Chờ gì ở hàng rong?
(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc triển lãm thú vị về những gánh hàng rong Hà Nội đầu thế kỷ XX vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền) vào cuối tuần trước.
Ở cuộc triển lãm ấy, người xem được chiêm ngưỡng các bức kí họa về hàng rong của 15 sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương xưa. Chưa hết, cũng về hàng rong, bên cạnh những kí họa ấy còn là các bức ảnh tư liệu cũ và những tiếng rao được tái hiện qua hệ thống âm thanh.
Như một lát cắt từ quá khứ, những gì được trưng bày khiến chúng ta bồi hồi - và phần nào, quên luôn chút... định kiến với 2 chữ “hàng rong” của cuộc sống hiện tại.
Hà Nội là đất Kẻ Chợ, các gánh hàng rong tất nhiên phải có từ rất sớm. Và suốt theo chiều dài lịch sử, trong những ghi chép về Hà Nội, những gánh hàng rong cũng thường lọt vào “mắt xanh” của người nước ngoài. Chẳng hạn, trong “Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” xuất bản vào thế kỷ 17, tác giả Samuel Baron (Hà Lan) từng nhắc tới một chi tiết thú vị: Thăng Long có nhiều chợ nhưng cũng có rất nhiều gánh hàng rong bán những mặt hàng do chính mình làm ra. Bởi, do không phải cư dân nơi đây, họ không thể mở cửa hàng ở các phường nghề.
Hoặc, viết bởi một tác giả người Pháp - Edmond Nordemann-cuốn “Quảng tập viên văn” (Chrestomathie Anamite, xuất bản ở Paris năm 1898) còn tỉ mẩn liệt kê tới 31 loại hàng rong thông qua tiếng rao như cá biển, bánh, hàn xoong nồi, vá võng, thu mua đồng nát...
Đó là ấn tượng từ con mắt của những người nước ngoài. Còn với góc nhìn của người Việt, (đặc biệt là thế hệ trung niên đổ lại) dám chắc, ai cũng có thể giữ cho mình những kỷ niệm và hình ảnh rất đẹp về hàng rong và tiếng rao hàng đặc trưng. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, chúng ta có thể gặp vô vàn ví dụ cho điều ấy.
***
Chẳng có gì lạ: khi đã hình thành và gắn với sự phát triển của đô thị trong nhiều thế kỷ, hàng rong và tiếng rao gắn với nó mặc nhiên đã trở thành di sản lưu giữ một phần ký ức của thành phố. Và khi nhìn bằng đôi mắt hoài cổ, những gánh hàng ấy lại càng đẹp hơn, bởi chúng không gắn với sự lộn xộn, bát nháo như bây giờ.
Nhắc tới sự bát nháo, lộn xộn ấy, tất nhiên chúng ta sẽ nghĩ tới câu chuyện lặp đi lặp lại về những gánh hàng rong chèo kéo, quấy rối du khách để bán hàng (thậm chí là cho mượn gánh hàng để chụp ảnh với giá siêu đắt). Nhưng, đó chỉ là câu chuyện về những người bán hàng bị tha hóa trong thời buổi hội nhập.
Xa hơn, về bản chất, hàng rong - sản phẩm của một giai đoạn phát triển đô thị và kinh tế trong quá khứ - đã bộc lộ những mâu thuẫn với mô hình hoạt động của một thành phố đang chuyển mình theo hướng hiện đại.
Điển hình, ở góc độ vận hành giao thông, những gánh hàng rong ấy đã nhiều lần bị “chỉ mặt” khi bịt kín luồng giao thông cơ giới dưới lòng đường hoặc chiếm dụng không gian đi bộ tại vỉa hè. Rồi, về mặt kinh tế, hàng rong là khởi nguồn cho sự cạnh tranh không công bằng về giá cả và điều kiện đảm bảo chất lượng (so với các cửa hàng, quán ăn đang hoạt động nghiêm chỉnh theo những quy định hiện hành).
Là mô hình của quá khứ, tất nhiên hàng rong cũng sẽ phải tới lúc phải biến đổi để thích nghi với xã hội hiện đại. Và, giống như trên lý thuyết bảo tồn, muốn giữ lại những nét tinh hoa của di sản ấy, chúng ta cần tạo dựng những môi trường đặc thù để hàng rong có thể vận hành theo những quy luật của mình.
“Mở cửa cho hàng rong vào phục vụ tại những khu vực như phố đi bộ Hồ Gươm, thậm chí xa hơn là thành lập những “phố hàng rong” đặc thù kèm theo sự quản lý về chất lượng sản phẩm, điều kiện vệ sinh, văn hóa bán hàng và trang phục truyền thống - đó là những giải pháp đã được nhắc tới tại Hà Nội.
Những giải pháp ấy, nếu thực hiện thành công, sẽ giúp giữ lại phần nào nét đẹp vốn có của “văn hóa hàng rong” khi xưa, cho dù đó không còn là thứ hàng rong của quá khứ từng làm ta xúc động tại triển lãm vừa rồi.
Giống như tiếng rao rất lãng mạn của những gánh hàng khi xưa bây giờ đôi khi chỉ cất lên để... làm duyên, còn phần lớn đã bị đẩy lùi bởi những chiếc loa điện. Muốn hay không, đó là sự thực.
Cúc Đường