Thư châu Âu: Khi trẻ con trở thành một rắc rối lớn
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
- Thư châu Âu: Ở nơi 'tử tế nhất Vương quốc Anh'
- Thư châu Âu: Cà phê cho người không quen
- Thư châu Âu: Sau món quà, là những trái tim
Những cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra trên các mạng xã hội. Những người đồng tình với quyết định của chủ quán cho rằng, bọn trẻ con Italy lắm mồm quá, làm phiền bao nhiêu người ở nơi công cộng. Những người phản đối lại nói rằng, ông chủ đã đi quá đà, và người lớn đang tỏ ra ngày càng ích kỷ hơn.
Các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, khi nước Italy bắt đầu chia làm hai phe rõ rệt, khi thế giới của những người không có con hoặc chưa muốn có con và cần sự yên bình, thanh thản, tuyên chiến với thế giới của gia đình, tố cáo họ là những người ầm ỹ và phá hủy không gian của các quán ăn, sự yên tĩnh của các khách sạn và các khu nghỉ dưỡng.
Ngày càng xuất hiện nhiều những dòng chữ như thế này: “Khách sạn không tiếp trẻ em”, “Ở đây không chấp nhận trẻ dưới 14 tuổi”, hay “Tại đây, trẻ sơ sinh không được chào đón”. Một sự xua đuổi thật kỳ lạ ở đất nước đang ngày càng già đi trông thấy, tuổi trung bình của phụ nữ có con lần đầu càng cao và trẻ con được quý như vàng, trong thời điểm mà các thú cưng, ở đây là chó, lại bắt đầu được chấp nhận vào các cửa hàng, quán ăn, các phương tiện giao thông công cộng, điều trước đây chưa từng xảy ra.
Điều gì đã xảy ra vậy? Một cuộc chiến vì quyền được tôn trọng không gian chung của con người, vốn rất được đề cao trong xã hội phương Tây, nhưng xem ra lại rất mâu thuẫn với tình yêu thương con trẻ của người Italy?
Tôi không bình luận gì về chuyện này, nhưng đã từng cảm thấy chóng mặt khi ngồi trong một quán cà phê ở ngoại ô Rome, khi bàn ngồi bên là ba bà mẹ và năm đứa trẻ là con của họ tranh nhau nói chuyện với mức volume to nhất. Người Italy nói nhiều và hay nói to.
Vài cái mồm như thế bên nhau là đủ trở thành một sự tra tấn kinh khủng với những người khác, nhất là khi có thêm vài đứa trẻ la hét, đùa nghịch và tranh cãi vì một chuyện gì đó mà chỉ có chúng mới hiểu được. Hầu như quán ăn, quán cà phê nào ở Italy cũng ầm ỹ như thế, và chỉ ở đây lâu, sống cùng họ mới hiểu được tại sao người ta có thể chịu nổi một không gian như thế. Một ông bạn của tôi bảo, “người Italy không chịu nổi sự im lặng. Họ phải nói, nói và nói, chân tay hua lên nữa cho đủ lệ bộ”.
Tôi chợt nhớ đến những quán ăn ở Pháp thật ngăn nắp, sạch sẽ và khách nói chuyện với nhau rất nhỏ, ai ở Italy quen rồi chứng kiến có khi nói, “ở đây trông như một đám tang”. Nhưng tôi đã quen với sự ầm ỹ rồi mà cũng không chịu nổi lũ trẻ ở quán cà phê kia chứng tỏ chúng phải hét to lắm.
Và chợt hiểu ra rằng, cái trào lưu chống trẻ con kia thực ra là một phản ứng rất đời thường trước việc trẻ con Italy - thường được cho là chiều quá, đâm sinh hư - quá ồn ào. Việc đặt những tấm biển cảnh báo hoặc thậm chí cấm như thế thực ra là một cách để nhắc nhở các ông bố bà mẹ hãy quan tâm đến cách hành xử của con cái ở nơi công cộng, để chúng không làm phiền đến những người xung quanh và gây khó chịu cho họ.
Sự nhắc nhở ấy, thực ra đã tồn tại trong không gian sống hàng ngày của họ, chẳng hạn các gia đình không bao giờ cho trẻ con ngủ muộn hoặc chơi đùa, hò hét và làm ồn, làm phiền đến họ cũng như hàng xóm sau 10h tối. Nhưng chẳng hiểu sao họ lại “quên” khi tới các không gian chung, như quán cà phê hay quán ăn.
Chính vì thế, các hình thức dịch vụ công cộng đã bắt đầu có những phân hóa để phục vụ các đối tượng khách khác nhau, chẳng hạn như những khách thích yên tĩnh và không dính dáng đến trẻ em, khi có khách sạn đề cao sự yên tĩnh đối với khách trọ, cũng như phục vụ các gia đình có trẻ con, như các khách sạn có không gian chơi cho lũ trẻ, có thực đơn ăn cho trẻ sơ sinh.
Trong khi Ryanair, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới, thậm chí đã tuyên bố sẽ thiết lập một vài tuyến bay không cho phép có trẻ em trong khoang thì ở Rimini, miền Đông Bắc Italy, cách đây vài năm đã khai trương một khách sạn chỉ dành đối tượng từ 16 đến 35 tuổi. Khách sạn này cấm tiệt các gia đình và người già. Khách sạn này đã trở thành một biểu tượng của hình thức phục vụ theo kiểu chuyên biệt đối tượng ngày càng phổ biến ở Italy.
Trở lại câu chuyện nhà hàng cấm trẻ em, rất nhiều người đã phản đối điều này. Bà Agata, một trong ba bà mẹ yêu trẻ em đã quyết định mở một nhà hàng theo kiểu “family friendly” (thân thiện với gia đình) ở Bologna, miền Bắc Italy, nói rằng, bà không muốn tạo ra một sự phân biệt đối xử đối với trẻ em và bố mẹ chúng: “Để cho lũ trẻ không làm phiền người khác, chỉ cần đưa cho chúng vài thứ thôi. Chẳng hạn một tờ giấy vẽ, cây bút, vài thứ để chơi. Chúng tôi cũng thỉnh thoảng đưa ra những lời khuyên cho các chủ quán bar hay nhà hàng bản thân họ cảm thấy hoặc họ nhìn thấy khách hàng khó chịu vì bọn trẻ. Họ làm theo chúng tôi và thành công. Thực ra, sự chung sống giữa con trẻ cùng cha mẹ chúng với người khác đâu đến nỗi khó khăn thế”.
Câu chuyện thật đơn giản phải không, nhưng không phải ai cũng hiểu, cả những người kinh doanh lẫn cha mẹ của bọn trẻ. Lũ trẻ không phải là người lớn trong thân xác nhỏ con, và chúng không có lỗi.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần