'Em bé Napalm', Văn Miếu 271 tỷ đồng và bố dượng Kim Kardashin
Các bức ảnh chiến tranh đầy ý nghĩa của phóng viên huyền thoại Nick Út đấu giá một buổi tối được 540 triệu đồng cho trẻ em nghèo, sáng ra các báo đều đăng tin nên ai cũng biết.
Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc chi 271 tỷ đồng xây Văn Miếu quy mô rất lớn suốt 5 năm qua mà ít ai hay biết. Đến khi biết và phản đối vì xót tiền thì đã gạo đã nấu gần thành cơm.
Đấu giá Em bé Napalm để mổ tim cho các em bé khác
Tối 8/6, bức ảnh Em bé Napalm (Napalm Girl) của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nick Út có chữ ký tác giả đã được mua với giá 250 triệu đồng tại TP.HCM. Bức ảnh chụp một gia đình trúng bom napalm vào ngày 8/6/1972 trong một trận giao tranh ác liệt ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Tổng cộng 5 bức ảnh của Nick Út mang về 540 triệu đồng cho Quỹ “Hiểu về trái tim” để phẫu thuật cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim.
Nick Út hiện làm việc cho Hãng tin AP, ông cũng là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. 43 năm trước (năm 1972), ông từng cứu Kim Phúc bị bỏng do bom napalm bằng cách dội nước cho cô bé và đưa vào bệnh viện. Nay, ông trở lại Việt Nam và dùng những bức ảnh của mình để cứu một số em bé khác.
Vĩnh Phúc xây Văn miếu 271 tỷ đồng
Công trình Văn Miếu ở Vĩnh Phúc rộng hơn 42.000m2 khởi công từ năm 2012 tại khu gò Cháo, P.Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, đến nay đã gần hoàn thiện. Vốn dự án được cho là từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc.
Có hai tranh cãi xung quanh chuyện này, một là “271 tỷ đồng có quá tốn kém?”; hai là “Văn Miếu thờ Khổng Tử hay thờ ai/cái gì?”. Trong khi với câu hỏi đầu tiên, nhiều người trong cả người dân lẫn giới học thuật nhất trí trả lời “có”, thì câu hỏi thứ hai khá chia rẽ dư luận.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc hay GS Ngô Đức Thịnh và TS Nguyễn Quốc Tuấn đều cho rằng “Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử”, mặc dù hai người sau lưu ý “thờ ai đi chăng nữa cũng không nên tốn tiền như thế”.
Còn GS Trần Ngọc Vương lại cho rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội được xây dựng nhằm “định hướng để quản lý quốc gia, chứ không chỉ nhằm tôn vinh một con người (tức Khổng Tử)”, cùng quan điểm với GS Dương Trung Quốc khi nói Văn Miếu là nơi “tuyển chọn người tài giữ nước”.
“Anh Dưa Leo” bực mình vì bị chê tục
“Stand Up Comedian” là hình thức diễn hài độc thoại phổ biến ở Mỹ; ở Việt Nam ít có người làm nghề này. Anh “Dưa Leo - Stand Up Comedian” (tên trang Fanpage trên Facebook) là một trong những người như vậy.
Vừa qua, một tờ báo than phiền anh này diễn hài độc thoại tại một quán cà phê ở TP.HCM bán vé giá khá cao mà lại toàn hài tục, nhảm về bộ phận sinh dục nam. Đặc biệt, trên tường quán cà phê in tranh Thỏ bảy màu với câu thoại “Mày có tin là tao sẽ nhét củ cà rốt này vào đít mày không”?
Mặc dù vậy, anh Dưa Leo phản hồi trên chính tờ báo đó, cho rằng phần hài bị cho là “tục, nhảm” chỉ chiếm 7, 8 phút trong cả buổi biểu diễn 40 phút.
Trên cả báo lẫn trên mạng xã hội, người ủng hộ kẻ phản đối anh Dưa Leo vẫn chia làm 2 phe.
Khán giả Việt thích xem MV “chàng trai nghèo tán tiểu thư”
Không phải Mỹ Tâm hay Sơn Tùng M-TP, ca sĩ Việt Nam có lượng xem khủng nhất trên YouTube là Hồ Việt Trung. Anh vừa được YouTube tại Việt Nam trao cúp kỷ lục hôm 7/6, chứng nhận kỷ lục “Video có nhiều người xem nhất trong 6 tháng đầu năm 2015”.
Tính từ ngày ra mắt 8/2, phim ca nhạc Giải cứu tiểu thư dài hơn 40 phút do Hồ Việt Trung hợp tác với Hồ Quang Hiếu đã vượt mốc hơn 30,5 triệu lượt xem. Phim kể về 2 anh chàng nhà nghèo muốn yêu 2 tiểu thư xinh đẹp nên đã thuê siêu xe mỗi ngày 5 triệu đồng để gây ấn tượng.
Bố dượng Kim Kardashin thành phụ nữ
Bruce Jenner, cựu VĐV điền kinh giành HCV Olympic, vừa làm lại cuộc đời (và một số bộ phận khác trên cơ thể) ở tuổi 65. Ông chuyển giới thành bà Caitlyn Jenner với ngoại hình đẹp hơn nhiều so với khi còn là đàn ông.
Điều này khiến dư luận Mỹ, vốn hay dậy sóng lại dậy sóng thêm lần nữa. Thay vì để Caitlyn Jenner (và cả Bruce nữa) sống sao thì sống theo ý mình, rất nhiều người ở Mỹ lên tiếng bày tỏ quan điểm về mọi khía cạnh của câu chuyện. Jenner cùng lúc được ủng hộ và bị định kiến, nhưng luồng quan điểm đầu có vẻ đông đảo hơn.
Khía cạnh vô hại nhất của câu chuyện là tranh cãi tại sao Jenner lại không chọn cho mình một cái tên nữ bắt đầu bằng chữ “K”, trong khi suốt 14 năm qua bà sống trong gia đình gồm toàn những phụ nữ tên “K”: Kris (vợ cũ), Kim, Khloe, Kourtney (3 con gái riêng của vợ), Kendall và Kylie (2 con gái chung).
Nỗi buồn vẻ đẹp lai Nhật Bản
Một số người đẹp lai Nhật Bản là niềm khao khát trong trái tim đàn ông Việt Nam trong nhiều năm nay, nhưng thực tế hóa ra không ngọt ngào lắm: nếu mang vẻ đẹp lai đó đi thi hoa hậu ở Nhật và đăng quang, họ sẽ không được lòng người dân Nhật vốn thích vẻ đẹp thuần Nhật.
Đó là người hợp của Ariana Miyamoto, cô gái 21 tuổi vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản năm nay, cũng là người lai đầu tiên giành được ngôi vị này. Cô có màu da đen và mang 3 dòng máu Nhật - Phi - Mỹ.
Nghịch lý là Miyamoto hoàn toàn không phải người Nhật sống ở nước ngoài về nước thi hoa hậu, cô sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Nhưng trong suốt thời thơ ấu và khi đi thi hoa hậu, cô luôn vấp phải định kiến từ người dân Nhật vì vẻ ngoài quá ngoại quốc.
Hạ Huyền (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần