Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều thách thức
Sau hai tuần làm việc căng thẳng có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, cuối cùng các nước tham gia Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc thành lập một Quỹ để đền bù tổn thất cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Giới phân tích cho rằng, việc thành lập Quỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước nhỏ kém phát triển, cho dù sẽ còn nhiều thách thức để hiện thực hóa cam kết tại COP27.
Thông qua thỏa thuận thành lập Quỹ bồi thường tổn thất do biến đổi khí hậu
Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) ban đầu dự kiến diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 đến 19/11/2022. Diễn ra trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, hội nghị COP27 là cơ hội để các nước thúc đẩy các hành động, hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế toàn cầu và giúp đỡ các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu như bão lũ, sóng nhiệt, hạn hán...
Trong suốt hai tuần diễn ra COP27, các đại biểu đến từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ đã thảo luận sôi nổi các vấn đề chủ chốt, bao gồm việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển và kém phát triển, nâng tham vọng hành động khí hậu để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, phát triển hydro xanh, chuyển đổi năng lượng, khử carbon, giảm thiểu, thích ứng, nông nghiệp, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, các giải pháp khí hậu...
Trong đó, vấn đề gai góc nhất trong số này là thiết lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo và đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển thì đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển. Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ.
Tuy không thể định lượng chính xác nguồn tài chính cần cho nỗ lực giảm thiểu và thích ứng của các quốc gia đang phát triển, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu cần thiết có thể lên tới hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng nhóm các nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã do dự vì lo ngại việc thiết lập một quỹ bồi thường có thể khiến các quốc gia này khác phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường không giới hạn có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của tất cả các nước tham gia, cuối cùng, các nước tham dự Hội nghị COP27 đã nhất trí được một Thỏa thuận khí hậu tại phiên bế mạc COP27 vào ngày 20/11 sau khi đã kéo dài thời gian đàm phán thêm một ngày. Việc hội nghị phải kéo dài hơn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu đã cho thấy các cuộc thương lượng diễn ra khó khăn, song cũng phản ánh quyết tâm của các bên tìm cách đạt được thỏa thuận nhằm phối hợp nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của giới phân tích, Thỏa thuận khí hậu COP27 đã đạt được tiến triển đáng kể liên quan đến giảm thiểu, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại, phù hợp với tầm nhìn của nước Chủ tịch COP27 Ai Cập. Về giảm thiểu, thỏa thuận kêu gọi cần phải giảm nhanh, sâu và bền vững lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo đó giảm 43% lượng khí thải ròng toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2019 để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C.
Về thích ứng, thỏa thuận kêu gọi các bên tiếp tục lồng ghép vấn đề nước vào các nỗ lực thích ứng để tăng cường bảo vệ, bảo tồn và khôi phục an ninh lương thực, nông nghiệp, nước và các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm cả các lưu vực sông. Về tài chính khí hậu, thỏa thuận nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế trong hệ thống tài chính để đảm bảo huy động được tài chính khí hậu từ nhiều nguồn khác nhau.
Thỏa thuận cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư 4.000 tỷ USD/năm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và 4.000-6.000 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải loại bỏ dần than đá và bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Đáng chú ý nhất trong thỏa thuận trên là điều khoản về việc các nước nhất trí thành lập một Quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu. Thực tế nội dung liên quan đến Quỹ đền bù này vốn không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến nó trở thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27, và việc Hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử.
Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao.
Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế. Thành công này đã phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước tiến ban đầu, còn những nội dung cụ thể như nguồn tài trợ, quy chế hoạt động của Quỹ sẽ được các bên tiếp tục thảo luận tại Hội nghị COP28 vào năm 2023 thông qua một “Ủy ban chuyển tiếp”. Những nhiệm vụ này được xem là những thách thức tiếp tục đặt ra cho các nước trong nỗ lực nhằm chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Những thách thức để hiện thực hóa cam kết tại COP27
Cùng với thỏa thuận khí hậu quan trọng đạt được nêu trên, COP27 cũng đã ghi nhận một loạt cam kết và hành động mạnh mẽ của các quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại COP26 ở Scotland vào năm 2021. Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái đất không vượt quá 1,5 độ C - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.
Trước đó, EU cam kết sẽ dành hơn 1 tỷ USD tài trợ khí hậu để giúp các quốc gia ở châu Phi tăng cường khả năng chống chịu trước tác động ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sáng kiến sẽ bao gồm việc thu thập dữ liệu rủi ro về khí hậu, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cũng như giúp thu hút tài chính từ khu vực tư nhân.
Một cam kết đáng chú ý khác là việc Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon và sẽ đưa quốc gia Nam Mỹ này trở lại trung tâm thảo luận về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, ngoài những cam kết tích cực trên, thì nhiều đại biểu tham dự COP27 cũng bày tỏ sự thất vọng vì một số mục tiêu chính khác không đạt, đặc biệt là việc chưa có những cam kết mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cắt giảm khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Kể cả việc lập Quỹ bồi thường tổn thất do biến đổi khí hậu cũng không có điều khoản ràng buộc việc lập quỹ mới với nỗ lực giảm phát thải, hay hạn chế chỉ các nước dễ bị tổn thương nhất mới được nhận đền bù.
Một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận COP27 vì thế không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại COP26 ở Glasgow (Anh) hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt. Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì cho rằng COP27 vẫn chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans đánh giá thỏa thuận tại COP27 vẫn chưa đủ để tạo bước tiến cho người dân và Trái Đất.
Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới.
Theo các nhà khoa học, giới hạn mức tăng nhiệt của trái đất ở 1,5 độ C là "hành lang an toàn" trước các tác động mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thế giới đi chệch hướng trong thực hiện mục tiêu này và đang tiến tới mức tăng nhiệt 2,5 độ C. Các quốc đảo nhỏ phải đối mặt với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu tỏ ra không hài lòng khi COP27 chưa tạo ra chuyển biến lớn về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Quan trọng là, sau những cam kết trên, cộng đồng thế giới đang mong đợi các quốc gia, nhất là những nước phát triển, bắt tay ngay vào hành động để bảo vệ hành tinh xanh trước khi quá muộn.