Fluxus - trào lưu nghệ thuật 'trôi' (kỳ 3): Từ nơi tĩnh lặng nhất thế giới đến bản nhạc 'lố bịch'
Tiếng xe máy, tiếng còi, tiếng ục ục của những nồi nước dùng đang sôi cạnh các gánh hàng rong bên đường.
Tiếng ồn. Ai cũng phàn nàn về nó. Lý do từ đâu nhỉ? Liệu thế giới có hay hơn khi những tiếng ồn này biến mất?
Phòng tiêu âm - nơi được cho là tĩnh lặng nhất trên thế giới
Lần đầu tiên bước chân vào căn phòng này, cánh cửa đóng sầm lại, tôi hoàn toàn một mình trong ánh đèn mờ. Người kỹ sư phụ trách hoàn toàn có thể nghe tiếng nói của tôi từ bên ngoài căn phòng, nhưng tôi không thể nghe bất cứ một tiếng động nào của thế giới ngoài kia.
Ở đây bạn có thể hét thoải mái nhưng đồng thời một cảm giác khó nói nên lời xuất hiện, cái gì đó như bị cô lập, một cảm giác bị mất kết nối hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Căn phòng được thiết kế theo nguyên lý hấp thu toàn bộ sự vọng lại của tiếng động và sóng điện từ. Thiết kế này cũng ngăn tiếng động từ ngoài lọt vào. Căn phòng nuốt chửng toàn bộ âm thanh, nên đặt chân vào phòng tiêu âm, bạn sẽ nghe thấy 2 dạng âm thanh, một cao và một thấp - tiếng của chính cơ thể. Âm vực cao thuộc sự điều khiển của hệ thần kinh, âm vực thấp thuộc hệ lưu thông của các mạch máu.
Tôi cố gắng tập trung vào những gì người kỹ sư phụ trách căn phòng đã nói, kiến trúc căn phòng, tôi nhận thấy lồng ngực tôi bắt đầu như khi nín thở, thoát ra khỏi sự lo lắng. Thật bất ngờ, giọng nói hoàn toàn không như bị bóp nghẹt. Tôi thấy hình ảnh tôi chuyển động miệng nhưng không một âm thanh nào được phát ra, giống như tôi đang ở trong một dạng chân không nào đó.
Không như John Cage - nghệ sĩ Fluxus, trong số báo này tôi xin phép được nói về ông, trong căn phòng này, tôi không thấy có ý tưởng nào nảy sinh. Tôi cảm thấy cô đơn tuyệt đối và sợ hãi. Tôi phải để đèn sáng, tôi gắng giữ bình tĩnh như khi nghe chỉ dẫn về nơi này. Nhịp thở của tôi trở lại nhưng tiếng thở khò khè như tiếng thở hen của nhân vật Darth Vader trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao. Lồng ngực tôi bị siết mạnh hơn và cảm giác đó lan trên hai cánh tay. Tôi ngồi đó, chờ đợi, 10 phút trôi qua, và tôi vẫn không nghe thấy một tiếng nào phát ra từ trong cơ thể.
Triết lý của John Cage
Một trong những người tiên phong cho trào lưu Fluxus là nhà soạn nhạc, phê bình âm nhạc, nhà văn, nghệ sĩ người Mỹ John Cage.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khuynh hướng nghệ thuật “Happenings”, đã được ông đưa tới công chúng cùng sinh viên trường New School tại thành phố New York. “Happenings” được coi là dạng nghệ thuật trình diễn sân khấu, gạt bỏ những khái nhiệm truyền thống như sân khấu - khán giả, và được diễn ra với khoảng thời gian không xác định. Thay vào đó, họ tạo ra hướng đi khác. Họ viết một kịch bản thật đơn giản, không có tình tiết. Thực ra, “Happenings” không được đặt tên, vì nó xuất hiện trên thực tế, các nghệ sỹthử sức tóm gọn dòng thời gian.Và Cage tin rằng nhà hát là con đường gần nhất để hợp nhất nghệ thuật với cuộc sống.
“Dù ở bất cứ nơi đâu, những thứ lọt vào tai chúng ta hầu hết đều là tiếng ồn. Càng cố gắng lờ nó đi, nó càng làm ta đinh tai nhức óc. Như thử một lần tập trung lắng nghe, chúng ta tìm thấy sự quyến rũ chính trong những tiếng hỗn loạn” - trích trong một bài giảng của John Cage năm 1937.
Và bản nhạc 4’33’’
Một đêm Hè cuối tháng 8 năm 1952 nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm David Tudor bắt đầu buổi hòa nhạc trên sân khấu ở Woodstock, New York. Thời gian như dừng lại, Tudor ngồi trước chiếc đàn piano nhưng không chạm vào phím đàn, buổi trình diễn đầu tiên cho bản nhạc 4’33’’ của John Cage. Khán giả nhìn Tudor ngồi trước chiếc piano, từ lúc bắt đầu đến khi Tudor đóng phím piano lại được đánh dấu như hồi kết. Một vài lần ông giở bản nhạc như dấu hiệu chuyển đoạn. Quá trình này được lặp lại trong vài giây với 3 chuyển động.
“Không có cái gì như sự tĩnh lặng. Bạn có thể nghe thấy tiếng gió đang khuấy động trong suốt chặng đầu. Đến chặng thứ 2, tiếng mưa bắt đầu lộp độp trên mái nhà hát, trong suốt chặng thứ 3 mọi người tạo nên âm thanh khi họ bàn tán, hay tiếng bước chân bỏ ra ngoài”. Lời tự sự của Cage khi nhắc tới buổi hòa nhạc 4’33’’ đầu tiên.
Bản nhạc “tĩnh lặng” của Cage thường được nhắc tới với cái tên 4’33’’, cái tên này chỉ dẫn thời lượng của bản nhạc trong 4 phút 33 giây. Thay vì tập trung vào âm nhạc như những buổi hoà nhạc thông thường, 4 phút 33 giây chuyển giao màn trình diễn cho khán giả, toàn bộ không gian nhà hát tràn âm thanh của chính khán giả.
Gần 6 thập niên sau khi bản nhạc tĩnh lặng đến với toàn thế giới, 4’33’’ vẫn bị bàn luận như là một thứ “nực cười, lố bịch”, “một mẹo vặt vãnh”, hay như là “bộ áo mới của hoàng đế”.
Tiếng xấu đồn xa. Cage mất năm 1992, nhưng sự phán xét cay nghiệt, sự khinh bạc với ông vẫn còn nguyên vẹn, đặc biệt với dòng nhạc cổ điển.
Dù vậy với nghệ thuật thị giác ông chính là tượng đài vĩ đại, bất hủ. Ông được coi như một trong những người sáng lập ra “Happenings” và nghệ thuật trình diễn; trào lưu Fluxus được trỗi dậy chủ yếu từ những lớp học của ông tại trường New School, vào cuối những năm 1950 bài thực hành trong lớp của ông là nghe những tiếng động nhỏ nhất.
Cage mô phỏng theo chuỗi những hoạ sĩ thị giác, và thần tượng của ông chính là nghệ sĩ Marcel Duchamp, bậc thầy của nghệ thuật khái niệm. Và đến ngày nay những sự khinh miệt với những người đi tiên phong hầu như biến mất. Ngay đến thị trường nghệ thuật cũng phải nghiêng mình trước họ và cũng như các nghệ sĩ Fluxus con đường để đạt được sự hiểu và tôn trọng cũng là một con đường đầy chông gai.
Khi nào bạn trải qua những khoảnh khắc tĩnh lặng? Nó ra sao? Bạn có cần được yên tĩnh?
Đến tuổi này khi im lặng không còn là vàng, nhưng khi Ipod của tôi sắp hết pin, những nốt nhạc dần chìm vào khoảng không và giai điệu không còn nghe được nữa. Tuy nhiên ngày qua ngày nếu tất cả chìm trong im lặng, tôi sẽ nhớ da diết những âm thanh chói tai và ồn ã của cuộc sống. Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng nằm ngay chính cảm nhận của mỗi chúng ta…
Sau khi hơn một giờ trong phòng tiêu âm tôi bước ra và muốn hét lên:
- Ơn Chúa vì đã mang tới cuộc sống này những âm thanh tuyệt vời.
John Cage - sự tĩnh lặng dữ dội |
Kỳ sau: Tiếng thét của Dick Higgin
Phan/Fredriksson
Thể thao & Văn hóa