Thanh niên quỳ gối xin việc: Đừng chỉ cười nhạo và buồn đẹp!
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi”. Đó là tấm biển một thanh niên 22 tuổi tên Hải đeo trước ngực, quỳ gối ở khu vực cổng VTV những mong được tuyển dụng gây xôn xao dư luận vừa qua. Theo thông tin từ báo chí, thanh niên này chia sẻ, do gia đình khó khăn, cậu học hết lớp 6 phải bỏ học. Cậu đã đi xin việc ở khắp nơi nhưng đều không được chấp nhận do thiếu bằng cấp.
...Giống Hải, lý do Ninh “xin việc giữa đường” là do gia cảnh. Song, có một điều khác nhau cơ bản, tân cử nhân, người cha trẻ Phùng Đức Ninh đứng bên đường cầm biển xin việc. Còn Hải, quỳ gối đeo biển “cầu cứu”. Hành động quỳ gối xin việc của Hải đang khiến dư luận phản ứng dữ dội.
Theo các nhà tâm lý học, hành động “quỳ gối” thể hiện sự bất lực tới tột độ. Trong trường hợp Hải, cậu bất lực trước cánh cửa tuyển dụng, bất lực khi không được công việc mong muốn (bán hàng). Và nỗi bất lực sinh hoảng loạn, trở thành trò cười, mục tiêu để đám đông nhiếc mắng, xả những bức bối khác trong cuộc sống. Tức tối, chán nản, buồn đẹp là gương mặt chung của đám đông lúc này.
Không ai thấy, Hải đang cùng quẫn tìm con đường sống lương thiện bằng cách cuối cùng. Không ai thấy, đằng sau hành động quỳ là một con người không được trang bị những nhận thức đầy đủ do hoàn cảnh gia đình. Không ai thấy, trong cơn hoảng loạn, con người ta không thể bình tĩnh như ngồi sau màn hình máy tính. Không ai thấy, hành động quỳ giữa đường trước ánh nhìn soi xét của xã hội còn hơn chán vạn những con người âm thầm quỳ gối để đạt được tiền tài danh vọng…
Chúng ta chỉ nghĩ đơn giản: thấy quỳ là thấy ghét; quỳ là hèn; quỳ là lười lao động, quỳ là vai phản diện trong tấn kịch đời; quỳ là nỗi nhục nhã không thể bao biện... Bằng mọi giá, không được quỳ! Dù nịnh nọt bợ đỡ, dù luồn cúi chạy việc, dù ăn cắp ăn trộm… cũng hơn quỳ trước đám đông để xin việc (?!)
Nhiều ý kiến thắc mắc: Có nhiều công việc không cần bằng cấp tại sao nhất thiết phải xin việc bán hàng?
Sau đó, báo chí có chuyển câu hỏi này tới Hải. Hải thưa, dù có xin việc làm công nhân cũng bị yêu cầu bằng cấp. Kế đó, phóng viên ngỏ ý muốn mời Hải ăn cơm trưa. Hải từ chối. Vì “em xin việc chứ em không xin ăn!”. Câu trả lời dứt khoát nói lên nhiều điều.
Hình ảnh thanh niên 22 tuổi quỳ trước đám đông để xin việc là hình ảnh không đáng cổ súy. Hôm qua là cầm biển đứng đường để xin việc, hôm nay là quỳ gối xin việc, ngày mai sẽ là gì nữa nếu chúng ta cổ súy?
Và chúng ta cũng đều hiểu, lập luận của Hải không quá thỏa đáng khi bao người lao động tự do không bằng cấp vẫn làm việc và nuôi sống gia đình. Song, mỗi phận người với những cảnh đời đều có lý lẽ riêng; mỗi con người có năng lực nhận thức riêng.
Hơn thế, chúng ta cười, chế nhạo hay ngậm ngùi, ngao ngán trước hành động quỳ gối xin việc cũng đều là “quỳ gối”, đều bất lực trước nỗi đau của đồng loại. Không cổ súy quỳ gối xin việc song chúng ta nên chia sẻ những phẫn uất của Hải hôm nay.
Những sự chia sẻ xuất phát từ tình thương để từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của cá thể trong xã hội, tránh hội chứng “ảo tưởng bản thân” có lẽ sẽ khiến mọi chuyện tốt đẹp lên thay vì chế nhạo hay buồn đẹp.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa