Thư châu Âu: Ngày cuối tuần bên con trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
- Thư châu Âu: Khi trẻ con trở thành một rắc rối lớn
- Thư châu Âu: Trẻ con học cách biến Sử thành... 'cuộc chơi'
- 'Thực sự thì trẻ con ở đâu ra'?
Trận đấu xong, bọn trẻ lên xe gặm bánh mì và xe chở tất cả về lại Rome lúc 11h tối. Nhưng ai cũng hào hứng và sẵn sàng cho các chuyến đi tiếp theo.
Những cuộc di chuyển như thế với họ-các cầu thủ và cha mẹ họ hàng chúng-diễn ra đều đặn các ngày thứ Bảy hàng tuần, theo lịch thi đấu của giải bóng nước U15 cấp vùng. Có những thứ Bảy, các trận đấu diễn ra ở “sân nhà”, chúng tôi chẳng phải đi đâu cả, tất cả tập trung một cách hào hứng bên bể bơi gần nhà để cổ vũ cho lũ trẻ cả buổi chiều.
Thỉnh thoảng lại có những trận “sân khách” ở xa, hoặc các nhà lái xe chở con cái rồng rắn đi, hoặc xa hơn nữa thì trung tâm thuê xe cho cả đội và các “cổ động viên” đi thi đấu. Những chuyến đi và về như thế thường mất đến nửa ngày, và trở thành một hoạt động mang tính thường kì của cả gia đình. Luôn có cả bố và mẹ hoặc một trong hai người đó, cùng anh chị em, thậm chí cả ông bà đi theo cổ vũ.
Đội bóng nước mới thành lập được hơn năm, còn chuệch choạc, chưa định hình lối chơi và thỉnh thoảng có những trận thua rất đậm, nhưng cái đội “cổ động viên” ấy không hề thấy buồn. Là người lớn, họ biết cách cư xử của người lớn hết lòng vì trẻ.
Những đứa trẻ cần cha mẹ và người thân ở bên để động viên khi thua, để khích lệ tinh thần khi chiến thắng và chăm sóc chúng theo một cách chu đáo nhất có thể, nhưng sự bao bọc ấy không hề làm chúng mất đi sự tự lập. Đội “cổ động viên” còn làm một băng rôn bằng giấy, giơ lên cho bọn trẻ thấy. Băng rôn ấy viết rằng, “kết quả không quan trọng. Quan trọng là bố mẹ luôn bên các con”.
Nhìn cái băng rôn ấy, hòa cùng cái không khí háo hức đưa con đi thi đấu của đội “cổ động viên”, mà tự dưng nghĩ đến cách người ta làm thế nào để tiếp tục duy trì tình yêu và sự đam mê với bóng đá ở những nơi mà thể thao không phát triển, với các đội tuyển luôn làm vật lót đường như Lichteinstein hay San Marino. Luôn thua, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ đam mê chơi.
Một ông phụ huynh cùng đội bóng nước với con tôi bảo, người Italy luôn dành những gì tốt nhất cho con trẻ và những ngày cuối tuần trở thành một ngày của gia đình, khi chuyện thi đấu bóng nước của một đứa trẻ, một trận đấu bóng đá của đứa khác là ngày cả nhà đi theo và ủng hộ chúng. Anh nói đúng. Có những gia đình mà ngày cuối tuần theo xem con thi đấu, tôi không thể gặp được.
Nhà họ có hai đứa, học hai môn thể thao khác nhau, gia đình chia làm đôi để theo chân bọn trẻ. Mà cái sự “theo chân” ấy thì thực ra không chỉ cuối tuần. Trẻ con bên này học ngoại khóa rất nhiều.
Chúng ít khi về nhà sau giờ học chính khóa vào buổi chiều, mà đến các trung tâm thể thao để bơi, đá bóng, học nhảy, chơi tennis hoặc các môn nghệ thuật khác. Luôn có một ai đó trong gia đình theo chúng để đưa đón và chăm sóc chúng (nếu đấy là những đứa nhỏ).
Việc học ngoại khóa như thế không phải là những điều mang tính bắt buộc, nhưng bản thân cha mẹ thấy là cần thiết cho sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực của trẻ. Một điều quan trọng mà tôi nhận thấy: các môn ngoại khóa không chỉ có những tác dụng ấy, mà còn giúp trẻ hòa nhập tốt hơn vào xã hội, bằng cách sống trong một môi trường mới, với các bạn mới ở các lớp ngoại khóa.
Bản thân các bậc cha mẹ cũng mở rộng quan hệ bằng cách tiếp xúc với nhau hàng buổi. Đừng hỏi tại sao bọn trẻ ở đây tự lập, tự tin, phát triển tốt về thể lực, trí lực và cảm thụ nghệ thuật như thế, không chỉ vì chúng được khuyến khích chơi thể thao và nghệ thuật từ bé, mà chủ yếu là vì sự quan tâm săn sóc thực sự và thực chất từ các thành viên trong gia đình.
Ngày cuối tuần là ngày của gia đình là thế, khi người ta dành tất cả cho nhau. Tự dưng lại nhớ đến vẻ mặt rất tâm đắc của mấy ông bạn không thân lắm ở nhà khoe như một chiến công là cuối tuần nào cũng “vứt” mấy mẹ con về ngoại để tranh thủ đi uống bia với đám bạn nhậu mà thấy nản vô cùng....
Cái cách mà người Italy dành cho đứa trẻ thật đáng suy nghĩ. Ở mình ít chỗ chơi cho con trẻ. Người lớn nghĩ đến bản thân họ nhiều hơn cả, thành phố trở thành một nơi mà trẻ con bị gạt ra ngoài, vì không có chỗ chơi, vì ít có các cơ hội học ngoại khóa, vì cha mẹ mải chạy theo tiền tài, danh vọng và phó mặc toàn bộ chuyện dạy dỗ con cái cho nhà trường hoặc ông bà.
Ông bà thì thường yêu quý các cháu, nên đôi khi làm hộ các cháu đủ thứ, chiều hết mức theo kiểu dần biến chúng thành “em chã” và vì những nỗi lo sợ về đường sá, về môi trường sống, về xã hội bên ngoài, và cả những quan niệm sai lầm về giáo dục, mà họ giữ rịt chúng trong bốn bức tường nhà, cảm thấy yên tâm khi chúng chơi smartphone hoặc dán mắt vào tivi.
Có quá nhiều điều đang ngày càng khiến con trẻ trở thành “gà công nghiệp” thụ động hoàn toàn ngay trong nhà chúng.
Rất nhiều bậc cha mẹ cứ hay xuýt xoa cảnh trẻ con Tây tự lập, tự tin và ra đời sớm, nhưng họ không biết cách làm thế nào để con cái mình được như thế, trong khi vô tình (hoặc cũng có thể cố ý) truyền cho chúng cách sống của họ trong một cuộc đời đầy bon chen và một xã hội đang đầy lên những khía cạnh tiêu cực và những giá trị của sự dối trá. Việc người ta nâng tuổi “còn” trẻ em từ 16 lên 18 thực ra là logic với hoàn cảnh hiện tại, bởi họ tin rằng, như thế, sẽ bảo vệ được đứa trẻ.
Nhưng đấy là một logic buồn, khi đứa trẻ tiếp tục bị đẩy vào vòng tay bao bọc của gia đình, không cho chúng lớn và học cách tự lập, và gia đình, bằng những nỗi sợ con cái ra xã hội, bằng sự ích kỉ cho bản thân, dần biến đứa trẻ thành những đứa trẻ to xác không có những kĩ năng sống cơ bản và một sự phát triển đầy đủ về thể xác và tâm hồn.
Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến cảnh những đứa trẻ ở mình chạy rong và mẹ hoặc bà lịch bịch chạy theo sau bón đút mà ám ảnh vô cùng.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần