'Giấc mơ Vườn Chuối'
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, khi chuỗi 5 ngày nghỉ đến gần, dư luận phần nào ít chú ý tới một thông tin: Bộ VH, TT & DL vừa chính thức kí quyết định cho phép khai quật khu di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội).
Cuộc khai quật ấy có gì đặc biệt so với vô vàn cuộc khai quật và thám sát vẫn được ngành khảo cổ đều đặn tổ chức hàng năm?
Câu trả lời khá thú vị: đây là một trong số không nhiều cuộc khai quật khảo cổ được chính người dân địa phương trông mong, chờ đợi và thậm chí lên tiếng… hối thúc các cơ quan chức năng vào cuộc. Thông thường,với công tác khảo cổ ít khi cộng đồng bản địa lại nhập cuộc một cách chủ động và nhiệt tình như thế.
Tìm hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ thấy: Từ rất lâu, người dân nơi đây đã có một tâm thức đặc biệt, trong việc gìn giữ và bảo vệ khu di chỉ này - dù nó vẫn chưa được xếp hạng di tích ở bất cứ cấp độ nào và tạm thời chưa được pháp luật bảo vệ theo Luật di sản.
Cần nhắc lại, từ 1969, nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành trên một phần nhỏ của khu di chỉ rộng 19.000 m2 này. Từ dấu tích của 28 ngôi mộ táng cùng hàng ngàn di vật phát lộ, nhận định ban đầu cho thấy: Nơi đây từng có cư dân sinh sống từ 1.800 năm tới 3.500 năm trước. Nói cách khác, đây là nơi cư trú của những “công dân đầu tiên” tại Hà Nội, trong nền văn hóa thời Hùng Vương.
Và, chính sự “trở đi trở lại” của các nhà khảo cổ trong những cuộc khai quật đã tạo nên chất xúc tác để gieo mầm ý thức về bảo tồn di sản tới những người dân thôn Lai Xá. Để rồi, khi phát lộ trong đời sống hàng ngày, những người dân tại đây đã biết giữ lại những mảnh đồ gồm, đồ đồng mềm nhũn và hoen rỉ, chờ chúng cứng lại sau vài ngày và đưa về lưu giữ.
Ở thôn Lai Xá không thiếu những người như ông Phạm Văn Hùng, từng chắt chiu gom nhặt và lưu giữ hàng trăm chiếc rìu, dao găm, lưỡi câu, đầu mũi tên… bằng sắt và đồng cùng những mảnh đồ gốm, đồ đá. Như lời ông, nếu một bảo tàng cổ vật về di chỉ Vườn Chuối được xây tại đây, người dân Lai Xá luôn sẵn sàng hiến tặng “ bộ sưu tập” của mình để trưng bày.
Và, không bán cho giới mua đồ cổ, nhưng người dân Lai Xá lại luôn căng sức đối phó với nạn đào trộm cổ vật tại đây. Như lời kể, nhiều năm nay, những đối tượng được trang bị đủ cả cuốc xẻng, máy dò hiện vật đã xuất hiện trong thôn và ngang nhiên “mặc cả” người dân được phép đào đào bới cổ vật ở di chỉ Vườn Chuối. Không đồng ý, chúng chuyển sang đào trộm và chỉ chịu rút lui khi bị phát hiện trong đêm…
***
Tất nhiên, những nỗ lực tự phát từ người dân thôn Lai Xá không thể đủ cho việc giữ gìn khu di chỉ Vườn Chuối. Nhất là khi, từ 2007, khu vực này lại nằm lọt trong vùng đất mà tỉnh Hà Tây cũ đã giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị. Bởi thế, những lời kiến nghị của cộng đồng địa phương về việc bảo vệ di chỉ này liên tục được đưa ra.
Cũng là một người Lai Xá, PGS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - đã thay mặt cộng đồng gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Hà Nội về việc bảo về Vườn Chuối. Để rồi, hành động này, cùng ý tưởng xây dựng một “công viên khảo cổ” của PGS Huy nhằm tái hiện đời sống của những cư dân tiền sử tại đây đã được vinh danh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội năm 2018 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.
Bây giờ, quyết định cho phép khai quật khu di chỉ Vườn Chuối chỉ là bước đầu tiên, trên chặng đường xác định giá trị và xếp hạng di tích cho không gian này. Và chặng đường ấy sẽ còn xa hơn, nếu nhìn tới tâm nguyện biến di chỉ ấy thành một địa điểm lưu giữ lịch sử phát triển của Hà Nội, nhằm phục vụ văn hóa, du lịch và giáo dục.
Nhưng, khởi đầu và đứng sau chặng đường ấy là những người dân bản địa - nhân tố vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn bất cứ di sản văn hóa nào. Bởi thế, chúng ta hãy cứ tin rằng trong tương lai, giấc mơ bảo tồn và tái hiện “ngôi nhà” của những công dân đầu tiên tại Hà Nội sẽ sớm thành hiện thực.
Sơn Tùng