Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 38): Cái nón quai thao
Nếu bạn nhấn tìm trên mạng ba từ “nón quai thao”, sẽ thấy có nhiều cách hiểu, cách gọi khác nhau về một loại nón để đội trên đầu của phái nữ, vốn rất phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ thuở xưa.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Trước hết, nó xuất hiện cả ở thôn quê lẫn thành thị, mà đặc trưng phân biệt rõ nhất với một thứ cũng gọi là “nón”, nhưng lại có hình chóp, dùng cho cả đàn ông lẫn đàn bà, phổ biến ở ngoài vùng trung tâm đồng bằng Bắc bộ và phủ khắp Trung bộ cho đến Nam bộ.
Không tính đến ngôn ngữ của người phương Nam gọi chung các thứ đội trên đầu là “nón” (kể cả những cái mà ở nhía Bắc gọi là mũ), thì cái nón ở đâu cũng được chế tác từ cốt tre và lợp bằng một số loại lá thích hợp như lá gồi, lá cọ… và cả lá nón. Chỉ có sự khác biệt về hình dáng, kích cỡ to nhỏ và một số phụ kiện như chóp đồng, các hình thù trang trí… và đặc biệt có cái gọi là "quai thao".
Riêng cái "quai thao" như tên gọi của nó là sự kết hợp giữa công dụng định vị chắc chắn trên đầu (quai) cùng với cái "khao" (là vòng tròn tiếp xúc trực tiếp với đỉnh đầu người đội) nhưng chủ yếu để trang trí được gọi là "thao", có chung chất liệu là những sợi tơ được đan kết lại gắn với nhiều hình loại trang trí, màu sắc góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ cho người sử dụng.
Dường như "quai thao" chỉ gắn với một loại nón được tạo tác thành một hình tròn phẳng, có một độ dày (tạo thành cái đai), kích cỡ khác nhau, được gọi chung là "nón thượng", hoặc "nón ba tầm" (kích cỡ bán kính của cái nón hình tròn), hoặc nón thúng. Điều đó cho thấy, cái nón thượng là một thành phần độc lập, chỉ khi gắn cái "quai thao" thì mới gọi là "nón quai thao".
Vì công năng của nón quai thao nặng về trang trí, thẩm mỹ nên nó thường gắn cùng những chiếc nón được chế tác cầu kỳ (tốn công và đắt tiền) tạo nên vẻ sang trọng và tôn lên vẻ đẹp, duyên dáng của chủ nhân. Và nếu chiếc nón thượng dù có quai để giữ khỏi suy suyển trên đầu, mà không dùng thao làm quai, thì cũng không được gọi là "nón quai thao" và đương nhiên thuộc về lớp bình dân sử dụng.
Viết những điều như trên, tôi không chỉ dựa vào khảo cứu của các nhà chuyên môn (nhân học, dân tộc học…) mà còn dựa vào các bức ảnh được chụp vào những năm cuối của thế kỷ XIX, và chủ yếu vào khoảng ba thập niên đầu của thế kỷ XX. Những cứ liệu hình ảnh khách quan cho thấy, ở đồng bằng Bắc bộ hầu như phụ nữ đều đội nón thượng, với những biến thể khác nhau về kích cỡ, hình thù và cái phân biệt lớn nhất là có quai thao hay không có quai thao… Để tỏ sự sang trọng hay trang trọng, chiếc nón thượng có quai thao luôn xuất hiện như một vật trang trí nhiều hơn là để che nắng, che mưa…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 37): Ô tô chở khách ở nước ta có tự bao giờ?
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 36): Vị hoàng đế suốt đời phụng sự Tổ quốc như vương hiệu của mình
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 35): Từng có 'Một con người Mới'
Vậy mà chỉ vài thập niên sau, không rõ vì lý do gì, chiếc nón hình chóp vốn chỉ phổ biến trong nhóm cư dân phía cực Bắc trong đó có người Hoa và những cư dân ở phương Nam gần gũi với văn hóa Nam Á và hải đảo bỗng chiếm lĩnh, không chỉ là cái đội trên đầu của đàn ông mà chiếm lĩnh dần trở thành tuyệt đối trên đầu đàn bà của cả nước. Cho đến hôm nay thì cái nón chóp (kiểu như nón bài thơ của Huế) đã trở thành biểu tượng cho phụ nữ Việt Nam.
Phải chăng, chính các nhân tố từ thời các chúa Nguyễn muốn có sự khác biệt trong trang phục với Đàng Ngoài là sự khởi đầu và tiếp đó là triều Nguyễn muốn thống nhất trang phục quốc gia đã loại bỏ chiếc “nón thượng" và "nón quai thao" ra khỏi đời thường, chỉ còn lưu lại trong nghệ thuật quan họ của xứ Kinh Bắc? Và phải chăng, dấu ấn cái nón thượng dường như lại thu gọn trong trang phục đội đầu của đám lính bản xứ (cả khố đỏ lẫn khố xanh) "vô tiền khoáng hậu" trong hệ thống cai trị của thực dân?
Quanh cái "nón quai thao", đúng là còn nhiều chuyện để bàn!
QXN