AFF Cup 2018: Malaysia đáng gờm nhất với tuyển Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) – So với bảng B, bảng A của AFF Suzuki Cup 2018 được đánh giá là dễ thở hơn với đội tuyển Việt Nam. Nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo cũng không nên chủ quan, nhất là trước đối thủ đáng gờm như Malaysia.
Đội tuyển Malaysia
Xếp hạng FIFA: 169
Thành tích tốt nhất ở AFF Cup: Vô địch (2010)
Thành tích ở AFF Cup 2016: Vòng bảng
Thành tích năm 2018: 4 thắng, 1 hòa, 3 thua
HLV trưởng: Tan Cheng Hoe
Ngôi sao đáng chú ý: Mohamadou Sumareh, Safawi Rasid, Norshahrul Talaha
Việc HLV Park Hang Seo cử "cánh tay phải" Lee Young Jin đến theo dõi trận giao hữu giữa Malaysia và Kyrgyzstan hôm 16/10 chứng tỏ nhà cầm quân người Hàn đánh giá rất cao đối thủ này. Và quả thực, xét trên cả yếu tố lịch sử cũng như hiện tại, Malaysia được coi là đối thủ đáng gờm nhất của đội tuyển Việt Nam ở bảng đấu này.
Trong năm 2018, U23 Việt Nam đã thi đấu hết sức thành công với ngôi á quân U23 châu Á, và lọt vào đến bán kết ASIAD 2018. Nhưng đừng quên rằng ở cả hai giải đấu ấy, U23 Malaysia đều gây được ấn tượng khá mạnh. Hồi đầu năm, họ đánh bại U23 Saudi Arabia để lọt vào tứ kết U23 châu Á và chỉ thua sát nút U23 Hàn Quốc 1-2. Tại ASIAD 2018, họ cũng vượt qua vòng bảng và chỉ thua 0-1 trước U23 Nhật bản. Đặc biệt, U23 Malaysia là đội duy nhất đánh bại được U23 Hàn Quốc – đội sau đó giành HCV. Trước đó, Malaysia cũng giành HCB SEA Games 2017.
9 tuyển thủ U23 trong đội hình, trong đó có tiền vệ Safawi Rasid (21 tuổi), Akhyar Rashid (19 tuổi), HLV Tan Cheng Hoe không giấu diếm ý đồ xây dựng đội bóng trên nền tảng những tài năng trẻ này. Bên cạnh đó là lối chơi ban bật ngắn, dựa trên những cầu thủ giàu kỹ thuật. Malaysia vẫn còn những cựu binh từng vô địch AFF Cup 2010 như thủ thành Khairul Che Mat và tiền đạo Norshahrul Idlan Talaha. Tuy nhiên, nhân tố mới và đáng gờm nhất, theo ghi nhận của trợ lý Lee Young Jin là tiền vệ tấn công Mohomadou Sumareh. Cầu thủ nhập tịch gốc Gambia này có thể lực và tốc độ đáng nể.
Malaysia từng có một năm 2017 thảm họa với 8 trận chỉ hòa (2), và thua (6), nhưng tình hình đã có vẻ khởi sắc hơn trong năm 2018, không chỉ về kết quả thi đấu mà còn về lối chơi, và tinh thần nữa.
Đội tuyển Myanmar
Xếp hạng FIFA: 141
Thành tích tốt nhất ở AFF Cup: Bán kết (2004, 2016)
Thành tích ở AFF Cup 2016: Bán kết
Thành tích năm 2018: 1 thắng, 5 thua
HLV trưởng: Antoine Hey
Ngôi sao đáng chú ý: Aung Thu, Maung Maung Lwin, Yan Naing Oo
Nếu xét về mặt phong độ, Myanmar có vẻ như là một đối thủ khá dễ xơi. Đội bóng này đã thua 5/6 trận đấu trong năm 2018, chiến thắng duy nhất là khi họ đánh bại... Macau 1-0 ở vòng loại Cúp châu Á 2019. Vì thành tích bết bát ấy mà HLV Gerd Zeise đã bị sa thải hồi tháng Năm, người thay thế ông là Antoine Hey – cựu HLV đội tuyển Rwanda, với bản hợp đồng có thời hạn năm rưỡi. Nhưng thành tích của nhà cầm quân người Pháp là 4 trận thua liên tiếp, ghi được 1 bàn, và thủng lưới đến 11 bàn.
Những trận thua của Myanmar đều không bất ngờ, khi đối thủ của họ là Trung Quốc, Indonesia, Bolivia, và Bahrain, nhưng vấn đề nằm ở cách thua. Các học trò của ông Antoine Hey dễ bị cuốn vào lối chơi của đối phương và không có một thủ lĩnh thực sự. Việc hai trụ cột Kyi Lin và Kyaw Ko Ko chấn thương nặng càng khiến Myanmar gặp khó.
Có thể thấy HLV Antoine Hey đang cố gắng xây dựng đội bóng trên nền tảng của lứa cầu thủ từng dự World Cup U20 2015. Đó là lý do mà ông không gọi trung vệ trụ cột Zaw Min Tun (26 tuổi, 58 lần khoác áo ĐTQG) mà đặt niềm tin vào các hậu vệ trẻ như Nanda Kyaw và Win Moe Kyaw. Dù vậy, hàng thủ vẫn là tuyến yếu nhất của Myanmar.
Trong khi đó, cầu thủ đáng gờm nhất bên phía Myanmar là tiền đạo Aung Thu, người đang khoác áo Police Tero ở Thai League. Chân sút sinh năm 1996 này có những bước chạy thông minh và dứt điểm uy lực. Nhưng Aung Thu hiện đang bị chấn thương.
Đội tuyển Campuchia
Xếp hạng FIFA: 170
Thành tích tốt nhất ở AFF Cup: Vòng bảng
Thành tích ở AFF Cup 2016: Vòng bảng
Thành tích năm 2018: 1 thắng, 1 hòa, 4 thua
HLV trưởng: Keisuke Honda
Ngôi sao đáng chú ý: Chan Vathanaka, Thierry Chantha Bin
Tại kỳ AFF Cup lần này, Campuchia là một đội bóng khá kỳ lạ. Họ triệu tập cầu thủ ít tuổi nhất giải (Sieng Chanthea, 16 tuổi), đồng thời sở hữu một HLV vẫn còn đang… thi đấu chuyên nghiệp (Keisuke Honda). Vì hoàn cảnh đặc biệt của Honda, đang khoác áo Melbourne Victory nên Campuchia đã áp dụng chiến thuật xoay tua… HLV khi đăng ký thêm trợ lý Felix Dalmas, người thậm chí còn trẻ hơn cả Honda, với chức danh đồng HLV trưởng.
Cầu thủ đáng ngại nhất của Campuchia vẫn là Chan Vathanaka, song những đồng đội của anh lại không có đẳng cấp tương xứng. Và với bộ đôi HLV quá ít kinh nghiệm, đội bóng này sẽ khó lòng tiến xa.
Đội tuyển Lào
Xếp hạng FIFA: 181
Thành tích tốt nhất ở AFF Cup: Vòng bảng
Thành tích ở AFF Cup 2016: Dừng bước từ vòng sơ loại
Thành tích năm 2018: 1 hòa, 5 thua
HLV trưởng: V.Sundramoorthy
Ngôi sao đáng chú ý: Soukaphone Vongchiengkham
Thất bại 1-4 trước Mông Cổ hôm 16/10 có lẽ là đủ để tuyển Lào nhìn nhận họ đang ở đâu trên bản đồ bóng đá khu vực. Trong 6 trận đấu trong năm 2018, họ thua tới 5 và hòa 1 (2-2 trước Bangladesh). Sự bất ổn trên băng ghế huấn luyện càng khiến sự chuẩn bị của đội bóng này trở nên bị động.
Tháng trước, Liên đoàn bóng đá Lào đã bổ nhiệm ông Patrice Neveu làm HLV trưởng để giám đốc kỹ thuật Mike Wong không phả kiêm nhiệm nữa. Nhưng hơn ba tuần sau, họ lại sa thải ông này, và bổ nhiệm Sundramoorthy, theo lời giới thiệu của Wong.
Sundramoorthy từng dẫn dắt các đội trẻ Singapore và am hiểu bóng đá Đông Nam Á hơn ông Neuve nhưng ông có quá ít thời gian lắp ráp, thử nghiệm đội hình, để chuẩn bị cho một giải đấu quan trọng như AFF Cup.
Bởi thế, nhiệm vụ lọt vào bán kết có lẽ là quá sức đối với đội tuyển Lào
Tuấn Cương