(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Cuối tuần rồi, con tôi đi sinh nhật một cậu bạn ở lớp. Đấy là một cậu bạn đặc biệt, có cha người Ý và mẹ người Rwanda. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là cậu ấy sinh nhật chính thức vào tháng 8, nhưng vì tháng 8 là dịp nghỉ Hè, không thể mời được các bạn qua nhà chơi và ăn bánh sinh nhật, nên bố mẹ cậu chọn một dịp đặc biệt để tổ chức một sinh nhật nhẹ nhàng mà vui vẻ cho cậu vào tháng 10, khi bọn trẻ đã tới trường.
Lễ sinh nhật giản dị ấy được tổ chức trên bãi cỏ của một khu triển lãm lớn nhất Rome. Giữa những dòng người đang đi xem Romics, festival hàng đầu châu Âu về truyện tranh, game điện tử và các thể loại cosplay, một bữa tiệc nhỏ diễn ra thật vui vẻ, đúng theo kiểu “Liên hợp quốc”: những đứa trẻ thân quen với thằng bé vừa tròn 12 tuổi thuộc đủ mọi màu da, ngôn ngữ, hào hứng đứng ăn những đồ mà nhà thằng bé mang theo, trong đó có bánh mì kẹp thịt, bánh ngọt, hoa quả và nước, sau đó cả bọn rủ nhau đi tham quan các gian hàng của triển lãm và rồi đăng ký chơi game cùng nhau.
Bố mẹ của thằng bé lai Ý - Rwanda chịu trách nhiệm “quản lý” toàn bộ đám trẻ, và khi bữa sinh nhật đặc biệt ấy kết thúc sau vài tiếng, họ đưa những đứa trẻ kia về nhà, giao lại cho bố mẹ chúng.Chuyện sinh nhật kiểu ấy thực ra không phải là điều gì đó quá to tát ở bên này, giản dị, không tốn kém mà lại rất gần gũi, vui vẻ. Gần như tháng nào con tôi cũng đi sinh nhật bạn theo kiểu ấy. Bọn trẻ càng lớn lên, cách làm sinh nhật cũng khác nhau.
Lúc bọn trẻ còn ít tuổi, còn học mẫu giáo hoặc cấp một, bố mẹ chúng thường thuê những không gian đặc biệt chỉ dành riêng cho việc tổ chức sinh nhật. Đấy là những căn phòng rộng trong những trung tâm chuyên về sinh nhật, đủ để mấy chục đứa trẻ chơi và ăn sinh nhật trong đó. Nhưng chúng không bao giờ ngồi một chỗ trong suốt mấy tiếng của một lễ sinh nhật.
Các trung tâm sinh nhật có những chỗ chơi rất lớn cho bọn trẻ chơi, có những chú hề hoặc hoạt náo viên được thuê để tổ chức các trò chơi vận động và chọc cười lũ trẻ. Tóm lại, trong mấy tiếng sinh nhật, chúng chỉ có chơi. Đến thời điểm quan trọng nhất của bữa tiệc, bánh ngọt sẽ được mang ra, nến được thổi, từng món quà được bóc ra trước sự chứng kiến và hò reo của mọi người.
Những trung tâm như thế ở Ý rất nhiều và có thể ở bất cứ đâu, trong công viên, trong các trung tâm thương mại, trong cả những quán ăn lớn hoặc những trang trại ở ngoại ô có không gian chơi rộng rãi, thoáng đãng.
Lớn lên rồi, chúng tổ chức ở những không gian kiểu khác và đối tượng được mời cũng ít hơn, tinh hơn, không theo kiểu mời cả lớp và cả người thân quen trong gia đình như khi chúng còn bé tí.
Đấy là những nhà hàng, những quán pizza, những quán ăn nhanh, những chuyến picnic vui vẻ ra ngoại ô và cả những trung tâm triển lãm trong các dịp festival như cậu bé bạn con tôi đã gửi vé mời tham gia cho những đứa nó chơi thân nhất. Có những cuộc sinh nhật nhỏ hơn, chỉ trong phạm vi gia đình, giữa những người thân thiết nhất với nhau.
Dù đứa trẻ còn bé hay đã lớn tầm tuổi con tôi, điều không thể thiếu luôn là một không gian vui vẻ và đầm ấm. Những món quà được mở ngay trước mắt tất cả. Kể cả khi đứa trẻ không hài lòng với món quà đó vì một lý do nào đó, chẳng hạn nó đã có thứ đó hoặc thứ đó nó không thích, người tặng nó cũng chẳng cảm thấy phật ý.
Vì một lẽ đơn giản: họ sẵn sàng đổi hoặc mua thứ khác cho đứa trẻ. Hóa đơn của món quà mua thường được giữ lại, tiện cho việc đổi hoặc mua thứ khác tương đương với giá trị món quà ấy ở nơi đã mua thứ đó trong vòng một tuần.
Có một điều không đổi: Vai trò của bố mẹ. Họ chỉ đóng vai phụ trong các cuộc vui của lũ trẻ. Có người đưa con cái họ đến, gửi con lại chỗ sinh nhật, rồi đi đâu đó và đến đúng giờ cắt bánh thì quay về tham gia chúc mừng “chủ nhân”.
Có người thì tham gia từ đầu đến cuối trong bữa sinh nhật. Nhưng họ không can thiệp vào cuộc chơi của trẻ. Họ đứng hoặc ngồi một chỗ với các phụ huynh khác, uống nước ngọt hoặc ăn pizza, coi đó như một cơ hội để hàn huyên chuyện trò.
Cũng theo cách ấy, mà tự dưng vợ chồng tôi có thêm bao bạn mới, với rất nhiều màu da, quốc tịch và văn hóa khác nhau. Những đứa trẻ trở thành cầu nối cho các ông bố bà mẹ gần gũi và thân thiết với nhau hơn. Tuyệt nhiên không có bia, rượu hay bất cứ đồ uống nào có cồn trong danh mục đồ uống.
Alberto, một nhà ngoại giao và là bố của bạn con tôi, thường phàn nàn một cách vui vẻ rằng, “ở Ý, sinh nhật của bọn trẻ nhàm chán quá. Bố mẹ chẳng có gì để chơi”. Thực ra, người đàn ông gốc Naples ham vui nhưng rất yêu con này nói vậy thôi. Ông bảo, bọn trẻ phải là số 1.
Đúng thế, những cuộc vui của con trẻ là để phục vụ cho chúng, vì niềm vui của chúng và bố mẹ làm tất cả những gì có thể cũng vì chúng. Đấy không phải và chưa bao giờ là một trong những cái cớ để người lớn tụ tập nhậu nhẹt như tôi từng thấy (và từng tham gia) trong nhiều cuộc sinh nhật trẻ con ở mình.
Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần