Chữ và nghĩa: Ối làng nước ôi!
“Ối làng nước ôi!” (hoặc: “Ối làng nước ơi!”), đó là một phát ngôn ít khi gặp, nhưng cũng không phải là xa lạ trong giao tiếp hàng ngày. Cũng bởi đây là câu cửa miệng của bà con những vùng nông thôn khi xảy ra một sự việc động trời nào đó.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Chẳng hạn, ở một vùng làng quê nào đấy bỗng nhiên xảy ra một cơn hoả hoạn bất thường. “Nhất thủy nhì hỏa”. Nước lụt hay cháy nhà là hai thiên tai (hoặc nhân tai) đem lại rủi ro và thiệt hại nặng nề nhất (cả người và của). Làng xóm đang vắng vẻ (vì tất cả đổ ra đồng làm lụng) hay giữa đêm khuya khoắt (xóm giềng đang yên giấc ngủ say) mà nghe tiếng hét thất thanh “Ối/ Bớ làng nước ôi!” thì mọi người biết chắc là đã xảy ra sự cố gì rồi. Có thể là một đám cháy (cháy nhà, cháy bếp, cháy đống rơm…) của nhà ai đó (Ối làng nước ôi! Cháy nhà bà Tơn!).
Cũng có thể là một vụ xung đột dẫn đến tai nạn thương tâm, thậm chí chết người (Ối làng nước ôi! Con ông Thiên Lôi đâm lồi bụng vợ). Cũng có thể là tiếng kêu than trước nỗi đau tột cùng của ai đó trước một rủi ro quá lớn, bất đồ giáng xuống (Tiếng kêu làng thất thanh của chị Dậu (trong Tắt đèn) giữa đêm khuya khi chứng kiến cảnh chồng ngất đi vì kiệt sức vì đói, vì sốt, sau khi bị bọn cường hào bắt trói giữa đình)…
Chắc hẳn mọi người đều thống nhất cho rằng, đây chính là tiếng kêu cứu“bất bình thường” của ai đó đó ở giữa làng, giữa phố. Nó được thốt ra trong tâm trạng hoảng hốt, kinh hoàng và tuyệt vọng. Vấn đề là, tại sao người ta mà người ta lại không dùng tổ hợp “làng xóm”, “hàng phố” mà lại dùng “làng nước”?
Thực tế, hàng xóm láng giềng, bà con khối phố… là những người gần gũi hơn chứ. Hàng xóm láng giềng chính là những người trong cộng đồng dân sinh gắn bó với nhau: trong ăn ở, trong lao động, trong mọi hoạt động, sinh hoạt văn hoá và tinh thần (vui chơi, hội hè, thăm hỏi, tín ngưỡng…). Họ là những người “tối lửa tắt đèn” có nhau. Thứ nhất cận thân, thứ nhì cận lân. Vậy thì khi xảy ra sự cố, người gặp nạn phải hô gọi chính những người “vừa cận thân vừa cận lân” này chứ? Còn những người “trong một nước phải thương nhau cùng” thì ở xa hơn. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, “nước xa sao cứu được lửa gần” thì gọi “nước” phỏng có ích gì?
- Chữ và nghĩa: Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng
- Chữ và nghĩa: 'Sáng tai họ, điếc tai cày'
- Chữ và nghĩa: Tháng Bảy mưa gãy cành trám
Ở đây rõ ràng có vấn đề liên quan tới hành động ngôn từ.
Bởi “làng” là cộng đồng nhỏ, cộng đồng hiện hữu. Còn “nước” chỉ cộng đồng lớn, cộng đồng không hiện hữu. “Nước” là một khái niệm rất rộng, mang tính trừu tượng. “Nước” là từ chỉ “vùng đất trong đó có những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị”. Nói cách khác, đó là một quốc gia. Vậy người ta ghép hai từ “làng + nước” là đã “nâng tầm sự kiện”, coi chuyện đang xảy ra là lớn, rất lớn. Tính cấp bách của sự tình đặt người nói phải viện dẫn tới một cộng đồng lớn (làng nước), vượt qua “lũy tre làng” (là những người chung làng, chung xóm) để làm tăng tính nghiêm trọng của sự cố. Chẳng hạn, khi xảy ra một đám cháy lớn, có nguy cơ lan toả, hay đoạn đê bối hiểm yếu gần thôn làng bị vỡ vì lũ lớn, thì việc cứu nguy không chỉ là những ai trong xóm trong làng, mà rộng hơn, cần những cộng đồng làng xã bên cạnh cùng chung tay giúp sức mới làm việc. “Việc làng” nhiều khi gắn liền với “việc nước”.
Đầu tiên là chuyện “tại gia”
Sau thành “làng xóm”, rồi ra đất trời
PGS-TS Phạm Văn Tình