Để người Hà Nội thanh lịch, văn minh (kỳ 3 và hết): Lấy báo chí làm nòng cốt
Để việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt hiệu quả, công cuộc tuyên truyền để người dân hiểu, cùng đồng thuận thực hiện có vai trò quan trọng. Đặc biệt, là công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và trên hệ thống báo chí của trung ương và thành phố Hà Nội.
Ngay tại Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, đã xác định: "Tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới".
Sự "vào cuộc" tích cực của báo chí Thủ đô
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đối với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực "vào cuộc" bằng nhiều kế hoạch thông tin cho nội dung đặc biệt này.
Đơn cử như ở báo Hà Nộimới, Phó Tổng biên tập Mai Thị Kim Thoa cho biết, phát huy vai trò của tờ báo Đảng chủ lực ở Thủ đô, thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", báo Hà Nộimới tích cực xây dựng, triển khai các tuyến tin, bài nhằm đề cao giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực... Các tuyến bài này được đăng tải trên cả 4 ấn phẩm của báo Hà Nộimới.
Thông qua các tuyến tin bài, báo Hà Nội mới đã tập trung truyền tải một số nội dung "cốt lõi" về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đó là, phát huy giá trị truyền thống của các thế hệ người Hà Nội, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Đó còn là những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử: "Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội". Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bên cạnh đó, các tuyến tin, bài trên báo Hà Nội mới đã kịp thời phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng có những dự án, công trình quá chú trọng về các giá trị kinh tế mà chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn.
Hoặc ở Người Hà Nội, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, tạp chí mang đến cho bạn đọc những thông tin phong phú, phản ánh đời sống văn học nghệ thuật Thủ đô, nhịp sống của Hà Nội hôm nay cũng như giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên bản sắc Hà Nội; góp phần đáng kể vào việc thực hiện định hướng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cụ thể, nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng biên tập tạp chí Người Hà Nội dẫn chứng, không chỉ nỗ lực tạo sự phong phú cho ấn phẩm bằng những thông tin đa dạng, thiết thực, mà còn tích cực đổi mới, làm phong phú thêm các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về xây dựng văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Có thể kể tới chuyên trang "Thăng Long - Hà Nội" với các chuyên mục Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội, Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội, Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội, Ký ức Hà Nội, Người Hà Nội thanh lịch văn minh, Sáng tạo và cống hiến, Người tốt việc tốt...
Để công tác tuyên truyền xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng đa dạng, hiệu quả, tạp chí Người Hà Nội còn chủ động đẩy mạnh chuyên trang Người Hà Nội thanh lịch văn minh trên cả ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử. Các bài viết trên chuyên trang này đã tập trung nêu bật được nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội từ nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hằng ngày, cách nói năng, văn hóa ứng xử qua đó góp phần khắc họa một Hà Nội thanh lịch, một Hà Nội với bề dày văn hóa của một kinh đô hơn 1.000 năm tuổi.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Dễ thấy, trong thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các cơ quan báo chí Thủ đô đã chủ động xây dựng kế hoạch, có nhiều cơ chế khuyến khích các nhà báo tăng cường sáng tạo, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu tạo nên các sản phẩm báo chí có giá trị về nội dung này.
Các cơ quan báo chí Thủ đô cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
Phát huy giá trị truyền thống của các thế hệ người Hà Nội, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", nhiều cơ quan báo chí Thủ đô còn mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục, cuộc thi, tạo sân chơi nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Đặc biệt, báo chí Thủ đô cũng chủ động vào cuộc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ súy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô... Cùng với đó, kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các hành vi ứng xử đẹp của người dân Thủ đô, thông qua các tuyến bài viết về gương điển hình người tốt, việc tốt.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, theo ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước.
Cũng theo ông Học, công tác tuyên truyền trên báo chí cần tiếp tục tăng cường một số nội dung như: Sự đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của các cấp ủy và chính quyền địa phương trong xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa Thủ đô phong phú, lành mạnh; chú trọng vai trò và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí còn cần tiếp tục tuyên truyền nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Đồng thời, tích cực phê phán những cái xấu, cái phản văn hóa trong cuộc sống, qua đó tạo tác động tích cực, lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong xã hội.