Sống chậm cuối tuần: Ngắm con sâu trong nồi canh
(Thethaovanhoa.vn) - Không biết câu tục ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh” có từ bao giờ và bắt nguồn từ nơi đâu? “Rầu” là gì? Mở từ điển thì được giải thích: “Rầu là héo hon trong lòng”…
Xem chuyên mục "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Lạ thật, con sâu là động vật sống. Động vật sống thì cũng có vui, có buồn là chuyện thường. Nhưng con sâu lại làm cho nồi canh, héo hon trong lòng thì thật khó mà hiểu được. Kỳ lạ thay, lối ví von của người Việt chúng ta!
Không bàn về nghĩa bóng của câu này, hãy nói về nghĩa đen của nó trong văn hóa ăn uống.
Tôi nhớ mãi cái bữa cơm chiều hôm ấy. Trời nóng vã mồ hôi, mâm cơm dọn ra có bát canh cải xanh nấu cá rô. Mẹ tôi kỳ công lọc thịt cá, nhặt hết xương răm vì sợ lũ trẻ ăn vào bị hóc. Thịt cá ướp gừng và nước mắm thơm phức. Đầu, xương cá được mẹ giã nhỏ rồi lọc rất kỹ khiến nước canh ngọt lừ. Bát canh múc lên phả mùi gừng quện mùi cá rô thơm kỳ lạ. Canh cá ăn với mấy quả cà pháo tự tay mẹ muối nén trong vại nhà, nhai vào giòn tan.
Chan vội bát canh và cố tình vọc mấy mẩu cá tận đáy bát. Bất thần, tôi nhìn thấy một chú sâu xanh lẫn trong đám lá rau cải nhừ.
Như bị điện giật, tôi hét toáng lên: “Ối mẹ ơi, có con sâu!”, cả nhà tròn mắt nhìn tôi. Ông bà tôi hơi khó chịu vì thằng cháu đích tôn có một cử chỉ bất lễ.
Mẹ tôi là tổng đạo diễn của những bữa ăn của cả nhà. Bà biết rõ ai là người nhặt rau và rửa rau hơn ai hết. Tuyệt không một lời phàn nàn. Bà nhẹ nhàng thu lại bát canh đang tỏa hương thơm nhưng nay đã trở thành dị vật ô nhiễm.
Lẳng lặng bê cả nồi canh, một tác phẩm nghệ thuật công phu mà bà sắp được công diễn để chiều cả nhà, đổ vào nồi nước gạo cho lợn. Thế là chỉ béo lũ lợn.
Bà vội vã bắc bếp, vặt mớ rau muống nấu vội nồi canh suông để kịp thời bù lại bát canh sâu bất đắc dĩ.
Sau bữa ăn chiều, lũ trẻ chúng tôi đứa nào đứa ấy ngồi vào bàn làm nốt bài vở để sáng mai còn đến trường. Dọn dẹp nhà cửa bếp núc xong, mẹ gọi tôi và chị cả xuống nhà dưới, sau lời nhắc nhở chị rửa rau không sạch, mẹ lại trách tôi: “Lần sau, nếu con thấy có sâu hay có gì không sạch như bữa hôm nay, con nói nhỏ với mẹ là đủ. Mẹ sẽ đổ đi. Đừng làm ầm lên như thế. Làm như vậy thì ông bà, bố mẹ và cả nhà sẽ mất vui".
***
Sau này ra đời. Không còn nhớ tôi đã bao lần gặp lại cái cảnh tìm thấy vật lạ trong bát canh như ngày nào.
Thời chiến, cả tập thể có mỗi cái chảo gang to đùng. Cấp dưỡng thì chỉ có một. Anh em phải phân công nhau mỗi ngày cử thêm hai người xuống làm phụ bếp. Cả một chảo canh mà mấy chục miệng cùng ăn. Dăm miếng thịt vịt lèo tèo và hàng chục mớ rau muống thả vào để tạo ra một thứ nước đen đen, đục đục, váng tí mỡ được gọi là canh.
Những bữa được phân công vào phụ bếp như thế, nhớ lời mẹ dặn ngày nào, tôi vẫn cố nhặt rau cho cẩn thận. Chị cấp dưỡng nhìn tôi như một người từ hành tinh lạ. Chị dạy tôi cầm cả mớ rau muống rồi lấy dao phay thái xoẹt phần gốc, quẳng vào rổ xề mang ra giếng rửa. Thế là xong. “Việc gì phải nhặt kỹ như thế. Cậu rõ là con nhà tiểu tư sản...”.
Những bữa ăn tập thể như thế, cũng không ít lần trong cà-mèn canh được chia của tôi có xuất hiện những chú côn trùng xinh xinh, nhùn nhũn. Cặp lồng ai người nấy ăn. Thấy sâu thì đành đổ đi mà cũng chẳng thể nào thông báo cho người khác biết là trong chảo canh vĩ đại của tập thể có sâu.
Những hôm trong cà mèn canh của mình không có sâu nhưng ai dám chắc là trong cả chảo canh lớn kia lại không có cả dăm chục chú kia chứ? Thôi, khuất mắt trông coi là được. Biết làm sao?
Sau này, chị cấp dưỡng người đã dạy tôi cách nhặt rau nhanh gọn của bếp tập thể được cử đi học và ít năm sau, trở thành cán bộ dạy triết của một trường đại học. Không biết bây giờ chị còn giữ cái phong cách nhặt rau thuở nào hay không?
***
Hồi học đại học, tôi có ông thầy rất giỏi. Ông là giáo sư côn trùng học nổi tiếng. Với ông, côn trùng là một trong những động vật vô cùng quan trọng của hành tinh chúng ta. Ông còn truyền cho chúng tôi câu nói của một nhà côn trùng học nổi tiếng thế giới “Liệu tương lai thuộc về côn trùng hay thuộc về chúng ta” và ông chứng minh những khả năng ưu việt của côn trùng trong sự thích nghi với mọi hệ sinh thái trên trái đất so với loài người. Tôi nghe mà sợ.
Sâu bọ mà lên làm người thì cũng đáng sợ thật!
Vị giáo sư của tôi biết rất rành rọt loài sâu nào có hại, có chất độc và loài sâu nào không độc mà ta có thể ăn được. Ông còn nghiên cứu cả những phong tục ăn sâu bọ của các dân tộc trên thế giới và đôi khi còn ăn thử một số loài sâu xem hiệu quả ra sao.
Nghe nói, có lần ông được mời đến xơi cơm tại nhà của cô vợ chưa cưới. Trong bát canh hôm ấy có một chú sâu béo mẫm. Ông khoan thai gắp con sâu trong bát canh lên xoay đũa đi xoay đũa lại và ngắm nghía cái mẫu vật tuyệt vời vừa thu thập được. Mắt ông sáng lên trong nỗi hoảng sợ cực điểm của cô vợ tương lai. Và, một cử chỉ làm thất kinh cả họ nhà gái: ông từ từ bỏ con sâu vào miệng rồi tợp một chén rượu ngang, lim dim thưởng thức...
Chẳng hiểu hồi kết của câu chuyện sẽ diễn ra thế nào. Người thì cho rằng ông làm như vậy để gỡ danh dự cho bà mẹ vợ tương lai đã trót làm bữa cơm ẩu đãi khách nên được gia đình gả con gái cho. Kẻ thì nói sau trận ấy nhà gái sợ chết khiếp chàng rể có cử chỉ man rợ ghê người... Kết cục thì bà vợ ông bây giờ vẫn chính là một trong những người vào bếp để nấu bữa ăn khoản đãi ông chồng tương lai hôm nào.
***
Ngày nay, thuốc trừ sâu dùng vô tội vạ. Có lẽ vì thế mà những nồi canh bị làm rầu cũng gần như biến mất trong mọi bữa ăn của từng gia đình. Người ta vẫn ăn nhưng bây giờ tuy không có sâu mà ăn đâu có sạch. Thậm chí còn nguy hiểm và bẩn hơn xưa nhiều. Thậm chí ăn thấy sâu mới là… sạch.
Vũ Thế Long