Ca khúc 'Livery Stable Blues': Những tranh cãi về bản thu nhạc jazz đầu tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 26/2/1917, ban nhạc Original Dixieland Jass (ODJB) đã thực hiện bản thu nhạc jazz đầu tiên trong lịch sử Livery Stable Blues cho hãng thu âm Victor. Các giám đốc điều hành Victor đã nhanh chóng phát hành bản thu và nó lập tức trở thành hit. Tuy vậy, quanh hit này là những chủ đề gây tranh cãi cho tới tận ngày nay, sau hơn 100 năm.
ODJB - nhóm nhạc gồm 5 nghệ sĩ da trắng tới từ New Orleans - thời điểm đó đã gây dựng được tiếng tăm khi chơi tại phòng trà Schiller ở Chicago và nhà hàng Reisenweber ở New York. Họ được biết tới là những người đưa phong cách nhạc New Orleans lên tầm quốc gia.
Bản thu lịch sử
Tất cả bắt đầu vào năm 1916 khi một nhà quảng bá từ Chicago (Illinois), dựa vào thành công đang có của Brown’s Band From Dixieland (ban nhạc của Brown tới từ miền Nam), muốn lập nên một nhóm mới để mang phong cách New Orleans tới Chicago. Bất chấp nhiều bất đồng (về tính cách, hợp đồng) khiến nhóm nhiều lần thay đổi nhân sự và đổi tên, ODJB vẫn rất thành công và nhận cát-xê cao hơn bình thường.
Khi lấn sang “địa bàn” New York, khác với nhiều nhóm nhạc New Orleans trước đó thường biểu diễn tạp kỹ, ODJB lại chơi cho mọi người nhảy và nhờ đó, trở thành nhóm nhạc “jass” đầu tiên có nhiều người hâm mộ ở New York.
Vì ngành công nghiệp thu âm Mỹ khi đó tập trung ở vùng Đông Bắc, chủ yếu ở New York và Camden (New Jersey) nên chỉ ít lâu sau khi ODJB đến và gặt hái thành công ở New York, vào ngày 29/1/1917, họ nhận được thư mời thử giọng từ hãng đĩa Columbia. Ngay ngày hôm sau, họ đã tới hãng để thu thử giai điệu Livery Stable Blues. Tuy nhiên, không có bản thu nào được sử dụng.
Lịch sử suýt nữa đã thay đổi nếu như ODJB không nhận được lời mời khác từ hãng đĩa Victor.
Ngày 26/2, họ lật trang sử mới cho nhạc jazz khi bấm thang máy lên tầng 12 của tòa nhà Victor Talking Machine Co. nằm trên đường 38th ở New York. Trang phục rất chỉnh tề như hình ảnh vốn có của nhóm nhạc da trắng: Áo sơ mi trắng gài cúc tới cổ, không cà vạt nhưng khoác ngoài là áo dạ tiệc đêm với ve áo sáng bóng.
Livery Stable Blues bị coi là khá… ngớ ngẩn và không được trình bày bằng những kỹ thuật đỉnh cao nhất. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của nó là khi chiếc clarinet bắt chước tiếng của một con gà trống, kèn cornet thì rên rỉ như một con ngựa còn trombone, ụm bò như một con bò. Nó không giống như khi The Beatles chơi trên chương trình của Ed Sullivan trong lần đầu tiên tới Mỹ. Nhưng đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử âm nhạc Mỹ, và hơn thế, cho cả thế giới nhạc jazz: Ca khúc lạ tai Livery Stable Blues của ODJB là bản thu nhạc jazz đầu tiên.
Bất ngờ, ngay sau khi phát hành, giai điệu đã gặt hái được thành công lớn, thậm chí được ghi nhận có thể là bản thu nhạc phổ thông đầu tiên bán được hơn 1 triệu bản. Tuy nhiên, hồ sơ sản xuất của Victor, chỉ có khoảng 250.983 bản được làm ra. Nhưng dù con số chính xác là gì, nó cũng mở ra con đường mới thênh thang hơn cho nhạc jazz. Nhạc jazz sẽ không bao giờ còn như trước nữa.
Livery Stable Blues đã đưa khái niệm jazz vốn trước đây chỉ bó hẹp trong một cộng đồng thành dòng nhạc được yêu thích khắp nước Mỹ và giờ đây được coi như “nhạc cổ điển của nước Mỹ”.
Tuy vậy, kèm theo những thành công choáng ngợp, những cái “đầu tiên” luôn kéo theo là nhiều tranh cãi.
Giai điệu “Livery Stables Blues” của ODJB, phát hành năm 1917:
Những tranh cãi muôn đời
Ngoài chuyện bản quyền Livery Stable Blues, vấn đề gây tranh cãi hơn cả, và kéo dài tới tận ngày nay nằm ở chính ODJB. Trong bài viết ở kỳ trước tại chuyên mục “Câu chuyện âm nhạc” trên Thể thao và Văn hóa, ta đã biết đến cuộc xung đột về bản thu đầu tiên của nhạc hip-hop do nó không tới từ các nghệ sĩ Bronx - cái nôi của nhạc hip-hop. Lần này, tranh cãi đẩy lên một tầm cao hơn: Sắc tộc và bản chất jazz.
Jazz là thể loại nhạc ra đời trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở New Orleans. Nó xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, và được phát triển từ cái gốc là nhạc blues và ragtime. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của jazz thuở ban đầu là ở tốc độ, năng lượng dạt dào của nó.
Từ năm 1860, trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã có từ lóng “jasm” để chỉ “năng lượng”. Ngày 14/11/1916, tờ New Orleans Times-Picayune lần đầu nhắc tới cụm “ban nhạc jas”. Từ “jas” này có thể tới từ “jasm” hoặc ý chỉ nước hoa hương nhài (jasmine) mà gái mại dâm ở khu đèn đỏ Storyville thường dùng và nhạc jazz vốn được phát triển, một phần, như là nhạc chơi ở các nhà thổ.
Người tiên phong trong nhạc jazz là Jelly Roll Morton đã sáng tạo phong cách chơi dương cầm riêng của mình khi nhìn trộm gái điếm và khách hàng qua lỗ nhòm rồi chơi nhạc phục vụ họ. “Jas” hay “Jass” do đó có thể là ám chỉ về một bộ phận nhạy cảm của phụ nữ. Thế nên, khi loại hình âm nhạc này trở nên có tiếng, truyền thông khá e dè khi nhắc tới từ “jass” và nói trại đi thành “jazz”. Bản thân ODJB, vài tháng sau khi phát hành Livery Stable Blues cũng đã đổi chữ “jass” trong tên mình thành “jazz” (còn khu đèn đỏ Storyville vì thế cũng bị đóng cửa).
Thế nhưng, chỉ vì có bản thu đầu tiên, Nick LaRocca - người sáng tác và chơi cornet của ODJB - nghiễm nhiên tự nhận mình là người phát minh nhạc jazz! Có người sẽ nói Elvis Presley hay Chuck Berry đã phát minh ra rock ‘n’ roll, hoặc DJ Kool Herc hay Grandmaster Flash đã tạo nên hip-hop. Thế nhưng, ở nhạc jazz, khó có thể quy về một hay một vài người. Nhất là khi Livery Stable Blues có cấu trúc 12 khuông với 3 hợp âm giống như hầu hết các bản blues trong nhạc truyền thống người Mỹ gốc Phi còn người đầu tiên cụ thể hóa jazz ra nốt nhạc là Morton.
“LaRocca trở thành kẻ phân biệt chủng tộc, đưa ra những tuyên bố khủng khiếp rằng người da trắng đã tạo ra nhạc jazz như thế nào, rằng họ đã đi trước người da đen ra sao, và hàng loạt những điều lỗ mãng - một bộ phim hoạt hình sáo rỗng của những kẻ mờ mắt miền Nam” - theo nhà sử học jazz Gary Giddins.
Không chỉ dính cáo buộc phân biệt chủng tộc và chiếm đoạt văn hóa người da đen, ODJB còn bị người hâm mộ jazz miền Nam chê bai vì trình độ chơi nhạc yếu kém và giai điệu như của người hát rong, thậm chí “không phải jazz”.
Những tranh luận của cả người trong và ngoài cuộc jazz vẫn kéo dài tới tận ngày nay. Như trong phim La La Land, kẻ mới chập chững vào nghề Mia (Emma Stone) tuyên bố “Tôi ghét jazz” còn dương cầm thủ jazz Sebastian (Ryan Gosling) thì luôn tự hỏi thế nào là jazz và thế nào không phải là jazz và tương lai sẽ ra sao khi “nó xung đột và nó thỏa hiệp, nó luôn mới và nó đang chết”.
Và rộng hơn, là tranh cãi về việc “tẩy trắng” nhạc của người da đen, như Elvis Presley hay Taylor Swift. Hoặc ngược lại, trong tranh cãi ồn ào nhất gần đây rằng Old Town Road của nghệ sĩ trẻ da đen Lil Nas X có được coi là nhạc đồng quê – vốn được coi là nhạc của người da trắng?
Phán xét “bất ngờ” về bản quyền “Livery Stable Blues” Về mặt âm nhạc, Livery Stable Blues là nhạc theo phong cách blues 12 khuông của New Orleans. Nó bắt đầu bằng 4 khuông dạo đầu, theo sau là 3 chủ đề riêng biệt được chơi nối tiếp, mỗi cái lặp lại 2 lần và kết thúc bằng 1 khuông duy nhất. Đoạn giả tiếng gà - ngựa - bò nằm ở chủ đề thứ 3. Marvin Lee sau đó đã thêm lời cho giai điệu. Giấy trắng mực đen như vậy, nhưng nó gây ra rất nhiều vấn đề về tác quyền. Livery Stable Blues ban đầu được ghi nhận là do các thành viên ODJB sáng tác. Tuy nhiên sau đó, 2 nghệ sĩ New Orleans khác là Alcide Nunez và Ray Lopez vượt mặt ODJB khi đăng ký bản quyền cho ca khúc trước. Cả 2 người này đều từng cộng tác với ODJB cách đó ít lâu. Các thành viên ODJB sau đó lại đăng ký bản quyền cho giai điệu và chỉ đơn giản là đổi tên thành Barnyard Blues. 2 bên và các hãng sản xuất tương ứng đã kiện lẫn nhau. Kết quả, thẩm phán tuyên bố không có bên nào có bản quyền của tác phẩm, rằng nó dựa trên một giai điệu đã có từ trước và do đó, thuộc “sở hữu công cộng”. Thẩm phán cũng bày tỏ nghi ngờ rằng các nhạc sĩ không có khả năng đọc hay viết nốt nhạc thì có thể coi là “sáng tác” bất cứ thứ gì? Ngược lại, trong một vụ kiện thứ 2, Livery Stable Blues bị cho là có nhiều nét tương đồng với That Teasin’ Rag của Joe Jordan ghi âm hồi năm 1909. Những ấn bản sau của giai điệu quả nhiên có thêm tên Jordan vào danh sách sáng tác và ông cũng nhận một phần tiền bản quyền. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)