9X dựng 'ngân hàng số' di sản Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 15 tuổi, Nguyễn Trí Quang xin phép bố mẹ cho nghỉ học lớp chuyên Nhật -trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để theo đuổi ý tưởng số hóa di sản Việt. Và một năm sau, khi những thành tựu chớm nở với cậu bé vừa học hết lớp 9, bố mẹ quyết định cho Quang nghỉ học để chuyên tâm xây dựng ngân hàng dữ liệu 3D về di sản đầu tiên của Việt Nam.
Nguyễn Trí Quang (năm nay 17 tuổi), chủ website 3D cổ vật, linh vật và di sản Việt đầu tiên Việt Nam: vr3d.vn
“Rồi, con có thể nghỉ học!”
Đó là những tháng ngày gian khó năm 2012. Gia đình Quang họp nhiều lần trước đề nghị sốc của cậu trai mới lớn đang học hành chăm ngoan: xin thôi học. Bà Phạm Thị Thảo, mẹ Quang nhớ lại: Những ngày đầu, tôi thực sự không hiểu điều gì xảy ra. Lúc đó, chúng tôi nghĩ cháu có chuyện gì ở trường lớp. Song khi nghe cháu trình bày ý tưởng, niềm đam mê và khát vọng, vợ chồng tôi thấy bối rối. Sau nhiều lần gia đình họp, chúng tôi quyết định cho Quang 1 năm để chứng minh năng lực cũng như để Quang suy nghĩ và kiểm chứng khát vọng của mình.
Năm đó, Quang học cuối cấp 2. Cậu phải cùng lúc đối mặt với hai “kỳ thi” đối lập: thi cuối cấp để lên cấp 3 và “ghi điểm” với bố mẹ để được... nghỉ học. Quang dồn toàn lực cho “kỳ thi” thứ 2. Ngày ngày, cậu bé 15 tuổi cố tránh học thêm cùng các bạn để vác theo chiếc máy quét 3D to cộ cùng bố rong ruổi khắp các di tích để ghi dữ liệu về linh vật, cấu kiện cổ của ông cha. Đêm đêm, cậu đổ file, viết code xây dựng website.
“Tiếng là cùng lúc phải đối mặt với hai thử thách, song em dành trọn ngày tháng để thiết kế website, dựng niềm tin với bố mẹ. Sau đó, em thi đỗ tốt nghiệp cấp 2. Song nếu thi tiếp cấp 3, em cũng không dám chắc sẽ thi nổi trường nào”- Quang cười lớn.
15 tuổi, đánh cược với “canh bạc cuộc đời” nên điểm học lực lớp 9 của Quang sụt thê thảm. Nhưng trang web về cổ vật, linh vật và di sản 3D của cậu lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của giới học giả, cũng như những người yêu di sản cả nước. “Và lúc ấy, em chắc chắn mình đi đúng đường”- Quang nói.
Sau một năm hoạt động, website thành công ngoài mong đợi vang dội. Bên ấm trà nóng, trong không khí đầm ấm, cả gia đình (Quang là con thứ hai trong gia đình bố anh chị em, chị cả Quang đang học tại Đại học Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia HN) ngồi bàn về tương lai của Quang. Không khí hồi hộp, căng thẳng lập tức bị phá vỡ khi bố Quang kết luận một câu ngắn gọn: “Rồi, con có thể nghỉ học!”
“Hồ sơ vàng” về di sản
Dữ liệu 3D về linh vật Việt của Quang hai năm sau khi thành lập (vào thời điểm này) đang là hồ sơ vàng để các nghệ nhân làng đá chế tác linh vật Việt. Trong cuộc họp sơ kết 5 tháng thực hiện công văn 2662 vừa rồi, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng thay mặt ngành văn hóa khen ngợi và cám ơn Quang vì những cống hiến của em với linh vật Việt nói riêng và di sản Việt nói chung.
Theo tìm hiểu, ngoài việc có thể xem các mặt của di sản, người truy cập còn có thể tương tác trực tiếp với di sản từ website vr3d.vn. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: Đây là chìa khóa vàng để mở cánh cửa phục hưng linh vật Việt. Bởi không cần tới tận địa điểm đo đạc kích cỡ, ghi chép tỉ mỉ hoa văn, từ website này, các nghệ nhân chỉ cần những cú click chuột là có đầy đủ hình khối linh vật. Họ cũng có thể nghiên cứu từ những mảng chạm nhỏ nhất của tiền nhân để tham khảo.
Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, với những người nghiên cứu, việc có một website lưu giữ tỉ mỉ từ những mảng chạm nhỏ nhất các di tích, cấu kiện trăm năm cũng tiện cho việc nghiên cứu. “Và quan trọng hơn, đây là cách bảo tồn di sản tối ưu trước những biến thiên thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh trùng tu hiện nay.”- Ông Trần Hậu Yên Thế cho biết.
Thành công đầu tiên của Quang là việc em đã hỗ trợ đồ họa cho nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ phục dựng thành công linh vật nghê thế kỷ 17 ở đền vua Lê Thánh Tông. Đây là một trong những con nghê đầu tiên được phục dựng sau công văn 2662 và đang được nhiều khách hàng đặt. Đáng chú ý, bản gốc của con nghê quý bị hỏng phần đuôi. Bằng kỹ thuật 3D cùng sự cố vấn của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Trí Quang đã ghép phần đuôi của một con nghê cùng thời với nhiều đặc điểm tương đồng để nhà điêu khắc Vũ phục dựng thành công.
Quang cho hay: “Nghê, cổ vật chỉ là những bước đi đầu tiên. Mục tiêu lâu dài của tôi là số hóa toàn bộ di sản Việt bằng công nghệ 3D. Đây sẽ là ngân hàng dữ liệu về di sản để mọi người có thể chiêm ngưỡng dễ dàng từ đó gây lại tình yêu với di sản ông cha. Đồng thời, công nghệ 3D còn có thể ghi lại từng vết xước nhỏ nhất ở cấu kiện. Vì thế, cùng một cấu kiện, trong khoảng 10 năm, khi quét 3D 2 lần, chúng ta sẽ dễ nhận ra những sự bào mòn khốc liệt của thời gian. Từ đó ta cũng có dữ liệu về cấu kiện gốc để phục hồi và tìm cách bảo vệ di sản tốt hơn.”
Ước vọng hồi hương bảo vật Việt bằng... 3D |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa