Chuyện Thanh niên quỳ gối xin việc - Dư luận có quá nghiêm khắc?
(Thethaovanhoa.vn) - Thanh niên 22 tuổi tên Hải, phải bỏ học từ khi lên lớp 6 do hoàn cảnh gia đình. Cũng do gia cảnh khó, gõ cửa khắp các cơ quan tuyển dụng bất thành, Hải đã quỳ gối cầm biển xin việc trên đường phố Hà Nội. Câu chuyện của Hải nhanh chóng thành tâm điểm chú ý của dư luận.
- Thanh niên quỳ gối xin việc: Đừng chỉ cười nhạo và buồn đẹp!
- Cầm biển xin việc giữa đường, có gì nhục nhã?
Chúng tôi đem câu hỏi này tới các chuyên gia nghiên cứu dư luận xã hội, các nhà giáo dục, cùng cả người đang mưu sinh tự do trên các con phố Hà Nội.
TS Tùng Lâm: Dư luận cần cởi mở hơn
TS Tâm lý Giáo dục Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường vẫn được mệnh danh là “trường học sinh cá biệt” chia sẻ: Đầu tiên, chúng ta cần đánh giá công tâm về hành động quỳ gối xin việc của thanh niên trên. Theo tôi, khi người ta lâm vào cảnh khó thì quỳ gối xin việc không phải là quá xấu. Cậu thanh niên này không xin ăn nên dư luận không thể phán xét cậu ấy sức dài vai rộng mà lười làm việc. Thông điệp ghi trên tấm biển rõ ràng, cậu ấy xin việc để lao động kiếm tiền nuôi gia đình. Cậu ấy cũng không ăn trộm ăn cắp mà dư luận dè bỉu. Cậu ấy đang cố nuôi mầm thiện trong thời khắc ngặt nghèo nhất để tìm hướng sinh nhai.
Còn hành động quỳ gối, tôi nghĩ đó là do sự quẫn bách của hoàn cảnh. Thêm nữa, theo tìm hiểu, cậu ấy cũng có những hạn chế nhất định về mặt nhận thức. Điều này dư luận cần bao dung để thấu hiểu và động viên thay vì lao vào nhiếc mắng, cười nhạo.
Về giải pháp, tôi thấy, vấn đề ngắn hạn là tìm việc cho cậu thanh niên đã được giải quyết. Nhưng, nhìn xa hơn, chỉ có giáo dục là phương pháp giải quyết triệt để căn cơ của vấn đề. Câu chuyện này có hai đối tượng: chủ thể (là cậu thanh niên quỳ xin việc) và dư luận bình luận về chủ thể. Tôi cho rằng giáo dục phải giải quyết bằng được cả hai nhóm đối tượng này để tránh tình trạng tiếp diễn.
Cụ thể, như ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng của tôi, chúng tôi dạy nhiều môn hướng nghiệp và kỹ năng sống. Các học sinh đều được đánh giá về năng lực, sở trường và những hạn chế để tìm việc làm phù hợp. Và, khi người trẻ được trang bị đầy đủ nhận thức về giá trị bản thân, tôi nghĩ, đối tượng thứ nhất (chủ thể xin việc) sẽ không phải quỳ gối để xin bán hàng mà có những lựa chọn thích hợp hơn
Ở khía cạnh khác, chúng tôi cũng truyền cảm hứng cho các em thái độ cởi mở với những điều khác biệt và không vội phán xét. Dư luận gần đây rõ ràng quá nghiêm khắc và ngặt nghèo với những người khác song lại dễ dãi với chính bản thân mình. Vì thế, chúng tôi hướng dẫn cho học sinh của trường thận trọng, bao dung khi tiếp cận các vấn đề xảy ra trong cuộc sống chứ không hằn học, trách móc. Đây là một trong những điều tôi tự hào nhất về trường mình.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Cộng đồng mạng là đám đông hỗn loạn!
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: Hành động dùng “khổ nhục kế” để xin việc của cậu thanh niên nói lên nhiều điều. Nó phản ánh sự mất cân bằng trong xã hội về vấn đề phân bổ nhân lực. Đồng thời, ở góc độ cá thể, nó nói lên một vấn đề có thực: áp lực việc làm đang là mối quan tâm hàng đầu.
Sau khi hình ảnh về cậu thanh niên quỳ gối xin việc, nhiều quan điểm trên mạng xã hội đánh giá cậu là hèn, thiếu đàng hoàng. Song, chúng ta nên nhìn sâu bên trong. Nhu cầu việc làm đang là áp lực quá lớn và cậu thanh niên đó đang tuyệt vọng. Cần nhắc lại, đằng sau mỗi nickname trên mạng xã hội là một con người. Nhưng, đám đông trên mạng xã hội không đồng nghĩa với dư luận ngoài đời sống thực.
Cụ thể, đám đông trên mạng xã hội là đám đông thiếu hạt nhân dẫn dắt. Họ là một đám đông hỗn loạn với trào lưu bắt chước, hùa theo nhau. Đám đông này thiếu lý trí, phát triển theo hướng mất kiểm soát dễ dẫn đến những cuộc “ném đá tập thể” rất tệ hại.
Thêm nữa, cư dân mạng “liều lĩnh” tấn công bất cứ ai, bất chấp hệ quả vì họ không phải đối diện với ai khi họ ở sau màn hình máy tính. Một đám đông thiếu khát vọng tập thể là lý do giải thích tại sao hành động tưởng chừng đáng được thương cảm của cậu thanh niên quỳ gối xin việc lại bị mạt sát, miệt thị.
Và chúng ta không nên đánh giá con người Việt, tâm lý người Việt cao ngạo, thiếu tinh thần tương thân tương ái. Đám đông cộng đồng mạng với thói quen nói ẩu, nói văng mạng không đáng tin cậy để đại diện cho cộng đồng người Việt.
Tôi vẫn tin, giáo dục và truyền thông là hai biện pháp cốt lõi nhất để giải quyết vấn đề.
Thợ đánh giày Đào Duy Thịnh: Mưu sinh luôn có lý riêng
Anh Đào Duy Thịnh, sinh năm 1984, quê Quảng Xương (Thanh Hóa), đã nhiều năm “bám đường” mưu sinh. Có bằng lái xe ô tô, kinh nghiệm đóng tàu, song anh lựa chọn việc đánh giày ở vỉa hè Hà Nội như một nghề nghiệp nghiêm túc. Hiện tại, ngày ngày anh đánh giày ở hồ Giảng Võ (Hà Nội) từ 6h sáng tới tối mịt. Anh Thịnh chia sẻ quan điểm của mình: Tôi rất cảm phục cậu thanh niên quỳ gối xin việc trước cửa VTV. Cậu ấy có chữ nhẫn, vượt qua nỗi nhục lớn để gắng tìm đường hướng mưu sinh mà mình yêu thích. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc từ ngoài nhìn vào và bình luận hành động của cậu ấy rồi phán xét không được công bằng cho lắm. Vì mưu sinh luôn có lý riêng.
Cụ thể, tôi xin kể câu chuyện mưu sinh và quan điểm của mình về chuyện nghề nghiệp như một phép đối chiếu. Nhiều lúc tôi nghĩ mình có hâm không? Bị sốt xuất huyết, chiều nằm bệnh viện, sáng vẫn ngồi đánh giày.
Nhiều người bạn tôi làm nghề đánh giầy, về quê ai hỏi không dám nói. Vì họ ngại. Còn ai hỏi tôi, tôi bảo là em đánh giầy ở Hà Nội. Ai chơi với mình thì chơi, không chơi thì không chơi. Mình không thể dối mình. Ở đời, chả biết ai sẽ phụ mình bao giờ, nhưng chính bản thân mình, nhất định đừng phụ mình.
Tôi thích đánh giầy, hôm nào không đi làm là nhớ lắm. Đánh giầy thế này, gặp được nhiều người, thấy yêu cuộc sống hơn. Hôm nào mà ai có bực bội cái gì, ngồi đánh giầy, nói câu chuyện, là lại thấy giải tỏa, thấy cuộc đời nó đẹp hơn.
Đấy là chuyện lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân tôi. Tôi cũng như cậu thanh niên kia, sẵn sàng vượt qua những lực cản của dư luận để có được công việc mình thích. Những câu hỏi, tại sao cậu thanh niên kia không đi đánh giày (công việc không cần bằng cấp- PV) mà nhất định phải xin việc bán hàng, tôi nghĩ, nó không hợp lý lắm.
Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần