Chào tuần mới: Dịch vụ 'chặt chém'
Mấy tuần nay được xem là cao điểm mùa du lịch Hè. Những con số đã thể hiện điều đó: trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 600 ngàn lượt người, tăng gần gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tất nhiên, con số đó vẫn chưa bắt kịp cùng kỳ năm 2019, lúc chưa xảy ra dịch Covid-19.
Nhưng tuần qua cũng chứng kiến một thách thức không nhỏ trên lĩnh vực du lịch, bên cạnh sự cố thời tiết gây ảnh hưởng đến du khách tới Phú Quốc.
Một câu chuyện xảy ra hôm thứ Hai đầu tuần qua: Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thanh tra liên ngành vừa xử phạt hành chính một nữ tài xế xe taxi, sau khi tài xế này có hành vi “chặt chém” khách du lịch tại Hà Nội vào đầu tháng Bảy. Với quãng đường chừng hơn 5km từ hồ Hoàn Kiếm đến Times City, nữ tài xế này đã thu của du khách 400 ngàn đồng.
Những câu chuyện về cách làm dịch vụ du lịch kiểu như thế này hầu như năm nào chả có. Thử vào Google gõ từ khóa “dịch vụ du lịch chặt chém”, sẽ có ngay khoảng 1.600.000 kết quả sau 0,38 giây.
Cá nhân tôi may mắn được trải nghiệm nhiều cách làm dịch vụ hay. Một lần vào TP.HCM công tác, sau khi ăn nhậu buổi tối, tôi được bạn chở xe máy xuống khu phố người Hoa ăn món mì vịt tiềm thuốc Bắc. Bạn đưa tôi vào một quán hàng ăn diện tích vừa phải, kê chừng năm, bảy dãy bàn. Nhân viên quán đứng cửa cúi chào, mời chúng tôi vào bàn, gọi món. Khi chúng tôi còn chưa kịp ngồi, đã thấy ông chủ quán cầm một chiếc khăn lau mới chạy ra ngăn chúng tôi lại.
Mặc dù mặt bàn và ghế ngồi rất sạch, nhưng ông vẫn nhẹ nhàng lau đi lau lại 2 - 3 lần, sau đấy mới kéo ghế mời chúng tôi ngồi. Rồi tôi thấy ông gọi lớn tiếng vào trong, hô nhân viên khẩn trương bê đồ ăn ra cho khách, lại còn dặn với theo là nhớ cầm mấy quả ớt tươi, chai tương... Khi ăn xong ra về, tôi thấy cả chủ quán và nhân viên đứng cửa cúi chào, hẹn khách hàng lần sau vào đây nhớ ghé quán.
Thấy tôi tỏ vẻ thích thú với cách làm dịch vụ này, bạn tôi chia sẻ rằng đấy là họ “diễn” thôi. Dầu vậy, được phục vụ như thế quả thật ai cũng thấy... sướng, nhất là khi mình cũng chỉ là một khách hàng bình dân.
Còn nhớ cách đây vài năm, tại cuộc Hội thảo Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, rất nhiều đại biểu đã khẳng định cần phải phát triển du lịch gắn với làng nghề, phát triển nền công nghiệp không khói với tiêu chí: Vào sâu - ở lâu - ra chậm. Ba hành động trong tiêu chí này tạo thành chuỗi hành vi, có liên quan mật thiết với nhau. Hiểu đơn giản là cần tạo thêm nhiều điểm du lịch, nhiều vùng du lịch, nhiều loại hình du lịch, nhưng cùng với đó, chúng ta cũng phải cung cấp các loại hình dịch vụ chất lượng, người kinh doanh dịch vụ phải có thái độ phục vụ thân thiện, hiếu khách. Từ đó giữ được du khách ở lại tham quan lâu ngày.
- Xử phạt, yêu cầu lái xe taxi xin lỗi khách du lịch nước ngoài do thu tiền quá quy định
- Du lịch hè 2022 vào mùa cao điểm đi tour
- Nha Trang: Tạm dừng du lịch lặn biển ở khu bảo tồn biển Hòn Mun
Nói về thái độ phục vụ, tôi nhớ hồi học tiếng Anh, từ dịch vụ (service) có nhiều nghĩa như: sự phục vụ, hầu hạ ai đó, sự giúp đỡ hoặc chỉ dẫn cho ai đó việc gì. Nhưng từ “service” trong một số môn thể thao (môn bóng chuyền, bóng bàn, tennis) thì nghĩa của nó là giao bóng, phát bóng.
Có vẻ như tại nước ta, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thích hiểu từ dịch vụ (service) này theo nghĩa là “quyền phát bóng” như trong mấy môn thể thao trên. Chỉ có điều, trong khi những vận động viên phải luyện tập, tìm cách giao bóng (service) càng khó càng tốt hòng ghi điểm thì những ai làm dịch vụ theo cách này chắc chắn là... sẽ mất điểm, mất khách, thậm chí có nguy cơ mất luôn cả nghề. Bằng chứng là trong câu chuyện ở trên, nữ tài xế taxi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt số tiền 13 triệu 500 ngàn đồng, tạm giữ xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Quốc Khánh