Chữ và nghĩa: Vô danh, khuyết danh và…
Mấy ngày vừa qua, dư luận (trong đó có báo chí, truyền thông) có ý kiến khá sôi nổi về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi ông đưa ra quyết định: “Tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là “vô danh” đều phải khắc lại tên mới là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”(tuoitre.vn).
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Việc xã hội quan tâm, chăm lo tới những người có công với Cách mạng, nhất là các thương binh, liệt sĩ, đó là điều cần thiết. Trong bài này, tôi chỉ có đôi lời bàn thêm từ góc độ ngôn ngữ học.
Trước hết, cũng phải nói thêm cho rõ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra yêu cầu đó không phải là đề xuất theo sáng kiến của cá nhân ông. Ông đã căn cứ vào Nghị định (số 131/2021/NĐ-CP) hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nêu rõ việc quản lí, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tại khoản c, điều 152, chương 5, quy định bia mộ thống nhất việc ghi kí tự, thông tin cụ thể: "Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin nêu trên thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi "Mộ liệt sĩ chưa xác định được tên".
Thông tin “nêu trên” thứ tự là: 1) biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh; 2) họ và tên (liệt sĩ); 3) ngày, tháng, năm sinh; 4) nguyên quán; 5) cấp bậc, chức vụ; 6) đơn vị; 7) ngày, tháng, năm hi sinh.
Thực tế, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, để xác định được thông tin đầy đủ (hoặc cơ bản đầy đủ) cho các chiến sĩ hi sinh trên chiến trận là vô cùng khó khăn. Nhiều trường hợp chiến sĩ bị mất tích hoặc không thu thập được thi thể, hài cốt. Vì vậy, trong hàng ngàn, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ (nằm rải rác trên các nghĩa trang liệt sĩ) còn có rất nhiều bia mộ “có hài cốt ở dưới mà trên không có bất kì thông tin gì”. Vì vậy, trước đây, đa số các nghĩa trang nhiều nơi đã ghi “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Vô danh”.
“Vô danh” là một từ Hán Việt đã quá quen thuộc (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020 thống kê tới 132 đơn vị bắt đầu bằng “vô”). Đây là một từ có hai thành tố (vô: không, danh: tên). Nguyên văn định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (vừa dẫn) như sau:
vô danh 無名 t. không mấy ai biết đến tên tuổi, không để lại tên tuổi [VD: mộ liệt sĩ vô danh; một cây bút vô danh, “Lá thư của người vô danh nào đó đã ném qua cửa sổ cho rơi đúng vào giường của Tùng (…)” (Nguyễn Khắc Trường; 1)].
Có một từ gần nghĩa với “vô danh” là “khuyết danh” (khuyết: thiếu, sót; danh: tên). Cũng trong Từ điển tiếng Việt (vừa dẫn) từ này có nghĩa:
khuyết danh 缺名 t. không có tên tác giả, không biết tác giả là ai [VD: truyện Nôm khuyết danh, tác phẩm khuyết danh].
Như vậy, “khuyết danh” có nghĩa là “thiếu tên”, gần nghĩa với “vô danh” (không tên). Nhưng từ “khuyết danh” chỉ được dùng trong các tác phẩm văn chương mà không dùng trong giao tiếp đời thường.
- Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'
- Chữ và nghĩa: Quốc ca và quốc thiều
- Chữ và nghĩa: Bài thuốc dân gian 'Đau bụng cỏ gú…'
Theo tôi, việc thay dòng chữ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” là không cần thiết, vì mấy lẽ:
1) Bản thân tổ hợp “Liệt sĩ vô danh” đã đủ nghĩa. Không cần quá chi tiết, đa số người Việt đều hiểu cụm từ này là “Liệt sĩ chưa xác định được các thông tin nhân thân: tên, tuổi, quê quán, cấp bậc, chức vụ, ngày hi sinh” như đã ghi ở các bia mộ đủ thông tin.
2) Tổ hợp “Liệt sĩ vô danh” ngắn gọn, chặt chẽ về cấu trúc, có giá trị định danh cao, lại có hàm nghĩa hay hơn. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: Những hồn Trần Phú vô danh/ Sóng xanh biển cả cây xanh núi ngàn.
3) Việc xóa bỏ thông tin cũ (đã ghi trước đây) để thay bằng một tổ hợp khác (dài dòng hơn) sẽ tốn rất nhiều công, nhiều của mà thực sự không giải quyết được vấn đề ngữ nghĩa (việc trình bày sẽ khó và ảnh hưởng tới tính thẩm mĩ). Đành rằng, Nghị định là điều cần phải tuân thủ, song chúng ta cũng đừng ngại thay đổi một nội dung trong Nghị định này cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là phù hợp với tâm thức của người bản ngữ và đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm, dành ngân sách cho các công việc từ thiện, giúp đỡ những người, những gia đình đã góp công trong các cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân ta.
Vậy theo ý tôi, chỉ cần bốn chữ “Liệt sĩ vô danh” là đáp ứng đầy đủ nội hàm của một tổ hợp định danh và vinh danh.
Dài dòng chắc gì đã hay
Tri ân giữa trái tim này, Nhân dân!
PGS - TS Phạm Văn Tình