Chữ và nghĩa: Đi bão - 'Bão' từ đâu thế?
(Thethaovanhoa.vn) - “Đi bão” (hay “bão đêm”) một tổ hợp từ chắc chắn chưa có trong Từ điển tiếng Việt. Tôi đã liên lạc với Trung tâm Từ điển học và biết rằng từ này “chưa có nội dung định nghĩa và đang cân nhắc để sắp tới có thể đưa vào danh sách từ mới tiếng Việt”.
Nhưng “đi bão” đang là một từ rất “hot”. Nó đã (và đang) xuất hiện dày đặc trong giao tiếp tiếng Việt bây giờ.
Tôi thử vào Google gõ thử. Chỉ trong chưa đầy 1 giây, từ “đi bão” đã có 1.130.178 kết quả. Từ “bão đêm” còn cao hơn: 4.379.415 kết quả. Rõ ràng, hai từ này đang giữ kỷ lục về tần suất sử dụng hiện nay.
“Bão” trong tiếng Việt là một từ quen thuộc, vốn có nghĩa chỉ “gió xoáy ở phạm vi rộng trong một vùng có áp suất không khí giảm xuống rất thấp, thường phát sinh từ biển khơi, có sức phá hoại dữ dội do gió lớn, mưa to” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017). Năm nào mà Việt Nam chẳng đón trên dưới mười cơn bão lớn nhỏ. Mỗi lần nghe đài hay tivi báo “Tin bão khẩn cấp” là ai nấy đều lo mọi nhẽ. Những cơn bão từ Biển Đông (như Chanchu, Xangsane, 2006; Hải Yến, 2013…) đã tràn vào Việt Nam và để lại hậu quả vô cùng tàn khốc.
Bão đáng sợ như vậy mà người ta lại “đi bão”, “đón bão” vô cùng hào hứng mới lạ chứ. Những từ này ra đời phản ánh một hiện tượng lạ thường trong đời sống hôm nay.
Các từ này chỉ một hiện tượng, một phong trào xuống đường ăn mừng tự phát (thường chỉ về đêm) trên các tuyến phố của các thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ dòng 9X (và bây giờ là 2K) trẻ trung, hăng hái, sành điệu. Đi bão ban đầu bắt nguồn từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM rồi nhanh chóng lan ra nhiều thành phố và các khu đô thị khác.
Lý do “đi bão” thì chủ yếu là từ chiến thắng của các trận bóng đá mà Việt Nam tham gia trong khu vực ASEAN hoặc rộng hơn là tầm châu lục. Thế giới phải kinh ngạc về sự hâm mộ bóng đá của người dân Việt Nam.
Cứ mỗi khi “đội ta” giành thắng lợi “ngoạn mục” sau một trận cầu nảy lửa, kịch tính đến nghẹt thở là gần như nhiều người (chủ yếu là giới trẻ) lập tức xuống đường. Phương tiện thì bất kể: Xe đạp, xe máy, ô tô, nhưng phổ biến nhất là xe máy đủ loại. Trang phục và trang bị kèm theo cũng rất đa dạng. Đa số mặc áo phông màu đỏ, đầu quấn băng đỏ (in cờ đỏ sao vàng và ghi “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam chiến thắng”). Người ngồi sau tay phất cờ Tổ quốc, miệng không ngớt hò hét hát ca hoặc thổi kèn vuvuzela inh ỏi.
Đường phố nhanh chóng được nhuộm một màu đỏ rực, trở nên huyên náo và chật chội tới mức gần như không thể động cựa. Mặc, đoàn xe cứ tuần tự tiến theo một hướng đi bất định (vòng quanh Hồ Gươm hay diễu hành dọc các tuyến phố lớn ở Hà Nội và TP.HCM). Cũng có một số thanh niên đua xe, phóng bạt mạng, nẹt pô ầm ĩ. Nhưng những trò đó khó thực hiện do lượng người và xe quá đông và cũng dễ bị công an ngăn chặn.
Khi người dân “đi bão” thì thật không gì cản nổi. Lực lượng đảm bảo giao thông chỉ có thể can thiệp đôi chỗ (hướng luồng xe đi để tránh va chạm), còn đa số chịu bó tay, chôn chân đứng nhìn. Cũng bởi dòng người bất tận kia đang thể hiện một trạng thái cảm xúc thăng hoa đến độ vô cùng mãnh liệt. Âu cũng là một nhu cầu giải tỏa cảm xúc. Vui thì vui thực nhưng hậu quả cũng vô cùng đáng tiếc. Cứ sau một “cơn bão” (gần đây nhất là SEA Games 30 tại Philippines, sau các trận cầu nảy lửa với Indonesia, Thái Lan ở vòng loại, đặc biệt là sau trận chung kết tối 10/12/2019, đội Việt Nam đoạt Huy chương Vàng lịch sử) là các bệnh viện lại quá tải vì những ca cấp cứu do tai nạn giao thông.
Bão “địa sinh” trên đất liền có khi còn đáng sợ hơn nhiều so với những cơn bão “hải sinh” từ biển khơi.
Đi bão chẳng thấy bão đâu
Chỉ rừng cờ đỏ trên đầu cứ bay…
PGS - TS Phạm Văn Tình