3 sai lầm khi tập thể dục có thể 'rước' thêm bệnh, hao mòn sức khỏe
Theo chuyên gia, tập thể dục là một trong những phương pháp điều trị và phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, tập luyện sai có thể làm tăng nguy cơ hao mòn sức khoẻ.
Trong phòng ngừa và điều trị bệnh tật, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì tập luyện là phương pháp thường được dùng tới, theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM.
Tập luyện có nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như tập thể dục hàng ngày với nhiều bộ môn như chạy bộ, tập dưỡng sinh, bơi lội, cầu lông, tennis....; tập luyện dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên y tế như tập vật lý trị liệu: tập tay, tập chân, tập cột sống, tập đi đứng... Các hình thức tập luyện rất đa dạng nhưng đều hướng tới mục đích chung là cải thiện sức khỏe, phòng ngừa hoặc điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Vũ, khi tập luyện thể dục thể thao, mọi người cần lưu ý tránh mắc phải các sai lầm có thể gây hại sức khỏe, ví dụ như 3 sai lầm dưới đây.
Sai lầm 1: Tập luyện quá sức
Bác sĩ Vũ cho biết tập luyện quá sức có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đây cũng là sai lầm gặp ở rất nhiều người.
Mới đây, bác sĩ Tấn Vũ đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 78 tuổi bị đau nhức toàn thân do tập tạ. Bệnh nhân có chia sẻ rằng muốn có được cơ bắp nở nang như khi còn trẻ nên đã nâng tạ. Khi có triệu chứng đau nhức, bệnh nhân mới đi khám.
Bác sĩ Tấn Vũ lưu ý người cao tuổi khi chơi những môn thể thao cần vận động cường độ cao như tennis, đá bóng… có thể dễ gặp chấn thương cơ xương khớp hoặc đột quỵ. Nguyên nhân là gân cơ, dây chằng không còn dẻo dai, loãng xương, phản xạ chậm dễ té ngã.
Do vậy, người cao tuổi không nên tập những môn quá nặng, thay vào đó nên tập những môn nhẹ nhàng vừa sức như thái cực quyền, yoga, khí công, dưỡng sinh, bơi lội, đi bộ….
"Cần lưu ý động tác yoga như trồng chuối chống chỉ định với người có huyết áp cao và có nguy cơ chấn thương cột sống cổ cao", bác sĩ Tấn Vũ nói.
Ngoài ra, các bộ môn như aerobic vận động nhanh, liên tục sẽ không phù hợp với người có tiền sử bệnh tim mạch, hen suyễn, tăng huyết áp. Các trường hợp này nên đi bộ nhẹ nhàng và không để quá sức. Đặc biệt, mọi người cần ngưng tập khi thấy mệt.
Phụ nữ sau sinh không nên tập các bài tập bụng vì cơ bụng chưa phục hồi sau sinh nở, chỉ nên tập đi bộ nhẹ nhàng.
Sai lầm 2: Chọn bộ môn không tác động tới vùng bị bệnh của cơ thể
Sai lầm thứ hai được bác sĩ Tấn Vũ nhắc tới là chọn sai bộ môn luyện tập. Khi đó, bệnh nhân tập luyện những động tác không có tác dụng tới vùng bị bệnh cần phải điều trị.
Bác sĩ đã gặp bệnh nhân nữ 36 tuổi (sống tại TP.HCM) là nhân viên văn phòng, thường đau mỏi cổ gáy. Chị chọn tập môn lắc vòng để cải thiện đau nhức vùng cổ gáy. Tuy nhiên, một thời gian sau chị bị đau và bầm tím vùng lưng. Sau đó, bệnh nhân có đi khám và phát hiện thoát vị đĩa đệm vùng lưng.
Từ trường hợp của nữ bệnh nhân trên, bác sĩ Tấn Vũ khuyến cáo khi lựa chọn bộ môn tập luyện để cải thiện bệnh, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ xem môn tập luyện có phù hợp không, tập luyện thế nào cho phù hợp về cường độ và tần suất.
Sai lầm 3: Tập không đúng thời điểm
Ngoài lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với sức khoẻ, độ tuổi, bệnh lý… thì thời điểm tập luyện cũng rất quan trọng.
Bác sĩ Tấn Vũ cho rằng thời điểm tập thể dục lý tưởng nhất là vào buổi sáng, khi mặt trời đã lên. Tập thể dục quá sớm khi trời chưa có ánh nắng dễ xảy ra tai nạn, thương tích, không tốt cho hệ hô hấp.
"Trong tập luyện cần kiên trì và đều đặn, chứ không mang tính ngẫu hứng, ngày tập ít, ngày tập nhiều. Khi tập luyện cần lắng nghe cơ thể, khi thấy đau, mệt thì ngưng tập và kiểm tra sức khỏe khi có nghi ngờ", bác sĩ Vũ nhắn nhủ.