Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 39): Sức sống bền bỉ của chiếc áo tơi
Trang phục của loài người luôn bắt đầu được làm từ những chất liệu tự nhiên như lá cây, vỏ cây rồi mới tới những loại cây trồng; từ các bộ da thú săn bắt được tới những súc vật được chăn nuôi… Rồi con người chế tạo ra những chất liệu ngày càng phong phú, tiến bộ hơn… Nếu vậy, thì ở nước ta có một loại trang phục hoàn toàn làm từ lá cây, mà tồn tại cho đến tận ngày nay, nhờ vào sự tiện dụng và hiệu quả của nó.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Đó là cái áo tơi, loại áo làm từ lá cây mà Hán tự gọi là “soa y” (áo lá - theo Wikipedia) mà ở một vài nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có, nhưng không rõ nó còn có mặt trong đời sống đương thời, hay chỉ còn lại trong bảo tàng?
Vào cuối thế kỷ XIX (1884), một người châu Âu được coi là văn minh khi đến nước ta là bác sĩ Hocquard, theo đoàn quân viễn chinh Pháp chinh phục xứ Bắc kỳ, đã ngạc nhiên với áo tơi. Ông cũng đã than phiền về những cơn mưa xối xả của xứ nhiệt đới và nhận ra sự kém cỏi của trang phục che mưa của người châu Âu được trang bị cho đạo quân viễn chinh, khi so sánh với những gì dân bản xứ sử dụng là chiếc áo tơi.
Ông viết: “Chúng tôi (những người Pháp) phải khom lưng mà bước, không có gì để chống lại ngoài mảnh vải tráng cao su thảm hại chỉ một lát nước mưa đã thấm qua. Về mặt này, bọn cu-li (người bản xứ) được trang bị tốt hơn chúng tôi. Họ có một chiếc áo khoác bằng lá gồi xếp chồng lên nhau như ngói lợp nhà. Ở những chặng nghỉ, khi mưa to, họ ngồi xổm và ở tư thế ấy, với chiếc nón to trên đầu như một mái nhà hình chóp và áo lá quấn quanh người, trông chẳng khác gì những chòi gác đặt dọc đường…”.
Áo tơi hình chữ nhật được kết lại từ những chiếc lá (những chất liệu tựa như làm nón đội đầu), xếp lên nhau thành từng lớp, tựa như vảy cá hoặc lợp mái nhà để nước chảy xuôi xuống đất, không để lọt vào bên trong, khi tấm lá hình chữ nhật ấy được uốn cong và có dây buộc quanh cổ, tạo thành cái ống che kín cơ thể. Được tấm lá kết ấy che chở, không chỉ ngăn nước thấm, mà còn cản gió thổi, tạo ra một “vùng tiểu khí hậu” tự sưởi ấm bằng chính nhiệt độ của cơ thể… giữ ấm cho người dùng trong những ngày Đông giá rét.
Và cũng cái áo tơi ấy được dựng lên chắn chặn cái nóng của ánh mặt trời, nhưng lại mở theo hướng gió để lùa khí mát vào trong cơ thể… Phải phơi mình ngoài trời, người dân quê xứ ta có một kỹ năng sử dụng chiếc áo tơi (kết hợp với nón đội đầu) để ứng phó với thiên nhiên rất điêu luyện…
Áo tơi không nhất thiết phải khoác lên người, mà nó có thể dựng lên như bức vách che nắng chắn gió, trải ra như cái chiếu để ngả lưng và khi đã cũ kỹ, hỏng rách, nó được "dọi" tạm những chỗ dột trên mái nhà tranh… và cuối cùng là khoác lên "thằng bù nhìn" dựng ngoài cánh đồng để xua đuổi chim chóc phá hoại mùa màng…
Nhưng nhìn chung, từ tên gọi đến hình hài, chiếc áo tơi thường gắn với cảnh nghèo, lam lũ… vì với những người có hoàn cảnh sống sung túc, nhàn nhã, nhất là ở đô thị, thì ngôi nhà ấm cúng, nhiều món trang phục đội đầu (nón, mũ) hoặc cầm tay (ô, dù) cùng với những sản phẩm, tiện nghi mà văn minh ngoại quốc đưa đến đã khiến chiếc áo tơi chỉ dành cho người lao động, vốn luôn sống trong cảnh thiếu thốn và bươn chải kiếm sống ngoài trời…
Tuy nhiên, ở nông thôn, sức sống của cái áo tơi vẫn bền bỉ vì những công năng ưu trội, cho dù nó luôn được coi là biểu tượng cho sự nghèo khó (Người thì mớ bẩy mớ ba/ Người thì áo rách như là áo tơi). Với người thực dụng, nó vượt qua sự nghèo khó (Trời mưa thì mặc trời mưa/ Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi/ Chồng tôi đi chơi đã có nón đội/ Chồng tôi đi hội đã có dù che). Nó cũng trở thành biểu tượng cho sự thủy chung (Theo nhau cho trọn đạo trời/ Dù không có chiếu, trải tơi ta nằm) và còn thi vị hóa (Có duyên dầu bận áo tơi/ Đầu đội nón cời (rách) duyên vẫn hoàn duyên)…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 38): Cái nón quai thao
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 37): Ô tô chở khách ở nước ta có tự bao giờ?
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 36): Vị hoàng đế suốt đời phụng sự Tổ quốc như vương hiệu của mình
Nhờ thế, chiếc áo tơi cho đến hôm nay, khi nhân loại đã bước hẳn vào thế kỷ XXI, trên đất nước ta vẫn còn ở đâu đó giữ được làng nghề "chằm" áo tơi (tiêu biểu nhất ở thôn Yên Lạc, Can Lộc, Hà Tĩnh), vẫn có chợ bán áo tơi (ở Xứ Đoài cũ) và thứ trang phục có từ thời nguyên thủy này vẫn là chủ đề cho nhạc sĩ làm ra ca khúc mùi mẫn (Áo tơi anh quàng của nhạc sĩ Lê Xuân Hòa), hoặc trong ca từ của cố nhạc sĩ An Thuyên vẫn thấp thoáng những câu “cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng… áo tơi em dấu mùi hương… Yêu em yêu cả trọn đời/ Bốn mùa dầu dãi áo tơi anh quàng”…
Và trên báo chí vào những ngày Hè nắng nóng này, thi thoảng vẫn đưa tin người nông dân Việt Nam vẫn coi áo tơi là thứ trang phục chống nóng tốt nhất khi phải lao động ngoài trời…
QXN