Ca khúc 'River' của Joni Mitchell: Giáng sinh xanh cho những kẻ cô đơn
Joni Mitchell từng đùa rằng sẽ viết một ca khúc có tên Have Yourself A Morbid Little Christmas (Hãy để mình có một giáng sinh nho nhỏ hao gầy, nhại theo Have Yourself A Merry Little Christmas). Tất nhiên, bà đã không làm chuyện thô thiển đó.
Nhưng sẽ chẳng có giai điệu ngày lễ nào cô đơn và khắc nghiệt nào cho bằng River, nằm trong album kinh điển năm 1971 Blue của chính Mitchell, khi màu xanh cây lá bỗng trở nên lạnh lẽo trước màu trắng tuyết rơi.
Giáng sinh xanh
Nhiều năm trước, Ball, một ca sĩ, diễn viên người Anh, đang xem một buổi biểu diễn nhạc Giáng sinh truyền thống tại một trường kịch ở London thì giật mình khi các nam thanh nữ tú bất ngờ hát River của Joni Mitchell. “Tôi đã nghĩ: Cái này tự nhiên ở đâu ra vậy?” – Ball nhớ lại.
Bất chấp River mở đầu bằng giai điệu Jingle Bells ở giọng thứ và ca từ bắt đầu với quang cảnh thanh bình ngày lễ: “Giáng sinh đang tới gần, họ đốn hạ những cái cây/ Họ đặt lên tuần lộc, hát những ca khúc về niềm vui và hòa bình”, đến cuối cùng, Giáng sinh chỉ là quãng thời gian tình cờ trôi tới và trở thành phông nền bi tráng cho chủ đề thật sự của ca khúc.
Chủ đề đó là về một người phụ nữ đang đau đớn khi mất đi “người yêu tuyệt vời nhất em từng có”. Mitchell – người phụ nữ đó – lặp lại không ngớt khao khát có một dòng sông để có thể trượt đi. Một dòng sông đủ dài để bà tập cho đôi chân mình biết bay, để chạy khỏi cảnh điên rồ này trong lời chào tạm biệt của người yêu dấu. Thế nhưng, nơi đây không có tuyết cho dòng sông băng đó, trời đất vẫn một màu xanh nghiệt ngã.
Ball có lẽ phải tự hỏi lại bản thân mình cùng câu hỏi nhiều năm trước khi vào năm 2000, anh thu âm chính River cho album ngày lễ, Christmas. Khi đó, anh nghĩ mình đã lập nên kỳ công khi đặt ca khúc ở cạnh những nhạc phẩm Giáng sinh kinh điển như Silent Night và Have Yourself A Merry Little Christmas. Thế nhưng, hóa ra, trong hơn 2 thập kỷ qua, vô vàn nghệ sĩ khác đã mơ về một Giáng sinh vô cùng xanh đó. Theo thời gian, kiệt tác u uất River dần trở thành giai điệu được yêu thích vào mùa lễ, bất chấp nó “hoàn toàn chán nản” - như trưởng nhóm Elbow là Guy Garvey lưu ý trong hòa nhạc Giáng sinh 2009.
Theo trang điện tử của Mitchell, River tới nay đã có 868 bản cover, được mến mộ thứ hai trong các ca khúc của Mitchell, chỉ sau Both Sides Now với 1.534 bản. Trong đó, bản cover năm 2019 của Ellie Goulding leo lên tới No.1 tại Anh.
Điều gì khiến một ca khúc từ “phản” Giáng sinh lại trở thành chính thống và được yêu thích rộng rãi như vậy?
Bởi cũng giống như một đồng xu, Giáng sinh có thể hiện lên ở hai mặt rất khác nhau. River được yêu thích bởi nó ra đời như liều thuốc giải cho tất cả “những ca khúc về niềm vui và hòa bình”. Chính không khí hân hoan và sum họp trong khung cửa sổ Giáng sinh lại càng nhấn mạnh hình ảnh tối tăm của cô bé bán diêm. “Chúng ta cần một ca khúc Giáng sinh buồn, chẳng phải vậy sao?” – Mitchell khúc khích cười khi trả lời phỏng vấn năm 2014 – “Theo một cách hết sức Bah humbug (*)”.
Giáng sinh xanh lạnh lẽo trong “River”:
Ruồng bỏ tình yêu
Từ Blue Christmas của Elvis tới Christmas Card From A Hooker In Minneapolis của Tom Waits hay Fairytale Of New York của The Pogues, không ít những ca khúc đã dám buồn trong một ngày vui, bởi thực tế là như vậy. Luôn có những người mà ngày lễ với họ là khoảng thời gian đau buồn, cô độc nhất. Những kim tuyến, yêu tinh và bít tất, sao bằng được một lời thủ thỉ về nỗi buồn Giáng sinh. “Đây là ca khúc Giáng sinh cho những người cô đơn trong đêm Giáng sinh” – đúng như Mitchell nói về River.
Và River đặc biệt đi vào lòng người như vậy chắc chắn không phải chỉ nhờ tài năng âm nhạc và triết lý của Mitchell mà bởi nó thật sự là nỗi lòng rớm máu của bà trước một cuộc tình tàn phai.
Mitchell chủ tâm mở đầu ca khúc bằng giai điệu Jingle Bells, gần như một hình thức lấy sample (mẫu), vì thời điểm bà viết ca khúc đúng là gần Giáng sinh. Phần phía sau, đó là về ca sĩ - nhạc sĩ Graham Nash.
Hơn 40 năm sau khi chia tay, nhạc sĩ Graham Nash vẫn còn nhớ như in lần đầu gặp Mitchell. Đó là ở Canada năm 1967, khi ban nhạc The Hollies của ông đang biểu diễn ở đó còn Mitchell chơi cho một câu lạc bộ địa phương. Ở bữa tiệc sau buổi diễn, ngay khi bước vào phòng, Nash đã để ý thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi với có lẽ là một cuốn kinh thánh lớn trên đầu gối. Khi ông đang ngẩn ra nhìn cô gái thì quản lý Robin Britten bước tới thì thầm vào tai ông. Ông yêu cầu người quản lý im lặng trước khi nhận ra Britten đang cố nói rằng cô gái đó muốn gặp ông. Đầu năm đó, David Crosby cũng nói với Nash rằng nếu có cơ hội, hãy gặp Joni Mitchell.
“Joni và tôi tâm đầu ý hợp ngay lập tức. Tôi cuối cùng đã tới phòng cô ở The Chateau Laurier và cô mê muội tôi bằng 15 hay cỡ đó những ca khúc đáng kinh ngạc nhất mà tôi từng được nghe. Hiển nhiên là tôi đã phải lòng ngay lúc đó. Cô ấy chạm vào trái tim và tâm hồn tôi theo cách chúng chưa bao giờ được chạm vào trước đây” – Nash bồi hồi nhớ lại.
Hai năm sau, họ gặp lại nhau và nhanh chóng chuyển về sống chung trong căn nhà của Mitchell ở Laurel Canyon, Los Angeles. Tình yêu của họ thật đẹp. Hai nhạc sĩ chơi chung cây đàn dương cầm trong phòng khách khi viết những ca khúc của họ. Graham viết Our House về ngôi nhà chung hạnh phúc và Mitchell đáp lại bằng Willy (biệt danh cô gọi Graham). Nhưng chính khi Mitchell đang viết những ca khúc rồi sẽ trở thành album bất hủ Blue, bà bỗng nhớ lại một câu chuyện xưa cũ. Đó là về bà của Mitchell, cũng là một người yêu sáng tạo như cháu gái. Nhưng trong thời xưa, người bà đã phải dẹp lại mơ ước để làm vợ, làm mẹ, nướng bánh và chăm sóc đàn con; ở nhà cả ngày khi chồng đi làm và hoàn toàn mất cơ hội biểu lộ mình trong nghệ thuật.
Mitchell kể lại với Nash rằng bà đã đá vào cửa trong hằn học vì thất vọng. “Tôi tin rằng đâu đó trong tâm trí của Joni, cô nghĩ tôi cũng sẽ yêu cầu cô làm vậy. Thật sai vô cùng. Kẻ nào có não lại nói với Joni Mitchell: Sao cô không đơn giản là đi nấu ăn đi?” – Nash kể.
- Ca khúc 'A Case Of You' của Joni Mitchell: Một thùng rượu thánh tình yêu
- Ca khúc 'Woodstock' của Joni Mitchell: 'Đưa chúng ta trở lại khu vườn'
- 'Both Sides, Now' của Joni Mitchell: Nhìn thấy đám mây từ cả hai phía
Nhưng nỗi hoài nghi một khi đã nảy mầm thì bén rễ và lớn nhanh như thổi. Dù đã cởi mở nói về hôn nhân nhưng dường như Mitchell vẫn hãi hùng và do đó, một mình chạy tới châu Âu. Bà đã ghi lại cuộc tranh đấu này trong River: “Anh ấy đã cố giúp tôi, cho tôi cảm giác thanh thản” nhưng cuối cùng “Tôi không thể chịu nổi/Tôi ích kỷ và buồn bã/ Giờ tôi bỏ chạy và mất đi người yêu tuyệt vời nhất”. Khi ở Crete, bà đánh điện cho Nash, nói rằng chuyện tình của họ đến đây là chấm dứt. Giáng sinh xanh đã ra đời như vậy, trong bi kịch lón nhất của tình yêu, khi một người phải ruồng bỏ tình yêu vào giữa lúc yêu nhất.
(*) “Bah humbug” là câu nổi tiếng của Ebenezer Scrooge – nhân vật trong truyện A Chritmas Carol của Charles Dickens. Câu nói dùng để bày tỏ sự chán ghét với Giáng sinh, không chỉ bởi nó làm gián đoạn việc làm ăn mà bởi khoảng thời gian hạnh phúc này càng nhấn mạnh cuộc sống không hạnh phúc của nhân vật.
Tình yêu của hai thiên tài âm nhạc Joni Mitchell và Nash Graham Phải mất một thời gian Graham Nash mới có thể nghe lại Blue bởi ông là một phần trong nó, nhất là trong River. “Khi Joni và tôi chia tay, cả hai đều biết sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đều yêu nhau vô vàn. Phải mất vài năm để lấy lại tinh thần. Thật đau đớn” – Nash nói. River được tạp chí Rolling Stone bình chọn vào danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Tình yêu của hai thiên tài âm nhạc Joni Mitchell và Nash Graham đã bất hủ trong ca khúc. Ngoài đời, dù tình yêu chẳng thể nở lại lần nữa, giữa họ vẫn luôn là sự trân trọng đẹp đẽ dành cho nhau. Ngày 7/11/2018, Mitchell đã tới tham dự hòa nhạc Joni 75: A Birthday Celebration mừng sinh nhật bà ở Los Angeles. Tại đây, Graham Nash đã hát tặng bà ca khúc một thời xa xưa hạnh phúc ông viết tặng bà là Our House: “Giờ hãy tới bên anh/ Ngả đầu em vào dẫu chỉ năm phút/ Mọi thứ đã qua rồi… Cuộc sống đã từng khốn khó/ Giờ mọi thứ thật thanh thản vì em/Và vì chúng ta”. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)