Chuyện muốn quên trước ngày 27 tháng 7
(Thethaovanhoa.vn) - Một lần gần đây, về thăm quê, cha bỗng gọi tôi ngồi xuống để trao đổi một việc nghiêm túc. Ông lôi một bộ hồ sơ đã cũ, trong đó có nhiều chứng từ, chứng minh ông bị thương thời chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, năm 1968 đến 1971, có chứng nhận, bút tích của thủ trưởng, của đội ngũ bác sỹ.
- Cầu siêu cho các liệt sỹ trong không gian 'Âm vang Tây Nguyên'
- CHÙM ẢNH: ĐTQG và U23 Việt Nam dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ
Cha bảo: “Cha hỏi con, cha có nên đi giám định lại tỷ lệ thương tật để xem có được xét thương binh không. Thấy thiên hạ nhiều người đi làm, và được. Ý con răng”?
Tôi phân tích với cụ là thôi, chứng nhận thương binh để làm gì khi đã 80 tuổi rồi, chẳng lẽ vì cái danh. Nếu ngày xưa, thời còn cơ hàn thì lũ con có thể được ưu ái. Như, xét học bổng, xét điểm các kỳ thi được cộng điểm ưu tiên, giảm học phí, xin việc... Giờ con cái ai cũng phương trưởng, đừng làm khổ mình nữa. Vì, biết rằng nếu tự cha đi làm, gõ cửa hành chính cho đủ lượt, có thể được tấm thẻ thương binh, nhưng e rằng sẽ rất mệt mỏi.
Từ nhỏ, nhiều mảnh đạn, những viên bom bi vẫn còn nằm trong người cha, chúng tôi sờ được. Bị thương nặng phải ra hậu tuyến chữa trị, ông bảo rằng ngày đó nhiều anh bộ đội vô tư lắm. Như cha, chỉ thiếu vài % tỷ lệ thương tật là đạt chuẩn thương binh. Vậy mà ông không xin xỏ các bác sĩ. Các bác sĩ cũng không vì lòng trắc ẩn mà “phết” vài % cho chiến sĩ để có thẻ thương binh. “Thời đó vô tư, trong sáng thế đấy con ạ”. Cha tôi thở dài.
Tôi nghĩ đấy là phẩm giá của người lính thời chiến.
Viết đến đây, lại nhớ đến nỗi đau xảy ra trong tháng 5/ 2017, có hai lão nông đã lập “chiến công hiển hách” là Nguyễn Tiến Lãng (thôn Bùi Xá, Ngũ Thái) và Nguyễn Công Uẩn (phố Tam Á, Gia Đông) cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai cụ được Thanh tra Bộ LĐ-TB& XH tiến hành xét tặng bằng khen của bộ trưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi khai man, giả mạo hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 1.
Cụ thể, hai ông lão cùng ở tuổi 80 đã giúp cơ quan chức năng phát hiện 2.745 hồ sơ giả mạo, khai man để hưởng chế độ người có công. Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng, và khiến 29 đối tượng phải trả giá trước vành móng ngựa.
Tại sao phanh phui một việc động trời, kéo dài như thế lại khởi phát từ hai ông lão 80 tuổi? Trước đó, chuyện khai man, giả mạo hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, không chỉ tồn tại ở Bắc Ninh.
***
“Uống nước, nhớ nguồn”, đấy là đạo lý dân tộc nào cũng phải ghi nhớ. Chiều 22/7, tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu do tỉnh Quảng Nam tổ chức,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chiến tranh đã qua đi 42 năm, chúng ta đã thực hiện tương đối tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đã thực hiện trên phạm vi cả nước công tác đền ơn đáp nghĩa, xác định đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Tuy nhiên, tại hội nghị này, cần nhấn mạnh rằng chúng ta không được phép mình tự hài lòng về những kết quả đã đạt được”, Thủ tướng nói.
Đúng vậy. Nỗi đau chiến tranh đã và còn để lại di chứng cho những người còn may mắn trở về, và người thân của họ. Thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa là một sứ mệnh thiêng liêng, không hề đơn giản, nếu không muốn nói cũng là “cuộc chiến trường kỳ”, nhất là trong việc giám sát tính nhân văn, sự minh bạch của các chế độ, chính sách với cá nhân, gia đình có công cách mạng.
Dứt khoát không để những “con sâu” lợi dụng chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, Nhân dân để trục lợi trên những hy sinh, mất mát.
Hữu Quý