Bao giờ Trung Quốc lại có Li Na mới?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong một đêm khai mạc giải Vũ Hán Open, Li Na được chào đón một cách nồng nhiệt bởi những tràng pháo tay, tiếng la hét của người hâm mộ khi bước ra sân đấu.
- Quần vợt: Trung Quốc trên đường tìm kiếm Li Na thế hệ mới
- Phim về cuộc đời Li Na ra mắt năm 2016
- ĐKVĐ Australian Open Li Na sắp lên chức mẹ
Li Na giã từ sự nghiệp năm 2014, khi 31 tuổi nhưng cho tới nay, cựu tay vợt từng giành danh hiệu Grand Slam này vẫn là hình ảnh đại diện của quần vợt Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới và một nền kinh tế mạnh thứ 2 thế giới.
Điều kỳ diệu Li Na
“Khi quyết định giã từ, tôi nghĩ rằng trong tương lai những tay vợt khác của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặt hái vinh quang. Tôi không thích việc mọi người luôn nhớ tới tôi đâu, thật đấy. Bởi điều đó có nghĩa là quần vợt Trung Quốc chưa phát triển và bản thân tôi cũng cảm thấy phải gánh nhiều áp lực”, Li Na chia sẻ tại Vũ Hán trước một đám đông 2.000 sinh viên tại một trong những sân đấu ngoài trời tại thành phố quê hương cô.
Mặc dù hiện giờ có 11 tay vợt nữ Trung Quốc trong top 200 của WTA trong đó có 2 người nằm trong top 30 nhưng kể từ khi Li Na giải nghệ vì những chấn thương dai dẳng, chưa ai trong số họ vượt qua được vòng bán kết Grand Slam (Peng Shuai, Roland Garros 2014). Giờ đây Li Na đã là bà mẹ của 2 đứa trẻ cùng người chồng từng là cựu HLV của mình. Jiang Shan đang là cái tên được mong chờ có thể thay thế Li Na trở thành tay vợt tầm cỡ quốc tế.
“Sáng nay tôi thấy Li Na ở phòng tập gym. Dù đã nghỉ thi đấu nhưng cô ấy vẫn rèn luyện cơ thể rất chăm chỉ. Cô ấy khuyên tôi rằng hãy thả lỏng đầu óc và làm bất kể cái gì mình muốn. Cô ấy là nguồn cảm hứng của tôi, là tay vợt tôi vô cùng mến mộ. Tôi rất mong một ngày được như cô ấy”, Zhang Shuai, tay vợt hạng 26 thế giới chia sẻ. Cô từng vào tới tứ kết Australian Open năm 2016 chỉ vài tháng sau khi được cho rằng sẽ giải nghệ.
“Li Na đã làm được những điều kỳ diệu cho thể thao đất nước này. Sau thành công của cô ấy, có thêm rất nhiều các tay vợt Trung Quốc tin rằng họ có thể làm được điều tương tự”, HLV của Zhang cho hay.
Niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ
Mặc dù các cô gái của quần vợt Trung Quốc từng giành HCV Olympic ở nội dung đánh đôi nhưng Li Na là tay vợt đầu tiên nước này giành được 1 Grand Slam tại Roland Garros năm 2011. Chiến thắng đó được theo dõi bởi 116 triệu người qua vô tuyến chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Sau đó, Li Na dần trở thành siêu sao, người hùng tại quê nhà của mình.
Trước vinh quang đó của Li Na, chỉ có vài giải đấu được tổ chức tại Trung Quốc. Bây giờ, đất nước này là nơi tổ chức 9 sự kiện quần vợt lớn và rất nhiều giải đấu nhỏ khác. Thành công của Li Na chứng minh rằng Trung Quốc đã đi đúng hướng trong việc đào tạo các tay vợt trẻ và cũng kích thích nhu cầu được chơi và thi đấu quần vợt. Hiện nay có khoảng 15 triệu người Trung Quốc thường xuyên chơi tennis, nhiều hơn tới 14 triệu người so với năm 1988, khi quần vợt trở lại với Olympic.
Khuôn mặt của Li Na thậm chí đã tô điểm cho những bảng quảng cáo khổng lồ khắp thành phố Vũ Hán, một thành phố có 10 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc, tỉnh nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Chính quyền địa phương đã đầu tư 225 triệu USD để xây dựng các cơ sở hiện đại tại khu vực rộng 33 mẫu với một sân vận động mô phỏng sân Rod Laver của Melbourne, hoàn chỉnh với mái che có thể thu vào. Theo Liu Yingzi, Phó Thị trưởng Vũ Hán, sự liên kết với Li Na và giải Vũ Hán Open, sự kiện thể thao quốc tế hàng đầu đầu tiên, đã đưa thành phố này lên bản đồ toàn cầu và ở Trung Quốc.
Yến Nhi (Theo ESPN)