Ca khúc 'Woodstock' của Joni Mitchell: 'Đưa chúng ta trở lại khu vườn'
(Thethaovanhoa.vn) - Đây là câu chuyện thường xuyên được các thế hệ yêu nhạc rock kể lại cho nhau nghe như một huyền thoại nhưng vẫn luôn là cổ tích hấp dẫn và xúc động: Joni Mitchell đã viết nên “thánh ca” cho lễ hội biểu tượng cho tư tưởng mới như thế nào, dù cô thậm chí không có mặt ở đó.
1. Woodstock, với ca từ “đưa chúng ta trở lại khu vườn” và mãi là một ca khúc về hy vọng và niềm tin, phản ánh ước mơ của một thế hệ về thế giới tốt đẹp hơn.
Vào mùa Hè năm 1969, với tham vọng muốn xem thế hệ trẻ, những người đang bắt đầu đứng lên chịu trách nhiệm về thế giới, có thể đoàn kết đứng dưới cùng một tư tưởng mới tươi đẹp không giữa bối cảnh thế giới bất ổn, Hội chợ Âm nhạc và Nghệ thuật Woodstock xuất hiện, dự kiếndiễn ra trong ba ngày 15-17/8/1969 để tôn vinh hòa bình, nghệ thuật, âm nhạc, tình bằng hữu và những đóa hoa cài trên tóc.
Nhưng những điều ngoài dự kiến của nhà tổ chức đã diễnra,đã có hơn 400.000 người đổ tới trang trại của Max Yasgur dẫn tới sự luống cuống trong khâu hậu cần, và cơn mưa kéo dài bất tận khiến cánh đồng hóa bùn, tắc đường đến hết đường chân trời.
Tổng cộng 32 nghệ sĩ đã biểu diễn, trong đó có tất cả những tên tuổi lớn thời đó như Jimi Hendrix, Janis Joplin, Santana, Ten Years After, Joan Baez, Creedence Clearwater Revival và The Who.
Woodstock đã được đề cập tới rất nhiều lần trong những năm qua. Có hàng loạt phim, sách, album nhạc sống, thậm chí là vài lễ hội âm nhạc kỷ niệm. Nhưng có lẽ không ai nắm bắt được tinh thần của nó hơn một người thậm chí không tham gia lễ hội. Đó là Joni Mitchell.
Mùa Hè năm 1969 đó, Mitchell vẫn còn là cái tên khá mới mẻ trong giới âm nhạc. Album ra mắt của cô năm 1968 Songs To A Seagul chỉ mới hấp dẫn được một nhóm nhỏ khán giả, nhưng cũng đủ để đưa album lên vị trí thứ #189 trên BXH Billboard.
Mùa Xuân năm 1969, cô phát hành Clouds và gây được chú ý lớn hơn nhiều, chủ yếu nhờ Both Side Now do Judy Collins thể hiện nhưng là sáng tác của Mitchell. Thời điểm đó, cô nổi danh là một nhạc sĩ hơn là nhờ những bản thu do mình thể hiện - đồng nghiệp ca ngợi cô trên những trang nhạc rock non trẻ, còn các đài FM rock hào hứng phát nhạc của cô nhưng thành công thương mại quy mô lớn lại lảng tránh huyền thoại.
Clouds tìm được đường lên vị trí 31 nhưng Mitchell còn lâu mới trở thành vô tiền khoáng hậu, có ảnh hưởng sâu rộng như cô sẽ trở thành vào thập kỷ sau. Thực tế là, nữ nghệ sĩ gốc Canada, nhưng định cư ở Nam California, đã biểu diễn ở liên hoan pop Atlantic vào cuối tuần đầu tiên của tháng 8/1969 và rời sân khấu với nước mắt lã chã sau vài ca khúc, buồn rầu rằng chẳng ai trong đám đông dưới kia thật sự chú ý tới cô.
Mitchell đáng lẽ cũng sẽ biểu diễn tại Woodstock diễn ra hai tuần sau đó nhưng quản lý của cô, David Geffen, đã quyết định là cô sẽ không tham gia cùng các đồng nghiệp tại Bethel, New York, nơi Woodstock chính thức diễn ra. Mitchell được mời xuất hiện trên chương trình The Dick Cavett vào ngày sau lễ hội, và Geffen đã cân đo đong đếm rằng điều quan trọng hơn đối với một ca sĩ - nhạc sĩ là xuất hiện trên một chương trình truyền hình phổ biến chứ không phải là trên sân khấu của đám đông hippie, những người có thể cũng chẳng chú ý đến cô.
Thế là, Geffen và Mithchell đã “ở ẩn” trong phòng khách sạn tại New York, xem các bản tin về lễ hội, nơi những người bạn của họ là Crosby, Stills, Nash và Young đang biểu diễn trước hàng trăm triệu người yêu nhạc rock.
Sau lễ hội, Graham Nash, khi đó là người yêu của Joni Mitchell, đầy hào hứng chia sẻ chi tiết với bạn gái về Woodstock: cảm giác đây thật sự là một bước ngoặt, một thay đổi lớn, rằng đám đông là “nửa triệu người mạnh mẽ và khắp nơi là ca hát và ăn mừng”. Mitchell liền vớ lấy giấy bút và bắt đầu viếtca khúc Woodstock.
2. Chương trình The Dick Cavett cũng diễn ra tốt đẹp. Mitchell đã hát Chelsea Morning, Willy và For Free, cũng như phiên bản acappella của The Fiddle And The Drum. Stills, Crosby (nhưng không có Nash) và Jefferson Airplane cũng xuất hiện trên chương trình. Crosby đã miêu tả cảnh tượng của lễ hội như là một “ban nhạc của những người gypsy”.
Mitchell lần đầu thể hiện ca khúc Woodstock lại buổi biểu diễn ở lễ hội Big Sur Folk, một tháng sau Woodstock. Tiếp theo, cô ghi âm nó cho album tiếp theo Ladies Of The Canyon, như một lời tôn kính dành cho lễ hội cô chưa từng được xem. Crosby, Still, Nash và Young cũng thu âm ca khúc này trong album Déjà Vu đầu tiên của họ với tư cách bộ tứ (CSNY). Cả hai album đều phát hành vào tháng 3/1970, album của Mitchell lên được No.27 còn album của bộ tứ là No.1. Woodstock cũng trở thành hit của nhóm trên đài phát thanh và đĩa đơn đạt No.11 tại Mỹ.
Trong khi đó, ở Anh, nơi mà từ “Woodstock” cũng nhanh chóng được lan truyền, một ban nhạc có tên Matthews Southern Comfort, cũng tung phiên bản riêng ca khúc Woodstock, theo lối giống bản gốc của Mitchell hơn là hit của siêu nhóm CSNY. Một lựa chọn thông minh: phiên bản của họ lập tức đứng đầu nhiều BXH tại Anh, và thậm chí, lên tới No.23 ở Mỹ, sau hơn một năm rưỡi kể từ khi những người hippie tìm đường tới trang trại của Max Yasgur.
3. Mặc dù vào thời điểm năm 1969, Mitchell đã bỏ đạo từ lâu nhưng cô cảm thấy mình như “tín đồ Cơ đốc tái sinh” khi viết ca khúc Woodstock.
“Đột nhiên, với tư cách nghệ sĩ biểu diễn, chúng tôi được nhiều người đặt vào vị trí lãnh đạo và vì một lý do không rõ, tôi thấy cần phải nghiêm túc và quyết định xin chỉ dẫn và dựa vào Chúa” - Mitchell nhớ lại. “Phép màu thời hiện đại nằm ở đâu? Woodstock, vì vài lý do, gây ấn tượng cho tôi như nó là phép màu hiện đại. Một đám đông đồng lòng là điều đáng chú ý và mang tới lạc quan lớn lao. Tôi đã viết Woodstock trong dòng cảm xúc này”.
Thế nên, Woodstock đã mở đầu bằng: “Ồ, tôi đã gặp một đứa con của Chúa/ Anh ấy đang đi trên đường/ Tôi hỏi anh, này anh, anh đang đi đâu vậy/ Đây là điều anh nói với tôi/ Nói rằng, tôi đang đi tới trang trại của Yasgur/ Sẽ tham gia vào một ban nhạc rock and roll/ Trở về với đất và giải phóng tâm hồn mình”.Hình ảnh “đứa con của Chúa” được dựa theo sách của Matthew, trong đó viết: “Phúc cho ai mang tới hòa bình. Họ sẽ được gọi là những đứa con của Chúa”.
Và hòa bình, cũng như niềm tin, đã thật sự hé lộ qua từng câu hát và nở bừng qua hình ảnh máy bay ném bom trên bầu trời bỗng hóa những cánh bướm. Tất cả là nhờ vào thế hệ trẻ, những người đang trở lại với vườn địa đàng của những tư tưởng lớn lao.
Mitchell cũng tin rằng chính vì không có mặt ở Woodstock nên cô có được tầm nhìn bao quát hơn về lễ hội. “Tôi nằm trong số nhiều người bị ngăn không cho tới đó” - Mitchell nhắc về quyết định của Geffen. “Tôi là đứa trẻ khổ sở không được đi hội, thế nên, tôi đã viết từ góc nhìn của một đứa trẻ vẫn đang trên đường. Nếu tôi ở phòng đợi với tất cả những nhảm nhí hậu trường, tôi sẽ không có được góc nhìn đó”.
Không có gì vô lý trong suy nghĩ này bởi chính thế hệ ngày nay, những người chỉ được biết tới Woodstock một cách gián tiếp, cũng cảm nhận được tầm vóc của sự kiện.
Nghe “thánh ca” nhân mùa Woodstock 50 năm trước, cũng vào trung tuầntháng 8, lễ hội Woodstock đã diễn ra. Tuy năm nay, trái với kỳ vọng, không thể tổ chức sự kiện tái hiện lịch sử nhưng nghĩ về khoảnh khắc bước ngoặt khi những tư tưởng cao cả lên ngôi, người yêu nhạc vẫn xin nghiêng mình nhớ tới Woodstock và tất nhiên, không thể không nghe lại “thánh ca” của nó, ca khúc Woodstock của Joni Mitchell. |
Thư Vĩ (tổng hợp)