Đời sống thời bao cấp (bài cuối): Nhớ lại một thời
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn ba tháng viết về đời sống thời Bao cấp, tôi thấy không nên kéo dài ra nữa, dù vấn đề còn nhiều. Đối với những người đã trải qua thời Bao cấp và chiến tranh thì ấn tượng lớn nhất đó là thời kỳ đói nghèo, gian nan, nhưng cũng có những niềm vui nho nhỏ, khi tình người lúc bom đạn, sự quy củ của xã hội lại là cái thiếu của đời sống bây giờ.
Thực ra không phải chỉ có Việt Nam là trải qua thời kỳ bao cấp, thời kỳ đó phổ biến ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, khi Nhà nước độc quyền về sản xuất và phân phối cũng như định ra các kế hoạch kinh tế cho toàn xã hội. Và hơn nữa không chỉ các nước XHCN có kinh tế bao cấp, mà rất nhiều nước trong giai đoạn chiến tranh đói nghèo, Nhà nước cũng giành quyền phân phối sản phẩm và đi kèm theo nó là chế độ tem phiếu để hạn chế sức mua.
Riêng đối với Việt Nam, thời kỳ này kéo dài từ năm 1955 cho đến năm 1986/1988 ở miền Bắc và từ 1975 đến 1986/1988 ở miền Nam. Giai đoạn từ 1975 - 1986/1988 trùng với thời hậu chiến, khó khăn tăng lên gấp đôi, cộng thêm hai cuộc chiến tranh biên giới 1978 và 1979 nên đời sống xuống thấp chưa từng thấy. Những điều đó là là một trong những nguyên nhân của những cuộc di tản ra nước ngoài, những đợt đi lao động xuất khẩu, và cho đến nay còn hàng chục vạn người lao động Việt Nam định cư ở nước ngoài từ khi đi lao động xuất khẩu. Nhiều biến động xã hội cũng bắt nguồn từ thời bao cấp đó.
Nếu như những cuộc vượt biên đầy sóng gió, máu và nước mắt, mà hầu như cho đến nay trong nước người ta biết rất ít về chúng, thì những cuộc làm ăn ở Đông Âu còn hệ quả đến tận bây giờ. Hình ảnh anh chàng, cô nàng đi lao động xuất khẩu mặc trên người bảy tám cái quần bò, năm cái áo phao và khi về đầu đội nồi áp suất, chân đi bàn là, có lẽ không một người nào có thể tưởng tượng được khả năng chịu đựng của người Việt đến đâu. Những câu ca: Ăn nhanh, nói chậm, hay cười/Tìm mua đồ cũ là người Việt Nam và Có vợ mà cho đi Tây/Khác nào xe để ngay bờ Hồ hay Con gì ăn lắm nói nhiều/Mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền… đều là những nhận xét vui, thú vị được sinh ra trong thời bao cấp.
Trong thời chiến con người phải kìm nén rất nhiều thứ - đói ăn, thiếu mặc, thiếu tình dục, thiếu thuốc men, sách vở… nói tóm lại là đời sống vật chất cùng những kỷ luật thời chiến nghiêm khắc. Sau cuộc chiến, ở bất cứ đâu và bất cứ cuộc chiến nào, cũng có tâm lý phản hồi chiến tranh, như đòi ăn uống nhiều hơn, tình dục nhiều hơn, quần áo sang trọng hơn, cũng như rất nhiều tâm lý sống trong chiến tranh lại được duy trì khi hòa bình. Cho nên người ta ngay lập tức phải đặt vấn đề này để giải quyết trên bình diện phân tích xã hội, và nếu có thể giải quyết được gì thì giải quyết ngay. Vấn đề này hoàn toàn không được đặt ra ở nước ta, dẫn đến những hệ lụy ngày nay từ sau thời mở cửa và đổi mới.
Kỷ luật của thời chiến biến thành những quy tắc cứng nhắc mà những giám đốc, thủ trưởng cơ quan xuất thân từ bộ đội đem về các nhà máy xí nghiệp có cái tốt có cái dở. Ngược lại thói quen tùy tiện và ứng xử linh hoạt trong cuộc chiến rất cần thiết để chiến thắng kẻ thù mạnh hơn lại được mang ra trong thời hòa bình, biến nó thành sự phá hoại tài sản công ích. Những nhà nghỉ, khách sạn, ổ điếm mọc lên như nấm thỏa mãn cơn khát tình dục của nhiều thế hệ bị kìm nén hơn 20 năm trước. Từ chỗ hàng tháng chỉ có từ 1 - 3 lạng thịt, đến nay người ta ăn vài lạng thịt một ngày, uống hàng chục cốc bia rượu một bữa ăn. Mỗi người có hàng chục đến hàng trăm bộ quần áo. Tiêu dùng nhiều như vậy, mà đồng lương rất ít giá trị, khiến người ta tìm mọi cách để có tiền tiêu. Tham nhũng trở thành hệ thống xã hội là như thế.
Những anh bộ đội sao treo đầu mũ oai hùng thuở nào, nay biến thành những ông đầu hói bụng phệ, không có phong bì thì đãi bôi và không làm gì cả. Hàng vạn cán bộ vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp về, chả có một tích sự gì với công việc, vẫn hàng ngày ê a trong công sở, lĩnh lương đều hàng tháng. Đại bộ phận nông dân vẫn chỉ xem 3 kênh truyền hình bao cấp và xem phim Tàu, phim Hàn Quốc và không hề hay biết thế giới đã tiến đến đâu, không ai đọc cuốn sách nào. Thống kê của giới xuất bản, mỗi người Việt Nam hàng năm đọc 0,7 cuốn sách, còn nông dân 0 cuốn (!) cho thấy nhiều mặt còn tụt hậu so với thời chiến tranh và bao cấp. Thiên nhiên bị đào xới và bán rẻ không thuơng tiếc, di sản văn hóa cổ bị xâm hại ở cả khía cạnh phá hoại lẫn bảo tồn.
Một kết quả sau thời bao cấp như vậy thật đáng suy nghĩ, khiến người ta không khỏi đánh giá lại về thành quả thực sự mà mấy chục năm phấn đấu cho một lý tưởng, đến nay lại như thế này.
Có một nỗi buồn về thời bao cấp, có một nỗi nhớ về thời bao cấp, và có một ưu phiền về tương lai.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần