Chào tuần mới: "Dòng chảy" Giáng sinh
Chúng ta bước sang một tuần mới đúng vào thời điểm lễ Giáng sinh (Noel) của năm 2024 đã rất gần. Và thực tế, từ nhiều ngày qua, đường phố tại các đô thị lớn cũng đã rộn rã sắc màu Noel.
Đó là màu xanh của những cây thông có treo chuông bạc - biểu trưng lớn nhất của lễ hội này. Là màu đỏ từ trang phục của những ông già Noel đang xuôi ngược với túi quà trên vai. Là màu trắng của bông tuyết nhân tạo, cũng như những gam màu sặc sỡ của đủ loại quà tặng khác.
Nhìn vào những gam màu đa dạng đang "phủ kín" đường phố và mạng xã hội những ngày này, hẳn chẳng ai còn băn khoăn rằng, tại sao giới trẻ lại hào hứng đến vậy trước một lễ hội vốn phổ biến ở phương Tây này...
Thực tế, theo những tư liệu cũ, lễ Giáng sinh đầu tiên tại Việt Nam đã từng được tổ chức vào năm 1643 (ở quy mô nhỏ) bởi vợ thứ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là Vương Thái phi, vốn cũng là một tín đồ Công giáo. Thế nhưng, trong rất nhiều năm sau đó, do những điều kiện đặc thù của lịch sử và xã hội, lễ hội này vẫn chưa thực sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Theo ghi chép của nhà văn hóa Hữu Ngọc, vào giai đoạn trước 1945, khi nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam theo người Pháp, lễ Giáng sinh ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn cũng chỉ thu hút sự quan tâm của một số ít dân lương (không theo đạo). Phần lớn họ là những người thuộc tầng lớp tư sản hoặc trí thức, coi Noel là một dịp lễ hội vui chơi để tới thăm nhà thờ, dạo phố hoặc tụ họp tại các quán cà phê.
Tính ra, phải tới thập niên 1990, khi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh xu thế hội nhập, lễ Noel mới thật sự trở thành một ngày hội có tính chất quần chúng rộng rãi - mà người tham dự hào hứng nhất tất nhiên vẫn là giới trẻ.
Như trí nhớ của người viết, khi ấy chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để tặng quà nhau (và nhận quà) kèm theo những lời chúc trong mùa Giáng sinh, và những dịch vụ, hàng quán trong dịp này cũng chưa nở rộ. Đêm Noel khi ấy, "hoạt động chính" của thanh niên vẫn là đi dạo tại các điểm nhà thờ để xem làm lễ, kèm theo việc đi uống cà phê và trò chuyện cùng nhau. Và như lời chia sẻ của một số người, do những đặc trưng riêng, lễ Noel tại TP.HCM khi đó luôn sôi động và đa màu sắc hơn Hà Nội…
***
Còn bây giờ, lễ Noel ở Hà Nội cũng sôi động, náo nhiệt chẳng kém TP.HCM. Thậm chí, những du khách từ phía Nam có mặt tại Thủ đô trong dịp này còn thêm hào hứng bởi cái lạnh đặc trưng của miền Bắc - vốn dĩ rất gần với cái lạnh trong cảnh tuyết trắng mùa Noel như chúng ta tưởng tượng.
Và không chỉ ở 2 đô thị này, không khí của lễ Giáng sinh đã "thấm đẫm" ở nhiều nơi tại Việt Nam. Ở đó, tùy theo điều kiện, mỗi người có thể đón Giáng sinh theo cách của mình - mà đôi khi chỉ đơn giản là sự đầm ấm cạnh gia đình, bè bạn khi hướng về một ngày đáng nhớ.
Đó không chỉ là hệ quả của sự phát triển kinh tế hoặc giao lưu văn hóa. Những gì đang diễn ra đến từ sự cởi mở của chúng ta trong truyền thống "Việt hóa" các yếu tố văn hóa du nhập - và ở một góc độ khác, còn là sự tương đồng của lễ Giáng sinh với những ngày lễ Tết quan trọng của phương Đông, khi các mối liên hệ giữa con người với con người được đề cao. Tại đó, những giá trị ấm áp của sự yêu thương được chia sẻ giữa người lớn với trẻ nhỏ, giữa các thành viên ruột thịt trong gia đình - và có cả những lời kêu gọi hướng tới những cá nhân cô đơn, yếu đuối cộng đồng, trong xã hội.
Khi công nghệ phát triển và làm thế giới "hẹp lại", ngày lễ Noel đã không còn là của riêng những người theo đạo, hay của một nền văn hóa nào. Điều ấy cũng đúng với Việt Nam và có thể thấy rõ trong dòng chảy thời gian qua mỗi mùa Giáng sinh…