủ quản là Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về việc".
Có nghĩa, vấn đề không chỉ nằm ở danh xưng Giáo sư hay Tiến sĩ, "trí thức Việt Nam" mà còn nằm ở việc người ta sở hữu danh hiệu này theo con đường nào, và sử dụng danh hiệu vào mục đích gì.
***
Trở lại câu chuyện của "giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn". Ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân làm nên màn bi hài kịch này đang được đẩy qua đẩy lại giữa anh và Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, tổ chức trao cho Sơn tấm bằng có ghi danh xưng trên.
Như lời phía trao bằng, Ngọc Sơn đã chủ động kê khai "học vị" này khi làm hồ sơ vào Hội. Còn theo lời Sơn, anh đã từng giảng dạy và trở thành Giáo sư Âm nhạc ở ... Nhật Bản trong quá khứ.
Chưa bàn tới bản chất của danh hiệu Giáo sư ấy, nếu nó có thật. Nhưng, như thông tin trên một số tờ báo, phía trao bằng khen lại tiếp tục khẳng định sẽ thu hồi tấm bằng này, nếu Ngọc Sơn không chứng minh được mình là Giáo sư.
Nếu thông tin này là đúng thì vẫn có thể khẳng định: cách sử dụng danh xưng "giáo sư" ấy đến từ sự vô trách nhiệm và tùy tiện – khi người ta có thể thoải mái chấp nhận một danh xưng hiếm gặp trong nghệ thuật mà không cần kiểm tra và thẩm định.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
loading...