Để người Hà Nội thanh lịch, văn minh (kỳ 1): Từ xác định nhiệm vụ trọng tâm đến triển khai toàn diện
Phát huy vị thế và tầm vóc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước, trong nhiều năm qua, thành phố đặc biệt chú trọng tới công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng khi đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô.
Như lời ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tại tọa đàm Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với cuộc vận động Phụ nữ thủ đô ứng xử đẹp do báo Phụ nữ thủ đô tổ chức mới đây tại Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội ở nhiều nhiệm kỳ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều nhiệm kỳ
Theo đó, đứng trước những đòi hỏi từ thực tiễn, thành phố Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, thành phố đã tập trung, ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và con người Hà Nội mà biểu hiện trước tiên là một loạt các chỉ thị, chương trình được vạch ra cho nội dung này.
Minh chứng cụ thể phải kể tới, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được thành phố quan tâm triển khai, xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ. Trước đây, Thành ủy Hà Nội đã có chương trình số 05-CTr/TU ngày 6/3/1997 hướng tới kỷ niệm 990 năm và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Thành ủy đã có các chương trình số 08-CTr/TU ngày 4/8/2006, chương trình số 04-CTr/TU ngày 18/10/2011, trong đó đều nhấn mạnh tới nội dung cơ bản quan trọng là phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tiếp nữa, Hà Nội đã tiến hành đánh giá xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong 30 năm đổi mới, góp phần tham gia xây dựng Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Thành ủy Hà Nội đã có 8 chương trình công tác lớn, trong đó có chương trình số 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020".
Gần đây nhất, Thành ủy Hà Nội ban hành chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025". Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19/2/2024 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Kể ra như vậy để thấy, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII). Theo đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội, coi đây là nguồn lực và động lực quan trọng cho phát triển thủ đô.
Như đánh giá của PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc Hà Nội ban hành chương trình số 06-CTr/TU trong xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch và gần đây tiếp tục ban hành chỉ thị số 30-CT/TU, chứng tỏ đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục với sự tập trung cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
Triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Về công tác triển khai các chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ông Phạm Thanh Học cho biết thành phố đã triển khai thực hiện chương trình số 06-CTr/TU toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Đó là, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch thông qua tổ chức xét chọn, biểu dương người tốt, việc tốt, danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú; hướng dẫn triển khai thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021-2025".
Cùng với đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện phân cấp công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội gắn với phòng, chống dịch bệnh tại một số lễ hội lớn, trọng điểm.
Còn ông Bùi Hoài Sơn thì đánh giá, các chương trình phát triển văn hóa của Hà Nội đã có những tác động tích cực rõ rệt, góp phần duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức cộng đồng và tạo ra một môi trường sống văn minh, thanh lịch cho người dân.
Cụ thể, các phong trào như "Xây dựng nếp sống văn hóa", "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", "Phụ nữ thủ đô ứng xử đẹp"... đã nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Các chương trình giáo dục lịch sử văn hóa trong trường học, các chiến dịch truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống đã giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa của thành phố. Các tài liệu, sách báo, phim tài liệu về văn hóa Hà Nội cũng đã được xuất bản và phát hành rộng rãi. Các chương trình bảo tồn di sản đã giúp duy trì và cải thiện các di tích lịch sử, văn hóa quan trọng như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội. Các chương trình bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể đã giúp giữ gìn những nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Trong khi đó, các chương trình phát triển nghệ thuật đương đại, khuyến khích sự sáng tạo trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật đã tạo ra một môi trường văn hóa phong phú và đa dạng. Các sự kiện nghệ thuật như lễ hội âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, góp phần vào sự phát triển văn hóa cộng đồng. Các hoạt động văn hóa cộng đồng như các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố, các cuộc thi văn hóa, thể thao đã khuyến khích người dân tham gia và đóng góp vào sự phát triển văn hóa chung, tạo ra sự gắn kết cộng đồng, nâng cao tinh thần đoàn kết và tình yêu quê hương.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, không chỉ giới thiệu các di sản văn hóa mà còn tạo ra các tour du lịch văn hóa đặc sắc, giúp du khách hiểu và yêu mến văn hóa Hà Nội. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp quảng bá văn hóa Hà Nội ra thế giới.
Từ những kết quả bước đầu, theo ông Bùi Hoài Sơn, để phát huy và tiếp tục lan tỏa bền vững phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở Thủ đô cần quán triệt sâu sắc các quan điểm quan trọng của phong trào này. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thành hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị…
(Còn tiếp)