Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi nghĩ cần thiết phải dành dung lượng bài báo để kể về lớp Thể Công nhập ngũ 1965 của chúng tôi, với thông điệp ngoài đây là lứa cầu thủ xuất sắc, còn phải kể đến tâm huyết các vị thầy đáng kính trong việc đi tìm nhân tài bóng đá.
- Vị đoàn trưởng 'huyền thoại' của Thể Công
- Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi
- Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi
Với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, dù chưa chính thức nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Tiền ngày nào cũng ra sân Long Biên để xem bọn trẻ quần thảo với trái bóng, còn ông Nguyễn Minh Cảnh đi các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương… gặp bạn bè trước cùng thi đấu với nhau và đề nghị họ phát hiện giới thiệu nhân tài.
Đãi cát tìm vàng
Hồi ấy, dưới chân cầu Long Biên phía bên Hà Nội có một dải phù sa rộng mênh mông trải dài từ chân đê sông Hồng ra sát tận mép nước. Bọn trẻ ở các khu phố gần vườn hoa Hàng Đậu, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, Tạ Hiền… và các xóm ven đê thường tụ tập chạy nhảy, đá bóng… rồi sau đó lao xuống sông tắm trước khi về nhà.
Trong những lần ra sân kiếm tìm nhân tài, HLV Nguyễn Văn Tiền (Mười Tiền) có ấn tượng với một số cầu thủ, trong số ấy Nguyễn Viết Cầu mà các bạn hay gọi Cầu “điên” được ông quan tâm nhất. Cậu bé này lại trắng trẻo, tóc xoăn, mặt mũi sáng sủa đẹp như Tây lai, người tròn lẳn nhưng nhanh nhẹn và dẻo dai, lại có lối dẫn bóng độc nhất, vô nhị.
Khi Cầu có bóng trong chân, hầu như không ai có thể lấy được và Cầu có thể đột phá luồn lách qua tới 2, 3 cầu thủ đối phương một cách dễ dàng, nhưng vô cùng đẹp mắt. Nhưng điều đặc biệt là cái cách Cầu “điên” vượt qua đối thủ: không phải đẩy bóng rồi chạy thật nhanh vượt qua, cũng không dùng sức đè người vượt qua như phần lớn các cầu thủ thường làm…, mà khi giữ bóng trong chân, cậu ta nhằm thẳng hướng đối thủ lao tới với tốc độ cực nhanh đồng thời liên tục đảo người lúc bên trái, khi bên phải khiến đối phương như bị thôi miên không biết đối phó kiểu gì, để rồi trái bóng cứ như dính chặt vào chân vượt qua đối thủ.
Cầu “điên” đá bóng với sự đam mê hoàn toàn bản năng, cậu ta dường như không có thói quen phối hợp với đồng đội mà chỉ ham dê dắt, qua người rồi … ghi bàn! Sự độc đáo trong cách xử lý trái bóng cùng sự đam mê ấy đã khiến HLV Nguyễn Văn Tiền bị mê hoặc.Xem Cầu “điên” chơi bóng, ông thốt lên: “Quá tài năng và độc đáo”, và thuyết phục ban chỉ huy Thể Công bằng được để đưa Nguyễn Viết Cầu vào sớm bất chấp mọi nguyên tắc vì lúc ấy Cầu mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi nhập ngũ.
Ông nói: “Nếu Thể Công không lấy, các đội bóng khác ở Hà Nội như Trường HLKTTW, CA Hà Nội hoặc Tổng cục Đường sắt… có thể đưa đi bất cứ lúc nào”. Đúng như suy đoán của HLV Mười Tiền, Thể Công chưa kịp ra tay thì Cầu “điên” đã thuộc về Trường HLKTTW!
Nhưng, Cầu “điên” không có duyên với Trường HLKTTW. Vốn là cậu bé nghịch ngợm một cách đặc biệt nên Cầu liên tục bị xử lý kỷ luật và cậu ta chủ động xin đầu quân cho Thể Công.
Nhận thấy niềm đam mê được đá bóng luôn cháy bỏng trong cậu bé Hà Nội, HLV Mười Tiền đã bảo lãnh để Nguyễn Viết Cầu được gia nhập Thể Công sớm. Thế là từ tháng 7 năm 1965, đội bóng đá 1 Thể Công có một cầu thủ trẻ được ăn, ngủ, tập luyện và đi theo các anh thi đấu, mặc dù chẳng có tiêu chuẩn gì.
(Còn nữa)
Trường hợp của Vương Tiến Dũng cũng gần giống như thế. Một cầu thủ Trường HLKTTW quê ở Vinh, Nghệ An là Nguyễn Trọng Dĩnh đã tận mắt được xem cậu bé trắng trẻo như cục bột này thể hiện năng khiếu thực sự khi thực hiện nhiều động tác đá bóng gọn ghẽ như người lớn! Anh đã đưa Dũng “béo” ra Trường HLKTTW kiểm tra và đã thuyết phục các HLV. Tuy nhiên, tình yêu với Thể Công của Vương Tiến Dũng lại tha thiết hơn, và dường như anh đã may mắn khi gặp ông Ngô Xuân Quýnh, một người quen của gia đình lúc này cũng đang tìm kiếm nhân tài cho bóng đá trẻ quân đội. Khi gặp và được ông Quýnh thuyết phục, Dũng “béo” gật đầu ngay và anh là cậu bé 15 tuổi thứ 2 được đặc cách gia nhập Thể Công chỉ sau Nguyễn Viết Cầu 2 tuần lễ. |
VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa