Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, đúng 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016). Tôi viết bài báo này trong tâm trạng vô cùng xúc động bởi mình cũng từng là người lính đang hồi ức về cảnh tượng Thể Công suýt bị giải tán từ 52 năm trước…
Một diễn biến bất ngờ như một trận đấu đang bế tắc khi không thể ghi bàn thắng bỗng xuất hiện. Một nhân vật tưởng như không liên quan đến TDTT Quân đội đã đến và chính ông, bằng uy tín và trách nhiệm đã mang niềm hy vọng, mở con đường sáng cho những người đang trăn trở về sự tồn tại hay không tồn tại của TDTTQĐ trong thời chiến.Ông xuất hiện đúng thời điểm nhạy cảm nhất khi quyết định giải thể Thể Công đã đặt trên bàn chỉ còn chờ một chữ ký. Ông - như một Thiên sứ - xuất hiện tại Hoàng thành Thăng Long giúp Thể thao Quân đội tiếp tục duy trì sự phát triển sau 10 năm xây dựng và đang thành vượt bậc.
Ông chính là nhân tố quan trọng để TDTT Quân đội vững vàng trong chiến tranh, là kiến trúc sư cho một Thể Công mạnh mẽ hơn, tài năng hơn và đưa sự phát triển nền TDTT Quân đội bước lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cao hơn, khi đất nước thống nhất một nhà!
Đấy là tướng Bằng Giang, Tư lệnh QK Tây Bắc, người vừa được lãnh đạo Bộ bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam.
Tướng Cao Văn Khánh chụp ảnh sau Giải vô địch miền Bắc 1976. Từ trái sang: Hải- Thêu- Mỵ. Ảnh tác giả cũng cấp
Trở lại nơi khai sinh
Tướng Bằng Giang có thói quen hễ cứ về Hà Nội công tác thế nào cũng rẽ vào thăm anh em Thể Công, nhất là đội bóng đá. Chiều hôm ấy, vừa họp trong Thành ra, ông bảo lái xe rẽ qua sân Cột Cờ xem tình hình Thể Công ra sao.
Vừa nhìn thấy tướng Bằng Giang, cả 3 vị lãnh đạo đoàn Thể Công cùng reo to “Anh Bằng! Anh Bằng!...”, và chạy ra đón. Mời thiếu tướng vào phòng làm việc, vẻ mặt của các ông rạng ngời, niềm hy vọng bừng sáng trên khuôn mặt.
Tướng Bằng Giang ngạc nhiên, ông cẩm thấy có điều gì khang khác, vì thông thường, cứ mỗi lần đến thăm đến thăm Thể Công, biết tính ông rất khoái gặp cầu thủ bóng đá, ông thường được thủ trưởng đoàn dẫn ra sân xem anh em tập nhưng lần này thì khác.
Sự xuất hiện đồng loạt của cả Ban chỉ huy, và tất cả mời ông vào phòng khách chứ không ra sân như mọi khi đã khiến ông ngạc nhiên. Vừa ngồi xuống cầm chén nước từ tay đoàn trưởng Hồ Quang Quới mời, ông hỏi: “Tình hình thế nào? Hình như các cậu có điều gì muốn nói với tớ hả?”.
Tướng Bằng Giang chăm chú lắng nghe ý kiến trình bày của ban chỉ huy đoàn. Sau 11 năm xây dựng và phát triển, đoàn Thể Công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là lá cờ đầu, là hình mẫu cho nền TDTT cách mạng. Như một binh chủng đặc biệt, Thể Công đã và đang là lực lượng tiêu biểu, nòng cốt của nền TDTT xã hội chủ nghĩa.
Từ Thể Công, một lực lượng cán bộ quản lý về TDTT, huấn luyện viên… trưởng thành và đã trở thành những cán bộ chủ chốt đáng tin cậy. Kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bạn bè thế giới thêm hiểu và yêu quý, tôn trọng nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam qua các hoạt động đối ngoại của đoàn Thể Công.Giải thể một đoàn TDTT đang làm việc có hiệu quả chúng ta sẽ phải chấp nhận một sự lãng phí lớn không chỉ về vật chất mà quan trọng là niềm tin của quần chúng. Biết bao nhiêu thế hệ mới có thành tích hôm nay, vậy nếu giải thể, biết bao giờ quân đội ta, đất nước ta mới lại xây dựng được một đoàn TDTT tầm cỡ như hôm nay?
Và sau cuộc chiến đấu chống Mỹ thắng lợi đất nước thống nhất, chắc chắn nhu cầu hoạt động TDTT để tập họp quần chúng sẽ cao hơn rất nhiều, nếu không chuẩn bị ngay thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ, bởi thế sẽ thật đáng tiếc nếu lúc này giải thể đoàn Thể Công.
(Còn nữa)
Ông Quới liền vào cuộc: “Anh ạ, chúng tôi muốn anh cho ý kiến về sự hoạt động của Thể Công trong thời gian sắp tới. Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng chúng tôi được biết thủ trưởng Bộ có ý định giải thể đoàn Thể Công để tập trung cho chiến đấu chống Mỹ”. “Nếu Bộ quyết định giải thể, các cậu thấy thế nào?”. “Chúng tôi rất băn khoăn nhưng chưa biết trình bày với Thủ trưởng nào vì hiện tại Bộ Tổng tham mưu rất bận. Ban lãnh đạo Thể Công đã thống nhất ý kiến đề xuất không nên giải thể nhưng không biết trình bày với ai, trong khi Phòng TDTT Quân huấn, cơ quan tham mưu của Bộ, đã giải thể”. “Vậy các cậu có suy nghĩ như thế nào", tướng Bằng Giang hỏi dồn. |
VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa